Các cường quốc đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông, thách thức hoạt động trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại khu vực.
Tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hoạt động trên Biển Đông năm 2016. Ảnh: USNI.
Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ vừa thực hiện cuộc tuần tra tự do hàng hải qua khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt động thái tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh trên Biển Đông, vùng biển được đánh giá là có vai trò quan trọng chiến lược với thương mại và an ninh quốc tế, theo SCMP.
Tàu ngầm JS Kuroshio của Nhật hồi đầu tháng 9 lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập ở Biển Đông cùng nhiều chiến hạm khác của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), trong đó có tàu sân bay trực thăng JS Kaga. Các tàu chiến của Nhật tuần trước cũng tham gia diễn tập cùng tàu hộ vệ HMS Argyll của Anh trên Ấn Độ Dương, trước khi chiến hạm Anh lên đường tới Biển Đông.
Hồi cuối tháng 8, tàu đổ bộ HMS Albion của Anh thực thi quyền “tự do hàng hải” khi đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trước khi cập cảng Sài Gòn, TP HCM. Truyền thông Anh hôm 19/9 đưa tin hải quân Australia đã điều hạm đội gồm 6 tàu chiến tham gia các cuộc tập trận tại Biển Đông.
Nhóm Tác chiến Đổ bộ do tàu USS Wasp dẫn đầu và đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 31 của Mỹ đang diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông, oanh tạc cơ B-52 của nước này cũng vừa thực hiện hai chuyến tuần tra qua vùng biển này chỉ trong vòng ba ngày. Hoạt động diễn tập, tuần tra dày đặc của tàu chiến, máy bay nhiều nước trên Biển Đông là sự thách thức ngày càng lớn với tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển này.
Bắc Kinh đơn phương vẽ ra “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt. Tòa Trọng tài Thường trực cũng đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý này của Trung Quốc.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế, tăng cường các hoạt động quân sự hóa trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và liên tục xua đuổi, cảnh báo máy bay, tàu chiến các nước tuần tra tự do hàng hải ở khu vực này.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây trở nên căng thẳng trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang. Các nhà phân tích cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể bắt đầu lan sang lĩnh vực an ninh và những hoạt động gần đây của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông khiến các đồng minh, đối tác của Mỹ không thể đứng ngoài lâu hơn nữa.
“Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông không phải là điều đáng chú ý duy nhất nữa. Ta có thể thấy rằng các cường quốc khác cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây”, chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang của Singapore nói.
Phản ứng trước các động thái của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động quân sự của mình ở Biển Đông. CCTV ngày 28/9 đưa tin Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận lớn trên Biển Đông với sự tham gia của hàng chục chiến đấu cơ, trong đó có các máy bay ném bom và ít nhất 2 tiêm kích Shenyang J-11B. Nhiều tên lửa được phóng nhằm vào mục tiêu trên biển, nhưng địa điểm và thời gian diễn ra cuộc tập trận không được nêu rõ.
Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng kể từ khi thực hiện hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn với yêu sách chủ quyền của mình.
“Điều này gây áp lực lên Mỹ, khiến Washington phải kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí là cả Australia, tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Mỹ sẽ không rời Biển Đông mà sẽ trở thành một bên quan trọng trong khu vực này”, Ngô nhận định.
Các chuyên gia cho rằng động thái quân sự của cả hai bên có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra xung đột bất ngờ cũng như gây thêm căng thẳng trong khu vực.
Adam Ni, nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao và an ninh Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định rằng cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng là “kịch bản không mong muốn đối với khu vực phụ thuộc nhiều vào khả năng kết nối cũng như dòng chảy tự do hàng hóa, con người và tư tưởng” này.
“Các quốc gia ASEAN coi thái độ mạnh mẽ của Mỹ tại châu Á để cân bằng với tham vọng bành trướng của Trung Quốc là điều tích cực đối với ổn định và lợi ích của mình. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở chỗ cạnh tranh chiến lược sẽ bùng phát và ảnh hưởng xấu đến hòa bình cũng như ổn định khu vực”, chuyên gia Ni nói.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Koh cho rằng các nước ASEAN sẽ phải tìm cách cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh song song với việc tìm kiếm cam kết đảm bảo an ninh từ Washington.
“Chắc chắn các quốc gia ASEAN đều không muốn phải chọn lựa việc sẽ đứng về phía bên nào. Lý tưởng nhất là tối đa hóa lợi ích từ tất cả các bên, đồng thời tránh tình huống bị đưa vào tầm ngắm của họ”, Koh nói.