Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông trân trọng giới thiệu với độc giả bản dịch một số tài liệu CIA về Việt Nam trong các giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mặc dù chỉ phản ánh quan điểm và cách đánh giá của phía Mỹ (CIA), song những tài liệu này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, đặc biệt trên khía cạnh quan hệ giữa các nước lớn và sự can thiệp của họ vào chiến tranh Việt Nam.
Hội nghị nơi Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký
Bản đánh giá dưới đây, đề ngày 3 tháng 8 năm 1954, do Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) và các cơ quan tình báo của Bộ Ngoại giao, Bộ Lục quân, Bộ Hải quân, Bộ Không quân, và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đồng soạn thảo. Tài liệu này đã được giải mật vào năm 2013.
***
CƠ QUAN TÌNH BÁO TRUNG ƯƠNG
Ngày 9 tháng Tám năm 1954
THÔNG BÁO TỚI NGƯỜI NHẬN NIE 63-5-54
CHỦ ĐỀ: NIE 63-5-54: VIỄN CẢNH ĐÔNG DƯƠNG SAU HIỆP ĐỊNH GENEVA, ngày 03 tháng Tám năm 1954
Những lỗi sau đây cần được sửa lại:
a. Đoạn 9, câu cuối, “Diện” đổi thành “Diệm”
b. Đoạn 27, câu cuối, xóa và thay bằng câu sau:
“Nếu cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức vào tháng Bảy năm 1956 theo kế hoạch, và nếu Việt Minh không tự gây tổn hại đến triển vọng chính trị của mình, họ gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng.”
***
VIỄN CẢNH ĐÔNG DƯƠNG SAU HIỆP ĐỊNH GENEVA
MỤC TIÊU
Nhằm dự báo, đánh giá viễn cảnh ở Đông Dương dưới tác động của những thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Geneva
THẢO LUẬN
I. TÌNH HÌNH HIỆN TẠI
Tình hình chung
7. Việc ký kết các thỏa ước ở Geneva đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến quy mô lớn ở Đông Dương và khẳng định nền độc lập của Lào và Campuchia. Mặt khác, nó thể hiện sự công nhận của quốc tế đối với quyền lực chính trị và quân sự của Cộng sản ở Đông Dương, và trao cho quyền lực đó một cơ sở địa lý xác định. Cuối cùng, các thỏa ước này đã làm tổn hại thanh thế của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Pháp.
Bắc Việt Nam
8. Từ sau Hội nghị Geneva, Việt Minh đã nổi lên với sự công nhận của quốc tế và với quyền lực, uy tín được nâng cao đáng kể ở Đông Dương. Trong khi thừa nhận rằng các mục tiêu cuối cùng của họ có thể tạm gác lại “vì hòa bình”, các nhà lãnh đạo Việt Minh đang ca ngợi những thỏa thuận này là một chiến thắng vang dội, mở đường cho việc tái thống nhất Việt Nam dưới sự bảo hộ của Cộng sản. Hồ Chí Minh được coi là người đã giải phóng Bắc Kỳ khỏi 70 năm đô hộ của Pháp. Việt Minh đã khởi động một chiến dịch nhằm giành lại các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của Pháp tại đồng bằng Bắc Bộ.
Nam Việt Nam
9. Ở Nam Việt Nam, các thỏa ước này và việc phân chia giới tuyến đã tạo ra một bầu không khí thất vọng và vỡ mộng. Bầu không khí này càng thêm căng thẳng hơn bởi nỗi bất an tràn ngập về ý định của Pháp và Mỹ. Bộ phận lãnh đạo chính trị hiện thời có vẻ đang duy trì sự ủng hộ bị động đối với các cá nhân và tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, hệ thống hành chính vốn đã yếu kém của chính phủ này đang ngày càng lung lay, và không lấy gì làm chắc chắn về khả năng tiếp tục nhận được viện trợ tài chính và quân sự từ bên ngoài. Sự ganh ghét lẫn nhau và sự thiếu vắng một chính sách nhất quán tiếp tục chia rẽ các chính trị gia Việt Nam. Bên cạnh đó, một số thành phần thân Pháp thể hiện thái độ ủng hộ rõ rệt đối với những lợi ích thuộc địa của Pháp đang tìm cách lật đổ chính phủ của Diệm, và sốt sắng muốn giành quyền kiểm soát.
