Tuy nhiên, “nhẫn nhịn” không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ luôn “đứng yên” trước những động thái khiêu khích của Mỹ, theo bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu.
Ảnh minh họa: Eric Chow/Nikkei.
Sự nhẫn nhịn có giới hạn của Trung Quốc
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang, gần đây tờ Thời báo Hoàn Cầu đã đăng tải một bài xã luận kêu gọi chính phủ Bắc Kinh tiếp tục kiềm chế, nhằm ngăn chặn nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể bùng phát giữa hai bên.
Mở đầu bài viết, tác giả đã đề cập tới những phát biểu mới nhất về Trung Quốc của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton – vị quan chức nổi tiếng theo trường phái “diều hâu” trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, ông Bolton đã cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng trật tự thế giới nhằm đạt được sức mạnh đáng kể về quân sự và kinh tế, đồng thời kêu gọi “đã đến lúc” chống lại Trung Quốc. Vị cố vấn an ninh này còn tuyên bố cách tiếp cận cứng rắn “chưa từng có” của Tổng thống Donald Trump đã khiến Bắc Kinh “hoang mang”.
“Tôi cho rằng họ [Trung Quốc] cần điều chỉnh hành vi trong một loạt các lĩnh vực như thương mại, quốc tế, quân sự và chính trị”, ông Bolton nói.
Tác giả bài viết cho biết Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Trung Quốc, và những lời tuyên bố của ông Bolton chính là phần tiếp nối của bài phát biểu gay gắt về Bắc Kinh của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 4/10 vừa qua.
Các quan chức cấp cao Mỹ đã liên tục đưa ra những lời cáo buộc như của ông Pence và ông Bolton, “gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Trung Quốc trên toàn cầu”, theo quan điểm được nêu trong bài xã luận trên.
Tuy vậy, bài viết cho rằng Bắc Kinh chỉ đơn thuần bác bỏ các cáo buộc ấy và không thực hiện các động thái đối phó, trả đũa khiến tình hình thêm trầm trọng. Lí do được đưa ra trong bài xã luận này là bởi Trung Quốc đang quyết tâm cải cách và mở cửa, bất chấp những áp lực lớn từ phía Mỹ.
Nhưng Trung Quốc “nhẫn nhịn” không đồng nghĩa với việc họ sẽ luôn đứng yên trước những động thái khiêu khích của Mỹ, tác giả bài viết khẳng định. Trước thực trạng căng thẳng hiện nay, tác giả cho rằng hai nước Trung-Mỹ sẽ không lâm vào tình trạng Chiến tranh Lạnh, và Trung Quốc cũng sẽ không trở thành “Liên Xô thứ hai” nếu nước này tiếp tục “nhẫn nhịn”.
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng cuộc gặp của Tổng thống Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, được tổ chức vào cuối tháng 11 tới, sẽ giúp hai bên giảm căng thẳng và giải quyết những vấn đề trong thương mại.
Tuy nhiên, tác giả bài xã luận cho biết hầu hết người dân Trung Quốc đều đã xác định tư tưởng rằng cuộc chiến thương mại này sẽ còn kéo dài.
Trung Quốc hoang mang, bối rối vì không biết phải đàm phán với ai
Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News (Mỹ), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã thừa nhận rằng các quan chức Trung Quốc, cũng như nhiều nhà ngoại giao từ các quốc gia trên thế giới, cảm thấy bối rối vì không biết ai mới là nhân vật chính đứng sau các quyết định về chính sách đối ngoại của Mỹ.
“Tôi đã trò chuyện với đại sứ các nước khác tại Washington, và biết được rằng họ cũng gặp vấn đề như mình. Họ không biết ai là người ra quyết định cuối cùng. Tất nhiên theo lý thuyết thì Tổng thống chính là người đó, nhưng những người khác có vai trò gì?”, ông Thôi cho biết.
Theo vị Đại sứ, điều này đã khiến các cuộc đàm phán giữa hai bên trở nên phức tạp hơn, bởi phía Bắc Kinh không biết mình đang phải đối mặt với những người thuộc phe cứng rắn như ông Peter Navarro, Cố vấn Thương mại của Nhà Trắng, hay những người chủ trương ôn hòa như Cố vấn Kinh tế Larry Kudlow và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
“Chúng tôi không bao giờ muốn chiến tranh thương mại xảy ra, nhưng nếu ‘ai đó’ khơi mào cuộc chiến chống lại chúng tôi, thì chúng tôi buộc phải đứng lên đáp trả và bảo vệ những lợi ích của mình”, ông Thôi tuyên bố trong cuộc phỏng vấn.