Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuên tiêm kích tàng hình hay tàu sân bay TQ đi! Đây...

Quên tiêm kích tàng hình hay tàu sân bay TQ đi! Đây mới là thứ vũ khí Mỹ cần lo sợ

Trung Quốc đã vươn lên vị thế siêu cường toàn cầu, và đang tìm cách làm chủ các phương tiện tác chiến với quy mô mà trước nay chỉ Mỹ mới có.

Lính dù Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận đầu tiên với Y-20

Sự ra đời của Y-20

Theo National Interest, trên một số phương diện, Y-20 cũng như các mẫu máy bay kế nhiệm (nếu có) có thể chứng minh rằng vai trò của chúng trong việc triển khai sức mạnh quân sự và chính trị của Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn so với các mẫu máy bay chiến đấu tàng hình hay tàu sân bay mới (vốn thu hút rất nhiều sự chú ý).

Tiêm kích tàng hình và tàu sân bay chỉ có thể phát huy toàn diện khả năng tác chiến khi đối đầu với các đối thủ công nghệ cao trong một cuộc xung đột cường độ lớn, hoặc nhằm mục đích răn đe.

Trung Quốc đã vươn lên vị thế siêu cường toàn cầu, và đang tìm cách làm chủ các phương tiện tác chiến với quy mô mà trước nay chỉ Mỹ mới có, đó là “một không đoàn hùng hậu các máy bay vận tải khổng lồ”.

Quả thực, mẫu Y-20 “Chubby Girl” của họ là mẫu máy bay vận tải lớn nhất từng được sản xuất kể từ sau khi Mỹ hoàn thiện chiếc C-17.

Không quân Mỹ hiện đang vận hành gần 600 máy bay vận tải C-130 Hercules, C-17 Globemaster và C-5 Galaxy. Trong khi đó, theo thống kê của Flight Global, Không quân Trung Quốc (PLAAF) chỉ có khoảng 145 máy bay vận tải, trong đó 43 chiếc là loại Y-7, với tải trọng 6 tấn.

Để triển khai khả năng không vận “chiến lược” toàn cầu, PLAAF phải phụ thuộc vào 22 máy bay vận tải IL-76MD mua từ Nga, với khả năng mang được 53 tấn hàng hóa. Sau khi cuộc nội chiến ở Libya nổ ra vào năm 20011, PLAAF đã huy động 4 chiếc IL-76 để sơ tán cư dân Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng gia tăng nhu cầu duy trì các đợt triển khai quân sự tới châu Phi, cũng như tới các căn cứ, cơ sở của đồng minh ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tham vọng tăng cường khả năng không vận chiến lược của Bắc Kinh cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố có mối liên quan trực tiếp tới lãnh thổ của họ. Chẳng hạn, sau cuộc động đất kinh hoàng năm 2005 tại Sichuan, PLAAF đã gặp khó khăn khi điều động các máy bay vận tải tới vùng thảm họa.

Chỉ một năm sau đó, Tập đoàn máy bay Xi’an đã bắt đầu công tác nghiên cứu một mẫu máy bay vận tải chiến lược mới. Trước đó, gần như toàn bộ máy bay vận tải của Trung Quốc đều là sản phẩm sao chép hoặc nhập khẩu từ Liên Xô, và tập đoàn Xi’an quả thực cũng đã phải tìm đến Viện thiết kế Antonov để nhờ hỗ trợ.

Công ty máy bay của Ukraine đã giới thiệu một phiên bản động cơ phản lực của mẫu máy bay vận tải cánh quạt An-70. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển cuối cùng lại được giao cho Tang Changhong – nhà thiết kế mẫu tiêm kích-bom JH-7.

Dưới sự chỉ đạo của ông Tang, đội ngũ phát triển đã sử dụng các kỹ thuật thiết kế lần đầu tiên được ứng dụng trên máy bay dân dụng Boeing 787 và mẫu Airbus A400. Họ cho biết mẫu máy bay vận tải mới được thiết kế hoàn toàn bằng máy tạo mô hình 3D và sử dụng vật liệu composite.

Nguyên mẫu bay của Y-20 được hoàn thiện vào tháng 1/2013. Phần thân rộng của nó tạo cảm giác hơi tương đồng với mẫu máy bay vận tải C-17 của Mỹ. Cũng chính vì đặc điểm này mà Y-20 hay được gọi là Pàng niū (“Chubby Girl” – Tạm dịch: cô gái mũm mĩm), thay vì tên gọi chính thức là Kunpeng (Côn Bằng) – một loài chim trong thần thoại.