10. Dân số Bắc Việt lớn hơn dân số Nam Việt một chút. Việc để mất đồng bằng Bắc Bộ đã tước đi của Nam Việt nhóm dân số nhiệt huyết và yêu nước nhất. Mặc dù Nam Việt có khả năng tự cung cấp lương thực, song những cơ sở công nghiệp chủ chốt cùng các nguồn nhiên liệu và khoáng sản lại tập trung ở Bắc Việt.
11. Miễn là những điều khoản của hiệp định ngừng bắn được tuân theo, lực lượng Pháp-Việt tại Nam Việt giờ đây có đủ khả năng gìn giữ an ninh nội địa.
Lào
12. Tại Lào, tình hình tương đối ổn định trong nước về cơ bản được giữ vững, dù trong quá khứ nước này từng phụ thuộc vào hỗ trợ của Pháp. Quân đội Lào không được huấn luyện và vũ trang đầy đủ, và không đủ khả năng duy trì an ninh trong nước khi không có sự hỗ trợ của quân đội và cố vấn Pháp. Bên cạnh đó, những người Cộng sản thuộc “Pathet Lào” tiếp tục giữ quyền kiểm soát trên thực tế đối với hai tỉnh phía bắc tiếp giáp khu vực Bắc Việt Nam đang nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản. Ngoài ra, hiệp định Geneva đã trao cho thành viên của phong trào “Pathet Lào” quyền tự do hoạt động chính trị trên khắp nước Lào.
Campuchia
13. Tình hình hiện giờ tại Campuchia đang tương đối ổn định, ngoại trừ sự đối đầu chính trị gay gắt giữa những người lãnh đạo. Mối bất đồng chính kiến phi Cộng sản đã dịu bớt và lãnh đạo phe bất đồng, Sơn Ngọc Thành, không còn là mối đe dọa lớn với Chính phủ. Nhà vua vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi vì đã giành được độc lập đáng kể từ Pháp và đã bảo vệ sự toàn vẹn của Campuchia tại Geneva. Mặc dù người Cộng sản được trao quyền tự do hành động chính trị tại Campuchia, họ vẫn không có nhiều sức hút. Các lực lượng Campuchia mặc dù đã yếu đi đôi chút do Pháp rút lui song vẫn đủ khả năng đối mặt với những hành động chống phá hiện tại của Cộng sản.
II. VIỄN CẢNH ĐÔNG DƯƠNG
Tổng quan
14. Mặc dù đưa ra những điều khoản chuẩn xác và chi tiết về thời gian và địa điểm chuyển quân cùng những vấn đề liên quan, Hiệp định Geneva lại không nêu rõ những vấn đề về viện trợ và huấn luyện quân sự trong tương lai. Bên cạnh đó, vấn đề chính trị cũng không được làm rõ. Chi tiết về việc tiến hành các cuộc tổng tuyển cử tự do được để cho các bên quan tâm quyết định. Không có điều khoản nào ép buộc các bên liên quan thực thi hay tôn trọng triệt để hiệp định, ngoại trừ ảnh hưởng từ các nhóm giám sát gồm Ấn Độ, Canada và Ba Lan.
15. Những diễn biến trong tương lai sẽ được quyết định bởi năng lực tương đối và hành động của những đối tượng Cộng sản và phi Cộng sản tại Đông Dương, và của những thế lực nước ngoài quan tâm, hơn là bởi chính Hiệp định Geneva.
