Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMạnh tay với TQ gấp 1.000 lần "cuộc chiến gà" năm xưa...

Mạnh tay với TQ gấp 1.000 lần “cuộc chiến gà” năm xưa với Châu Âu, Mỹ sẽ nhận đòn đau tương xứng?

Những đòn giáng thuế quan của ông Trump nhằm vào Trung Quốc kể từ đầu năm nay có quy mô lớn hơn 1.000 lần so với xung đột thương mại Mỹ-châu Âu hồi thập niên 60.

Ảnh: Pkon.

Tổng thống Donald Trump luôn cho rằng Mỹ có thể dễ dàng giành chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại khi liên tục tung ra những đòn giáng thuế quan mạnh tay nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như ông chưa hề nghĩ tới những hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến này.

Hậu xung đột thuế quan, chưa chắc các bên liên quan đã có thể trở về trạng thái ban đầu. Thay vào đó, họ có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng và dai dẳng do những đòn tấn công “ăn miếng, trả miếng” nhằm vào đối phương trong cuộc chiến thương mại.

“Cuộc chiến gà”

Hơn 6 thập kỷ trước, Mỹ cũng từng nếm trải “đòn đau” mang tên “Cuộc chiến gà” với Hội đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) – tổ chức tiền thân của Liên minh Châu Âu (EU). Mặc dù xung đột giữa hai bên chỉ kéo dài hơn một năm, nhưng hậu quả của nó vẫn còn kéo dài tới ngày nay.

Trong thập niên 50, Mỹ từng là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm công nghiệp và đã đạt được thặng dư về sản phẩm thịt gà giá rẻ. Do đó, họ đã tìm cách mở rộng thị trường sang châu Âu, cụ thể là thị trường Đức.

Năm 1958, nước Đức đã dỡ bỏ hạn ngạch giao dịch đồng USD, nên các nhà sản xuất của Mỹ có thể dễ dàng xuất khẩu và kinh doanh mặt hàng của mình tại thị trường lớn nhất của châu Âu vào thời điểm đó.

Mặt hàng thịt gà giá rẻ của Mỹ đã nhanh chóng lấn át loại thịt gà được chăn nuôi theo phương pháp truyền thống của Đức – vốn có giá thành đắt hơn nhiều.

Đến năm 1963, 6 thành viên của Thị trường Chung Châu Âu – Pháp, Tây Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg – đã quyết định gia tăng mức thuế nhập khẩu gà đông lạnh lên 278%, nhằm trực tiếp vào Mỹ.

Châu Âu từng nhập khẩu hơn 100.000 tấn gà đông lạnh từ Mỹ trước khi mức thuế tăng lên 278%. Sau đó, con số này đã giảm sâu xuống còn khoảng 32.000 tấn, và tiếp tục giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Để đáp trả đòn giáng của 6 nước trên, phía Mỹ đã đe dọa áp thuế lên hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu.

Các lãnh đạo châu Âu đã thể hiện rõ ràng quan điểm muốn chấm dứt sự lệ thuộc vào mặt hàng thực phẩm của Mỹ. Mức thuế 278% cho mặt hàng gà công nghiệp Mỹ được đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi của những người nông dân tại châu lục này, bảo toàn “đường sống” cho họ trước tốc độ chiếm lĩnh thị trường chóng mặt của mặt hàng giá rẻ nhập khẩu từ Mỹ.

Phía Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng không chỉ ngành chăn nuôi gà công nghiệp, mà tất cả các mặt hàng nông nghiệp của họ đều đang đối mặt với rủi ro lớn từ cuộc xung đột thương mại này.

Phía Mỹ đã đệ đơn khiếu nại về vấn đề này lên Hội đồng đại diện cho Hiệp định Chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT). Tòa trọng tài đã xác nhận việc Mỹ chịu thua lỗ từ mức thuế 278%, nhưng thay vì số tiền 46 triệu USD như trong khiếu nại của Washington, thì đại diện của GATT chỉ chốt ở mức 26 triệu USD.

Điều này có nghĩa là Mỹ có thể áp mức thuế trả đũa cho số hàng hóa tương đương với số tiền 26 triệu USD, và cuộc xung đột thương mại giữa các bên có thể kết thúc tại đòn đáp trả này.

