Tổng thống Putin luôn khai thác những sơ hở của phương Tây trong “tiền lệ pháp Kosovo” cho nước đi của mình, làm đối phương luôn phập phồng lo sợ..
Sau thất bại ở Macedonia, Mỹ-NATO lại thất thế ở Bosnia-Hezcegovia
Balkan Insight đưa tin, nhà lãnh đạo người Serbia Milorad Dodik đã giành được chức vị đồng Chủ tịch Hội đồng Tổng thống 3 thành viên của Bosnia-Hezcegovia trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 7/10/2018.
Ông Milorad Dodik sẽ luân phiên nắm chức Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Bosnia-Hezcegovia cùng với ông Zeljko Komsic, đại diện cộng đồng người Croat và ông Sefik Dzaferovic, đại diện cộng đồng người Hồi giáo tại Bosnia.
Ông Dodik là Tổng thống Republika Srpska – một trong ba thực thể chính trị cấu thành của Bosnia-Hezcegovia. Nhà chính trị người Serbia này có mối quan hệ thân thiết với Nga và cá nhân Tổng thống Putin.
Ông Dodik – người theo chủ nghĩa quốc gia và theo đuổi lập trường là Republika Srpska phải trở thành một quốc gia độc lập – đã chiến thắng ứng viên có quan điểm thân phương Tây cũng là đương kim Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Mladen Ivanic.
Republika Srpska chiếm gần 49% diện tích và hơn 30% dân số Bosnia-Hezcegovia nên theo giới quan sát, dù là Tổng thống luân phiên, song tiếng nói của ông Dodik sẽ tỏ ra vượt trội hơn so với 2 đồng nghiệp còn lại.
Là 1 trong 6 thực thể cấu thành của Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư, Bosnia-Hezcegovina đã giành được độc lập sau cuộc chiến tranh Nam Tư hồi thập niên 1990. Bosnia-Hezcegovina được xem là ứng viên tiềm năng của NATO.
Ngày 2/2/2017, trong cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Bosnia-Hezcegovina Mladen Ivanic, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh này đã sẵn sàng kích hoạt Kế hoạch hành động thành viên dành cho Bosnia-Hezcegovina.
Về phần mình, ông Ivanic cũng cho biết Hội đồng Tổng thống Bosnia-Hezcegovina đã đạt được sự đồng thuận chính trị đầy đủ để kích hoạt Kế hoạch hành động thành viên của NATO sớm nhất có thể
Chính vì vậy, cuộc tổng tuyển cử ngày 7/10/2018 được đánh giá như một cuộc thăm dò ý nguyện của người dân Bosnia-Hezcegovina về “Khát vọng Tây tiến” của chính quyền Sarajevo.
Cũng vì vậy, chiến thắng của Tổng thống Republika Srpska Milorad Dodik được xem là một thất bại của Mỹ-NATO trong việc đưa Bosnia-Hezcegovina vào vòng ảnh hưởng trực tiếp của mình.
Ngược lại, ông Dodik được bầu làm Tổng thống Bosnia-Hezcegovina lại được đánh giá là một chiến thắng của Moscow trước Mỹ-NATO ở ván đấu tiếp theo trong bàn chính trị Nam Tư cũ. “Đó là một chiến thắng rõ ràng”, theo The New York Times.
Trước đó cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/9/2018 về đổi tên nước tại Macedonia mở đường cho quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này gia nhập NATO cũng đã thất bại, khi chỉ có 36,87% cử tri Macedonia tham gia sự kiện chính trị đặc biệt này.
Chiến thắng của ông Dodik cũng đồng thời là chiến thắng của của Putin trước Mỹ-NATO |
Trong khi để chiến dịch nói “Có” với thoả thuận đổi tên nước của Thủ tướng Zaev, mở đường cho Macedonia hoà nhập vào cấu trúc Châu Âu-Đại Tây Dương, được coi là hợp lệ và có giá trị pháp lý, thì phải có ít nhất 50% cử tri tham gia trưng cầu.
Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý tại Macedonia, Mỹ và phương Tây đã cáo buộc Nga phá đám, dù không có bằng chứng về sự can thiệp của Moscow. Vì vậy, thất bại của cuộc trưng cầu tại Macedonia bị Washington đổ lỗi cho Moscow.
Trong khi đó, chỉ 7 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Bosnia-Hezcegovina, nhà chính trị người Serbia Milorad Dodik đã tới Sochi để gặp Tổng thống Putin như một sự tranh thủ ảnh hưởng của Nga. Kết quả ông Dodik đã chiến thắng.
Vậy là khi Nga không hành động – tại Macedonia – Mỹ và NATO cũng thất bại, khi Moscow hành động – tại Bosnia – Mỹ và NATO cũng thất thế. Điều đó khiến Mỹ-phương Tây lo ngại ảnh hưởng của Nga trước bất cứ sự kiện chính trị quốc tế nào.
Cùng với chiến thắng của các ứng viên thân Nga trong bầu cử tổng thống ở Bulgaria, Moldova, Serbia, chiến thắng của ông Dodik ở Bosnia và hiệu ứng từ cuộc trưng cầu dân ý tại Macedonia, cho thấy dường như “gió Đông” đang làm Balkan đảo chiều.
Ông Putin buộc Mỹ-NATO phải gặm nhấm ‘Ký ức buồn Kosovo’ của Nga
Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ-phương Tây thừa thắng xông lên, đẩy Nga vào thế phải chống chứ không thể phòng. Trong khi đó chính quyền Boris Yeltsin lại mắc nhiều sai lầm khiến cho Washington có thể làm mưa làm gió bên ngoài biên giới nước Nga.