16. Chính sách của Cộng sản. Việc Cộng sản sẵn sàng đạt tới thỏa thuận đình chiến tại Đông Dương, vào thời điểm mà mâu thuẫn kéo dài có thể khiến tình hình xấu đi tại khu vực, có lẽ bắt nguồn phần lớn từ đánh giá của Cộng sản rằng: (a) nỗ lực giành chiến thắng quân sự toàn diện tại Đông Dương có thể thúc giục Hoa Kỳ can thiệp quân sự, và (b) mục tiêu giành quyền lực chính trị trên toàn Đông Dương có thể đạt được như một kết quả của thỏa thuận đình chiến. Người Cộng sản hiển nhiên cũng tin rằng một thái độ “đúng mực” và việc chấp nhận đình chiến tại Đông Dương sẽ góp phần giúp họ thực hiện mục tiêu làm suy yếu nỗ lực của phương Tây trong việc phát triển một liên minh quân sự hiệu quả. Do vậy, có khả năng họ đã suy tính rằng việc cố ý tái khởi động những chiến dịch quân sự quy mô lớn từ khu vực Cộng sản phía bắc sẽ phủ định những ưu thế chính trị và tâm lý họ đã giành được nhờ đàm phán hòa giải, và điều này có thể kéo theo rủi ro nghiêm trọng là cuộc chiến kéo dài.
17. Sau khi cân nhắc những điều trên, chúng tôi tin rằng những chính sách cơ bản của Cộng sản tại Đông Dương sẽ là: (a) tránh việc chủ động đưa ra những nước đi quân sự lớn nhằm phá vỡ thỏa thuận đình chiến, đồng thời tìm cách đạt mọi ưu thế trong quá trình thực hiện hiệp định; (b) củng cố vị thế chính trị, quân sự và kinh tế của Cộng sản tại Bắc Việt; (c) tiến hành chiến tranh chính trị mạnh mẽ để chống lại những chính phủ và người dân Đông Dương không theo chủ nghĩa cộng sản; (d) hành động để triệt tiêu toàn bộ ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Pháp và Hoa Kỳ, tại Đông Dương; và (e) nhấn mạnh và tận dụng những vấn đề tại Đông Dương mà sẽ tạo ra và khắc sâu sự chia rẽ giữa các nước phi Cộng sản. Tóm lại, chúng tôi tin rằng những người Cộng sản sẽ không từ bỏ mục tiêu nắm quyền kiểm soát toàn Đông Dương, nhưng họ sẽ theo đuổi nó bằng các biện pháp chính trị, tâm lý và bán quân sự, mà không vi phạm hiệp định đình chiến tới mức tổ chức đánh chiếm phía Nam hoặc phía tây.
18. Chính sách của Pháp. Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi không thể dự đoán dù chỉ những nét chính trong chính sách của Pháp tại Đông Dương. Họ có thể thực hiện những phương án sau đây:
a. Trao cho các nước Đông Dương quyền độc lập hoàn toàn về mặt chính trị, đồng thời nỗ lực thiết lập thể chế chính trị vững mạnh tại các quốc gia này. Chúng tôi tin rằng nước Pháp có thể sẽ bị thuyết phục áp dụng chính sách này do áp lực lớn từ phía Hoa Kỳ – Anh Quốc, cùng với sự trợ giúp kinh tế và quân sự dành cho Pháp, và việc những khu vực tự do thuộc Đông Dương được bảo vệ khỏi sự tấn công quân sự của Cộng sản.
b. Duy trì mối liên kết giữa Liên hiệp Pháp và các quốc gia phi Cộng sản tại Đông Dương, với sự kiểm soát chính trị gián tiếp và thống trị kinh tế của Pháp. Chúng tôi tin rằng chính sách của Pháp có thể sẽ đi theo hướng này nếu Pháp đánh giá rằng: (1) Cộng sản sẽ theo đuổi một chính sách hòa giải tại Đông Dương; (2) nhóm lãnh đạo phi Cộng sản sẽ không đưa ra nhiều khó khăn; và (3) Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ không gây áp lực buộc Pháp phải trao quyền độc lập hoàn toàn cho các quốc gia Đông Dương.
c. Một hình thức thỏa thuận với Việt Minh để dọn đường cho bầu cử và thống nhất Việt Nam. Nước Pháp có thể nghiêng về phương án này nếu Việt Minh đưa ra những hứa hẹn về việc duy trì lợi ích kinh tế và văn hóa Pháp, cũng như một hình thức liên kết nào đó giữa quốc gia Việt Nam thống nhất và Pháp.
d. Pháp rút toàn bộ hỗ trợ quân sự, hành chính và kinh tế khỏi Đông Dương. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ chỉ xảy ra trong trường hợp tình hình chính trị, quân sự và kinh tế trong khu vực xấu đi một cách trầm trọng.