Mỹ dính “đòn đau”, nhưng không hề “nhớ lâu”?

Tuy nhiên, Mỹ không dễ dàng đánh mất cơ hội trả đũa như vậy. Theo quy định của GATT, thuế quan sẽ được áp dụng cho tất cả các quốc gia thuộc nhóm Tối huệ quốc (MFN) của châu Âu.

Để không liên lụy tới các quốc gia khác, Washington đã đặc biệt chọn đánh mức thuế cao nhằm vào 4 mặt hàng nhập khẩu gần như độc quyền (vào thời điểm đó) từ các quốc gia thuộc EEC: bột khoai tây và dextrin (hồ bột) từ Hà Lan, rượu Brandy từ Pháp, và xe tải từ Đức.

Là đối tượng duy nhất chịu ảnh hưởng bởi mức thuế nhập khẩu xe tải Đức gia tăng từ 8,5% lên 25%, tập đoàn Volkswagen đã vô cùng bất bình: “Tại sao chúng tôi lại phải là người giơ đầu chịu báng trong cuộc chiến gà cơ chứ?”

Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối nhượng bộ, bất chấp sự phẫn nộ của đối tác quan trọng này.

Một thập kỷ sau quyết định trên, Washington đã giảm bớt mức thuế đối với một số mặt hàng như rượu Brandy của Pháp. Tuy nhiên những “nhà kiến tạo” kế hoạch áp thuế trả đũa trong thập niên 60 đã không thể lường trước được hậu quả nghiêm trọng của những đòn giáng thuế quan này đối với nước Mỹ.

Ví dụ, tập đoàn xe hơi Detroit của Mỹ không thể cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất các loại xe nhỏ gọn và tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, việc Mỹ quyết định áp mức thuế 25% cho tất cả các loại ô tô nhập khẩu nước ngoài không chỉ gây trở ngại đối với các đối tác người Đức, mà cả các công ty của Nhật cũng dần mất hứng thú với thị trường Mỹ.

Trong thập niên 80, các nhà sản xuất xe hơi đã chế tạo được loại xe SUV hai cửa thuộc loại xe tải hạng nhẹ. Tuy nhiên, do mức thuế nhập khẩu cao nên các nhà sản xuất nước ngoài cũng không có cơ hội cạnh tranh với tập đoàn Detroit tại Mỹ. Về sau, mẫu xe ấy đã bị hủy bỏ, nhưng các bên đều đã phải hứng chịu thiệt hại trong thời gian khá dài.

Cụ thể, trước khi giá dầu tăng vọt lên mức kỉ lục hồi năm 2008, các mẫu xe tải hạng nhẹ đã mang lại cho Detroit những khoản lợi nhuận rất lớn, với 57% từ General Motors (GM), 62% từ Ford và 72% từ Chrysler. Tuy nhiên, khi giá dầu tăng, “Big Three” đã rơi vào khủng hoảng.

Chỉ vì một cuộc xung đột tưởng chừng rất nhỏ trước đó về một mặt hàng không mấy liên quan – gà công nghiệp – mà nhiều lĩnh vực khác của Mỹ như sản xuất xe hơi cũng phải chịu thiệt. Mức thuế quan vào thời điểm đó có giá trị tương đương với gần 200 triệu USD theo tỉ giá đồng USD ngày nay.

Tuy vậy, những đòn giáng thuế quan của ông Trump nhằm vào Trung Quốc kể từ đầu năm nay có quy mô lớn hơn 1.000 lần về giá trị so với xung đột thương mại Mỹ-châu Âu hồi thập niên 60, và số mặt hàng nhập khẩu bị đánh thuế cũng lớn hơn rất nhiều. 

Hiện nay ông Trump đang chơi trò thử thách với Trung Quốc trên một quy mô không tưởng tượng nổi. Có thể ông ấy sẽ chiến thắng. Có thể chiến thắng ấy sẽ “dễ dàng” như lời ông chủ Nhà Trắng luôn khẳng định. Nhưng lịch sử đã cho thấy hậu quả của cuộc xung đột này sẽ không hề “nhẹ nhàng”, mà sẽ rất đau đớn và dai dẳng đối với cả hai nước Mỹ-Trung.

RELATED ARTICLES

Tin mới