Sức mạnh Mỹ, lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ đã tạo ra lực hướng tâm Mỹ, hình thành thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ. Vòng xoáy Mỹ trong thế giới đơn cực đã biến nhiều thực thể vốn là “anh em” của Nga trở thành đối thủ, thậm chí là kẻ thù của nước Nga.
Tình trạng hỗn loạn trong xã hội Nga những năm đầu thời hậu Xô Viết làm cho nước Nga không thể hiện được vai trò thừa kế Liên Xô trong quan hệ đối ngoại, điều đó khiến Mỹ và đồng minh gần như chiếm trọn mặt bằng sân khấu chính trị thế giới.
Nhiều ván cờ mới, nhiều bàn cờ mới được Mỹ-phương Tây sắp đặt mà Nga dường như chỉ còn là khán giả, trong đó đặc biệt là bàn cờ chính trị tại Nam Tư thời hậu Chiến tranh Lạnh, mà cay đắng nhất chính là phải lưu lại “ký ức buồn” tại Kosovo.
Vì sai lầm của Tổng thống Yeltsin khiến Nga phải lưu lại Ký ức buồn tại Kosovo |
Phó Thủ tướng Nga Rogozin từng nhận định việc Nga không thể làm gì để giúp Nam Tư, khi đó bị NATO không kích, phá nát nước này từ tháng 3 đến tháng 6/1999, là thất bại lớn nhất của Moscow trong việc thể hiện sức mạnh Nga thời hậu Xô viết.
Theo ông Rogozin, chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin khi đó không giúp được đồng minh thân thiết thoát khỏi “kiếp nạn”, bởi Moscow chỉ can thiệp khi mọi sự đã ngã ngũ, đó là cử 1 đội đặc nhiệm cấp tốc đánh chiếm sân bay quốc tế Pristina.
Khi đó, việc Nga đổ bộ xuống sân bay Pristina được nhìn nhận là nhằm khẳng định sự can dự của Moscow – người Nga không đứng ngoài những chuyển động tại khu vực Balkan và làm chỗ dựa để mặc cả với Mỹ-NATO.
Tuy nhiên, cuộc đột kích kỳ lạ ấy chỉ thực hiện được mỗi một việc là ngăn không để các máy bay MiG của Nam Tư lọt vào tay NATO. Trong chiến dịch này, Nga đã giải cứu được 11 chiếc MiG-29 và 21 chiếc MiG-21 của không quân Nam Tư.
Nước Nga của ông Yeltsin không thể cứu được đồng minh Nam Tư và Tổng thống Slobodan Milosevic là thất bại về chiến lược của Moscow. Bởi lẽ sau khi kết thúc Chiến tranh Nam Tư, Mỹ và đồng minh đã nặn ra một thực thể chính trị tại Kosovo.
Giới chính trị tại Moscow đã thề không bao giờ để phải chứng kiến một “Ký ức buồn Kosovo” lần nữa. Sau khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, không những không để lặp lại ký ức, Nga còn trả sòng phẳng “món nợ Kosovo” cho Mỹ-phương Tây.
Điều đó thể hiện rõ nhất qua cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008 – 9 năm sau “Ký ức buồn Kosovo” – khi Mỹ-phương Tây hỗ trợ nhiệt thành Gruzia trong giải quyết xung đột tại Abkhazia và Nam Ossetia, nơi có nhiều người Nga sinh sống.
Tuy nhiên, qua cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia, Putin đã trả sòng phẳng cả vốn lẫn lãi của món nợ Kosovo cho Mỹ-phương Tây |
Lần này thì Washington và đồng minh đã thất bại, khi Moscow quá quyết liệt trong việc bảo vệ người Nga tại Abkhazia và Nam Ossetia, và cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia đã xảy ra, mà kết thúc là làm phá sản hoàn toàn ý đồ của phương Tây.
Việc Moscow công nhận Abkhazia và Nam Ossetia độc lập là kịch bản xấu nhất và bất ngờ nhất với Washington và các đồng minh. Với sự kiện này, Nga đã trả sòng phẳng cả vốn lẫn lãi “món nợ Kosovo” cho Mỹ-phương Tây.
Và không chỉ trả sòng phẳng “món nợ Kosovo”, Tổng thống Putin còn biến “Ký ức buồn Kosovo” của Nga trong ván cờ chính trị Nam Tư cũ thành “nỗi lo không ngày tháng” của Mỹ-phương Tây.
Nhà lãnh đạo đương thời của nước Nga luôn khai thác những sơ hở của phương Tây trong “tiền lệ pháp Kosovo” cho nước đi của mình, làm đối phương luôn phập phồng lo sợ, mà việc tái sát nhập Crimea dựa trên trưng cầu dân ý là một ví dụ.
Nay “hiệu ứng ngưỡng mộ Putin” dường như đã lan sang khu vực Balkan – nơi đọng lại “Ký ức buồn Kosovo” – khi chưa đầy 24 tháng đã có tới 5 chuyển động chính trị mà lực lượng thân Nga đều dành chiến thắng, dù Putin có hành động hay không.
Chắc chắn đây là điều Mỹ-phương Tây không thể ngờ tới và lúc này họ mới là thực thể phải gặm nhấm “Ký ức buồn Kosovo” chứ không phải là Nga. Với thực tế như vậy, rõ ràng Putin đang thắng thế trước Mỹ-phương Tây trong ván cờ Nam Tư cũ.