19. Những chính sách quốc tế. Sự sống còn chính trị của các quốc gia Đông Dương đang gặp nguy hiểm không chỉ bởi mối đe dọa từ những cuộc tấn công từ bên ngoài và sự lật đổ từ bên trong của Cộng sản, mà còn do bản chất thiếu kinh nghiệm, non nớt và yếu đuối của chính họ. Chúng tôi tin rằng nếu không có sự hỗ trợ từ nước ngoài, các quốc gia Đông Dương không thể trở nên đủ mạnh để chống lại áp lực Cộng sản. Diễn biến tại Đông Dương sẽ chủ yếu chịu ảnh hưởng từ thái độ và chính sách của các thế lực khác. Nhìn chung, chúng tôi tin rằng nếu thiếu sự hỗ trợ vững chắc của Hoa Kỳ, những quốc gia phi Cộng sản tại Đông Dương không thể tồn tại lâu dài với tư cách phi Cộng sản. Nếu được trao cơ hội, sự cố vấn, và tài nguyên xây dựng quốc gia, họ có thể sẽ trụ vững. Chúng tôi tin rằng năng lượng và sự khéo léo cần thiết để đạt được thành tựu này sẽ không tự phát ở các nước phi Cộng sản tại Đông Dương mà sẽ cần sự bảo trợ và nuôi dưỡng từ bên ngoài.
Viễn cảnh tại Việt Nam
20. Viễn cảnh tại Bắc Việt Nam. Hoạt động Cộng sản tại Bắc Việt Nam sẽ tập trung vào việc củng cố quyền kiểm soát của Cộng sản, và những nỗ lực này ban đầu có thể tỏ ra ôn hòa. Việt Minh có thể sẽ đề cao những cuộc cải cách kinh tế – xã hội và sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, kinh tế và tôn giáo vào công việc quốc gia. Đồng thời, các cán bộ Việt Minh sẽ củng cố vai trò của mình trên khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, bắt đầu vô hiệu hóa tất cả các nhóm chống đối có ảnh hưởng, thực thi các chương trình tuyên truyền rộng rãi của Cộng sản như thường lệ, và chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng Bảy năm 1956. Chúng tôi tin rằng những người Cộng sản sẽ có thể củng cố Bắc Việt mà không gặp nhiều khó khắn.
21. Chúng tôi tin rằng Việt Minh sẽ tiếp tục phát triển lực lượng vũ trang của họ. Mặc dù các điều khoản đình chiến ngăn cấm Việt Minh tăng nguồn cung vũ khí, chúng tôi tin rằng họ sẽ ngầm củng cố và có thể còn mở rộng lực lượng vũ trang nhờ viện trợ từ Cộng sản Trung Quốc. Lực lượng Việt Minh gần như chắc chắn sẽ tiếp tục được huấn luyện tại Trung Quốc.
