Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên và chỉ dấu kinh tế thị trường

Triều Tiên và chỉ dấu kinh tế thị trường

Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên được cho là đang có những thay đổi mạnh mẽ theo định hướng thị trường trong bối cảnh căng thẳng khu vực giảm nhiệt.

Theo tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc, bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế, việc kinh doanh ở nhiều khu chợ của Triều Tiên vẫn đang phát triển hết sức sôi động, trong khi hàng hóa vẫn chất đầy trên kệ các siêu thị. Đáng chú ý là nhà nước đã cấp phép hoạt động cho khoảng 430 khu chợ tư nhân, được gọi là jangmadang, bày bán nhiều mặt hàng nước ngoài, chủ yếu nhập qua ngả Trung Quốc. Giao dịch tại đây được tiến hành bằng ngoại tệ và nhiều người đổi tiền công khai dạo quanh các sạp hàng để hỏi ai có nhu cầu đổi đồng won Triều Tiên sang nhân dân tệ, euro hoặc USD hay không.

Triều Tiên và chỉ dấu kinh tế thị trường1

Một siêu thị ở Bình Nhưỡng

Ảnh: AFP

Mặt khác, thị trường bất động sản cũng phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở Bình Nhưỡng. Trong đó, khu vực phố Ryomyong là điểm dự án trọng tâm của chính phủ nhằm thay đổi diện mạo của thủ đô. Theo JoongAng Ilbo, đây là khu dân cư, thương mại hiện đại với 44 tòa nhà căn hộ mới, nhà hàng, công viên và một trung tâm mua sắm. Không chỉ Bình Nhưỡng mà cả ở những địa phương nhỏ như TP.Hyesan giáp giới Trung Quốc, các công trình cao ốc thi nhau mọc lên để đáp ứng nhu cầu của lớp người có tiền ngày càng gia tăng nhờ nền kinh tế thị trường đang bắt đầu hình thành.
 Kể từ khi lên lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011, ông Kim Jong-un thực hiện chính sách vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa chú trọng phát triển kinh tế. Đến nay, trong bối cảnh quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc có nhiều diễn biến tích cực, lãnh đạo Kim được cho là tập trung vào xây dựng kinh tế, thử nghiệm các mô hình cải cách và mở cửa. Theo BBC, các áp phích tuyên truyền tại Triều Tiên trong thời gian gần đây không còn mang nội dung chỉ trích Seoul và Washington mà tập trung truyền tải thông điệp về tái thống nhất, tiến bộ kinh tế và thành tựu khoa học. Trước đó, trang tin Pulse News của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức nước này tiết lộ lãnh đạo Kim đã bày tỏ sự quan tâm đến mô hình kinh tế của VN trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4. Theo quan chức này, trong cuộc trò chuyện riêng kéo dài 40 phút giữa hai nhà lãnh đạo, ông Kim nhiều lần nhắc đến quá trình cải cách kinh tế của VN, đồng thời bày tỏ nền kinh tế Triều Tiên đạt bước tiến thực sự.
Theo giới quan sát, triển vọng giảm bớt không khí thù địch trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc lãnh đạo Kim công du nước ngoài thường xuyên hơn mở ra khả năng Bình Nhưỡng sẽ sớm chính thức tiến hành cải cách sâu rộng, mở cửa nền kinh tế. Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The Diplomat, nhà quản lý Jongsoo Lee tại Công ty chứng khoán Mỹ Brock Securities LLC nhận định: “Với cải cách hợp lý và sự hỗ trợ từ cộng đồng toàn cầu, Triều Tiên có tiềm năng lớn phát triển kinh tế. Không có lý do gì Triều Tiên không thể là con hổ kinh tế châu Á kế tiếp”. Tương tự, tờ South China Morning Post hôm qua dẫn lời 2 chuyên gia Wonsik Choi và Jonathan Woetzel cho rằng nếu vượt qua được những rào cản địa chính trị để bắt tay cùng phát triển, đến năm 2050, Triều Tiên cùng Hàn Quốc có thể trở thành một thế lực kinh tế tổng hợp với GDP từ 4.000 – 6.400 tỉ USD.
RELATED ARTICLES

Tin mới