Những khả năng đáng gờm của Y-20

Y-20 có thể hạ cánh xuống đường băng gồ ghề, không lát đá, và có thể cất cánh từ đường băng ngắn (600-700m). Tuy nhiên, nó có tầm bay xa, có thể bay hơn 4.300km với tải trọng tối đa, 7.200 – gần 10.000 km với tải trọng trung bình hoặc nhẹ, và có thể đạt tới tốc độ tối đa 900km/h.

Trên lý thuyết, khoang chứa rộng, cao 4m của Y-20 có thể mang tới 72,5 tấn hoàng hóa. Mức này ưu việt hơn mẫu IL-76 của Nga nhưng vẫn xếp sau mẫu C-17 (tải trọng tối đa 85,5 tấn).

Y-20 có thể mang 1 xe tăng Type 99, hoặc nhiều xe bọc thép hạng nhẹ – như ít nhất 3 xe chiến đấu nhảy dù ZBD-03.

Tuy nhiên, Y-20, cũng như hầu hết máy bay của Trung Quốc – đều gặp vấn đề với động cơ nội địa. Y-20 hiện đang sử dụng động cơ turbofan Soloviev D-30 của Liên Xô – loại đã được lắp đặt trên máy bay ném bom chiến lược H-6, làm hạn chế khả năng mang tải của nó xuống còn 55 tấn.

PLAAF đưa hai chiếc Y-20 đầu tiên vào biên chế của Trung đoàn vận tải 12 (đóng tại Chengdu, tỉnh Sichuan) hôm 6/7/2016. Tới ngày 8/5/2018, Y-20 đã tiến hành đợt thả dù binh sĩ và quân khí đầu tiên trong một cuộc tập trận.

Ngoài nhiệm vụ không vận chiến lược, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ triển khai các biến thể của Y-20 như máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm đường không.

Tầm hoạt động và khả năng mang tải của phiên bản máy bay tiếp dầu Y-20 có thể giúp Trung Quốc duy trì hoạt động cho các máy bay ném bom chiến lược H-6K để chúng tiến hành các đợt tấn công trên khắp Thái Bình Dương.

Tầm hoạt động xa của Y-20 cũng khiến nó có thể trở thành phương tiện tuần tra biển lý tưởng với khả năng tác chiến chống ngầm, hay tác chiến điện tử hoặc do thám – mặc dù trên thực tế, kích cỡ của nó có thể lớn hơn so với mức cần thiết.

Tuy nhiên, Y-20 có một điểm thiếu sót, đó là chưa có khả năng nạp dầu từ trên không.

Bắc Kinh cũng từng tính đến việc sử dụng Y-20 để nhanh chóng triển khai vệ tinh (ứng dụng trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự) vào vũ trụ.

Tập đoàn Tây An hiện đang có kế hoạch chế tạo phiên bản chở hàng dân sự, và đang tìm cách xuất khẩu Y-20 ra nước ngoài. Sri Lanka đã bày tỏ ý định muốn mua mẫu máy bay này để phục vụ một hãng hàng không do quân đội quản lý.

Hiện chưa rõ PLAAF đã đặt hàng bao nhiêu chiếc Y-20. Theo một số nguồn tin, ít nhất 8 chiếc Y-20 đã được đưa vào biên chế trong năm 2018. Giá cả của Y-20 vẫn là một bí ẩn, có thể dao động từ 160 USD tới 250 USD.

Năm 2016, ông Zhu Qian đến từ Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã gây sốc khi tuyên bố Trung Quốc cần ít nhất 1.000 máy bay Y-20 – một con số khổng lồ, nhiều hơn toàn bộ số máy bay vận tải hạng nặng đang phục vụ trên thế giới.

Tất nhiên, ông Zhu phát ngôn với tư cách của nhà sản xuất, chứ không phải quân đội Trung Quốc.

Trước đó, nghiên cứu của Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ cho biết, Bắc Kinh đang có nhu cầu trang bị 400 chiếc Y-20.

Tuy nhiên, phát biểu trên tờ People’s Daily, chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc Xu Yongling cho hay, Bắc Kinh có thể sẽ không đặt mua quá 100 chiếc Y-20, do thiết kế máy bay vận tải thế hệ 3 tiên tiến hơn sẽ ra đời trong 5-10 năm nữa.

Tuyên bố của ông Xu cũng tiết lộ thêm rằng, Trung Quốc đang có tham vọng chế tạo một mẫu máy bay vận tải có thể sánh ngang với C-5 Galaxy của Mỹ hoặc Antonov An-225 – mẫu máy bay đang hoạt động lớn nhất trên thế giới (tải trọng tối đa 275 tấn).

RELATED ARTICLES

Tin mới