22. Do được thiết lập một cách vững chắc tại Bắc Việt, mặt trận Việt Minh có khả năng sẽ duy trì và gia tăng sức hút mang tính biểu tượng như là nền móng của nền độc lập quốc gia Việt Nam. Các phương thức củng cố quyền lực của họ có thể sẽ tiếp diễn dưới dạng ôn hòa một thời gian; các chương trình trong nước cùng với sức mạnh quân sự sẽ được tính toán để khiến chế độ này thu hút những dân tộc còn lại tại Đông Dương. Tuy nhiên, có thể Việt Minh sẽ thấy cần thiết phải áp dụng một chính sách đối nội mang tính áp chế, việc này sẽ gây hại đến sức hút tâm lý và triển vọng chính trị của họ. Nếu Việt Minh không thực hiện những chính sách đàn áp như vậy, vấn đề thống nhất đất nước sẽ tiếp tục được khai thác theo hướng có lợi cho Cộng sản trên khắp Việt Nam. Trong khi đó, chế độ Việt Minh sẽ tiếp tục phát triển bộ máy ngầm tại Nam Việt, Lào và Campuchia, với nhận thức rằng những thành quả quan trọng mà Cộng sản giành được tại bất kì nước nào trong số này cũng sẽ củng cố phong trào Cộng sản tại các nước còn lại. Việt Minh sẽ nỗ lực phát triển mạnh mẽ những nhóm chính trị cộng sản công khai ở bất cứ nơi nào có thể và nhìn chung sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có được để hướng đến sự thống nhất cuối cùng của đất nước dưới quyền kiểm soát của Cộng sản.
23. Viễn cảnh tại Nam Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Việt Minh sẽ cố gắng duy trì tài sản chính trị và quân sự khá lớn tại Nam Việt. Mặc dù hiệp định Geneva có quy định về việc tập kết ra bắc của toàn bộ lực lượng Việt Minh, rất nhiều trong số binh lính Việt Minh cả chính quy và không chính quy đang ở miền nam là người bản địa, và một phần lớn trong số họ có thể sẽ tàng trữ vũ khí và ở lại miền nam. Bên cạnh đó, những cán bộ hành chính của Việt Minh đã nắm quyền kiểm soát một vài khu vực lớn tại miền trung và nam Việt Nam trong vài năm qua. Những cán bộ này có thể sẽ giữ nguyên vị trí. Nỗ lực của Pháp và Việt Nam nhằm đối phó với những quân nhân và đơn vị quân sự, hành chính “ở lại” sẽ vấp phải nhiều cản trở từ những điều khoản đảm bảo an ninh cho những người bất đồng chính kiến trước đình chiến khỏi bị trả thù.
24. Vấn đề thiết lập và duy trì an ninh ở Nam Việt Nam có khả năng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi một số điều khoản trong hiệp định Geneva ngăn cấm việc nhập khẩu vũ khí, khí tài, trừ trường hợp nhập để thay thế, và ngăn cấm việc bổ sung quân nhân nước ngoài, thành lập những căn cứ quân sự mới và liên minh quân sự. Những điều khoản này hạn chế sự phát triển của một quân đội quốc gia Việt Nam tới những số lượng mà có thể được trang bị bởi kho dự trữ sơ tán từ Bắc Kỳ, cùng với nguồn dự trữ tại Sài Gòn. Tuy nhiên, rốt cuộc thì, an ninh của Việt Nam sẽ được quyết định bởi mức độ bảo vệ và hỗ trợ của Pháp trong việc xây dựng quân đội quốc gia, năng lực giải quyết vấn đề của chính người Việt, và ý chí của những cường quốc phi Cộng sản nhằm cung cấp những bảo lãnh hiệu quả cho Nam Việt.
25. Bên cạnh những hoạt động của các nhóm quân sự và hành chính “ở lại”, Việt Minh sẽ cố gắng hết sức để làm mất uy tín của bất kỳ chính quyền Nam Việt nào, phá hoại quan hệ Pháp – Việt, và nhấn mạnh sự đồng cảm với mong muốn thống nhất quốc gia mạnh mẽ của người dân Nam Việt. Mục tiêu của Cộng sản là đập tan bất kỳ nỗ lực nào nhằm ổn định tình hình tại Nam Việt của các lực lượng phi cộng sản, qua đó khẳng định Bắc Việt là nền tảng hữu hình duy nhất để tái thiết lập sự thống nhất của Việt Nam. Những nỗ lực của Pháp và phe Việt Nam chống cộng nhằm chống lại lời kêu gọi thống nhất của Việt Minh và những hoạt động chống phá của Cộng sản ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn do sự oán giận mạnh mẽ của những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc về việc chia cắt đất nước và việc để Bắc Kỳ rơi vào tay Cộng sản. Có thể sẽ rất khó để thuyết phục số đông binh lính, những nhà lãnh đạo chính trị, và nhân sự hành chính người Việt tại Bắc Kỳ di chuyển xuống miền nam, huống chi là thuyết phục họ tích cực hỗ trợ việc phát triển một chính quyền hiệu quả tại Nam Việt.
26. Diễn biến tại Nam Việt cũng sẽ phụ thuộc phần lớn vào đường lối hành động của Pháp. Viễn cảnh ổn định tại Nam Việt sẽ trở nên tích cực hơn nếu phía Pháp khẩn trương hành động để đảm bảo sự độc lập hoàn toàn của Việt Nam và khuyến khích xây dựng bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ theo chủ nghĩa dân tộc. Nếu Pháp thực hiện những điều này, các hoạt động chống Pháp mang tinh thần dân tộc có thể được giảm thiểu. Với sự hỗ trợ quân sự và kinh tế từ Pháp – được bổ sung bởi viện trợ Hoa Kỳ – người dân Việt Nam có thể dần phát triển một lực lượng an ninh hiệu quả, tổ chức chính quyền địa phương, và một chương trình cải cách kinh tế xã hội dài hạn. Tuy nhiên, Pháp sẽ gặp nhiều khó khăn khi vừa phải hỗ trợ theo mức độ được yêu cầu, vừa phải tránh khơi lại tâm lý bài Pháp tới mức độ gây nguy hiểm cho toàn bộ nỗ lực.
27. Tuy nhiên, trên cơ sở những bằng chứng có được vào thời điểm ban đầu này, chúng tôi tin rằng sự tiến triển theo chiều hướng có lợi cho tình hình ở Nam Việt sẽ khó có thể xảy ra. Trừ khi Mendes-France có khả năng vượt qua sức mạnh của những lợi ích và mối xúc cảm truyền thống của nước Pháp mà trong quá khứ đã từng chi phối việc thi hành chính sách tại Đông Dương, chúng tôi không tin rằng sẽ có một sự biến chuyển mạnh mẽ, cần thiết trong chính sách của Pháp để tạo dựng được lòng trung thành và sự ủng hộ tích cực của người dân địa phương dành cho Chính quyền Nam Việt. Tại thời điểm hiện tại, có vẻ như tình hình tại Nam Việt sẽ xấu đi và việc rút khỏi Bắc Kỳ sẽ kéo theo sự đấu tố, ngờ vực, và có thể cả bạo lực. Việc xây dựng một chính quyền hiệu quả ở miền nam sẽ bị trì hoãn; có khả năng quân đội Pháp sẽ buộc phải duy trì tầm kiểm soát đáng kể vì những lí do “an ninh”; và những nhóm lợi ích thuộc địa Pháp vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng một nhà nước Nam Kỳ bù nhìn. Thậm chí ở một thời điểm nào đó trong vòng hai năm tới, chính phủ Nam Việt Nam có thể sẽ bị tiếp quản bởi những nhân vật có ý muốn thống nhất với miền Bắc dù sẽ phải chịu sự thống trị của Cộng sản. Dù cho một chính phủ ổn định có thể được thiết lập, chúng tôi dự đoán rằng cuộc tổng tuyển cử tự do tháng Bảy năm 1956 hầu như chắc chắn sẽ trao cho Việt Minh quyền kiểm soát Nam Việt Nam.
28. Trong thời gian chuyển tiếp, Việt Minh sẽ tìm kiếm nhiều cơ hội tuyên truyền để tác động lên thái độ của người Việt Nam. Trong vòng một năm, những đơn vị Việt Minh “ở lại” có thể sẽ hoạt động chính trị tích cực và tham gia chiến đấu du kích công khai. Trong hoàn cảnh này, người Pháp có khả năng duy trì “sự hiện diện” của họ tại Nam Việt qua thời điểm giữa năm 1956, nhưng ảnh hưởng của họ sẽ ngày càng bị giới hạn trong những thành phố chính và chu vi của những cơ sở và căn cứ quân sự. Người Pháp có thể sẽ sẵn sàng giải quyết tình huống này bằng một thỏa thuận với Cộng sản, qua đó đem lại cho họ cơ hội giữ lại chút tàn dư của vị thế văn hóa và kinh tế Pháp tại Việt Nam. Một sự dàn xếp như vậy có thể bao gồm thỏa thuận tổ chức tuyển cử sớm, dù chiến thắng của Việt Minh gần như là chắc chắn. Chỉ khi sự dàn xếp đó không xảy ra và tình huống xấu đi đến mức nghiêm trọng, Pháp mới rút lui hoàn toàn khỏi đất nước này.
Viễn cảnh tại Lào
29. Nếu nước Pháp duy trì 5.000 binh lính tại Lào theo như chấp thuận của hiệp định Geneva, và tiếp tục phát triển những lực lượng Lào, Chính phủ Hoàng Gia Lào sẽ có thể cải thiện lực lượng an ninh và đối phó với những hoạt động du kích cộng sản nhỏ lẻ, trừ tại hai tỉnh miền bắc. Ngoài ra, với điều kiện người Lào tiếp tục nhận hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Pháp và Hoa Kỳ, họ có khả năng sẽ duy trì được một bộ máy chính phủ đạt yêu cầu. Không có điều khoản nào trong hiệp định Geneva ngăn cản Lào trở thành thành viên của một sự hợp tác phòng thủ, miễn là tại Lào không có binh lính nước ngoài nào ngoài những quân nhân Pháp được chỉ định.
30. Tuy nhiên, nếu người Pháp vì bất cứ lí do gì quyết định không giữ lại binh lính của họ hay dừng việc huấn luyện quân sự tại Lào, những lực lượng phi Cộng sản sẽ không thể cung cấp viện trợ hiệu quả cho Lào mà không vi phạm hiệp định Geneva. Đồng thời, Lào sẽ phải đối mặt với hiểm họa Cộng sản đang lớn dần, và quyền tự do hoạt động chính trị của những thành viên phong trào Pathet Lào, được củng cố bằng sự hỗ trợ của Việt Minh, có thể dẫn đến sự lật đổ chính phủ đương thời thông qua đảo chính hoặc bầu cử. Sau cùng, những chiến thắng tiếp theo của Việt Minh tại Việt Nam có thể sẽ ngay lập tức gây ảnh hưởng xấu đến tình hình tại Lào.
Viễn cảnh tại Campuchia
31. Chúng tôi tin rằng Cộng sản, khi rút những đơn vị có tổ chức khỏi Campuchia, sẽ để lại những người tổ chức, những lãnh đạo du kích và vũ khí. Ban đầu, Cộng sản có thể sẽ giảm thiểu hoạt động du kích nhằm tập trung vào việc xây dựng tiềm lực chính trị tại Campuchia.
32. Nếu sự rút lui của Cộng sản về căn bản tuân thủ hiệp định Geneva, việc ổn định tình hình tại Campuchia trong khoảng một năm tiếp theo sẽ phụ thuộc phần lớn vào hai yếu tố tương quan: (a) khả năng người Campuchia xây dựng một chính phủ và lực lượng an ninh nội địa hiệu quả; và (b) khả năng người Campuchia nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ nước ngoài. Không có điều lệ nào trong hiệp định cấm Campuchia nhận hỗ trợ từ nước ngoài để phát triển lực lượng quốc phòng hay gia nhập một liên minh phòng thủ, miễn là việc tham gia liên minh tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và không có binh lính nước ngoài nào đóng quân tại Campuchia khi nước này không bị đe dọa về mặt an ninh. Nếu được nước ngoài hỗ trợ đầy đủ, cả chính phủ và lực lượng an ninh nội địa Campuchia sẽ hoạt động hiệu quả hơn, và có khả năng trấn áp hoạt động du kích và phản công hoạt động chính trị của Cộng sản. Nỗ lực nâng cao vị thế của Campuchia có thể sẽ mạnh mẽ hơn nếu nền độc lập của họ được đảm bảo bởi một thỏa thuận phòng thủ khu vực. Tuy nhiên tình hình tại Campuchia có thể xấu đi nghiêm trọng nếu chính quyền Cộng sản nổi lên ở Lào hay Nam Việt Nam.
KẾT LUẬN
1. Việc ký kết các thỏa thuận ở Geneva đã thể hiện sự công nhận của quốc tế đối với quyền lực chính trị và quân sự của Cộng sản ở Đông Dương, và trao cho quyền lực đó một cơ sở địa lý xác định.
2. Chúng tôi tin rằng những người cộng sản sẽ không từ bỏ mục tiêu kiểm soát toàn bộ Đông Dương, nhưng họ sẽ theo đuổi mục tiêu đó bằng các biện pháp chính trị, tâm lý và bán quân sự, mà không vi phạm hiệp định đình chiến tới mức tổ chức đánh chiếm phía Nam hoặc phía tây.
3. Chúng tôi tin rằng những người cộng sản sẽ củng cố quyền kiểm soát miền Bắc Việt Nam mà không gặp trở ngại gì lớn. Các bằng chứng hiện tại cho thấy Việt Minh sẽ theo đuổi một chương trình chính trị ôn hòa. Kết hợp với thế mạnh quân sự, chương trình chính trị này sẽ được tính toán để làm cho chế độ cộng sản tỏ ra phù hợp với cảm thức quốc gia-dân tộc của người dân Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, có thể Việt Minh sẽ thấy cần thiết phải áp dụng một chính sách đối nội mang tính áp chế – lựa chọn này sẽ khiến họ bị mất đi sức hút ở miền Nam Việt Nam. Trong bất kỳ trường hợp nào, xuất phát từ căn cứ lãnh thổ mới, Việt Minh vẫn sẽ tăng cường các hoạt động cộng sản trên khắp Đông Dương.
4. Mặc dù người Pháp và người Việt, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và các cường quốc khác, có thể thiết lập một thể chế vững chắc ở miền Nam Việt Nam, nhưng chúng tôi tin rằng điều đó khó có thể xảy ra; đồng thời, tình hình có thể sẽ tiếp tục xấu đi trong năm tới. Thậm chí trong vòng hai năm tới, Chính quyền Nam Việt Nam có thể bị tiếp quản bởi những nhân vật có ý muốn thống nhất với miền Bắc dù sẽ phải chịu sự thống trị của Cộng sản. Nếu tổng tuyển cử tự do được tổ chức vào tháng 7/1956 đúng theo kế hoạch, và nếu Việt Minh không tự làm tổn hại triển vọng chính trị của mình, thì họ hầu như chắc chắn sẽ chiến thắng.
5. Khả năng Chính phủ Lào duy trì được quyền kiểm soát ở Lào sẽ phụ thuộc vào những diễn biến ở miền Nam Việt Nam, và phụ thuộc vào việc tiếp nhận quân đội Pháp và các hình thức viện trợ khác. Tuy nhiên, kể cả khi được viện trợ, Lào vẫn sẽ phải đối mặt với hiểm họa Cộng sản đang ngày càng lớn dần, có thể dẫn tới việc lật đổ chính phủ hiện tại thông qua đảo chính hoặc bầu cử. Dù trong trường hợp nào, mối đe dọa đó cũng sẽ gia tăng nếu toàn bộ Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản.
6. Chúng tôi tin rằng nếu được nước ngoài hỗ trợ đầy đủ, Chính phủ Campuchia có thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời phát triển năng lực của lực lượng an ninh nội địa. Nhờ đó, họ sẽ có khả năng trấn áp hoạt động du kích và hoạt động chính trị của Cộng sản. Tuy nhiên, tình hình ở Campuchia có thể sẽ xấu đi nếu chính quyền Cộng sản nổi lên ở Lào hoặc Nam Việt Nam.