Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNga "cắt cầu" TQ: Thẳng tay gạt động cơ Made in China...

Nga “cắt cầu” TQ: Thẳng tay gạt động cơ Made in China khỏi tàu hộ vệ tên lửa Karakurt

Trang FlotProm cho biết Hải quân Nga quyết định vẫn sử dụng động cơ diesel M507 nội địa trên các tàu hộ vệ tên lửa Karakurt thuộc Đề án 22800 và thẳng tay loại động cơ Trung Quốc.

“Khách hàng (Hải quân Nga) cân nhắc 2 lựa chọn để thay thế động cơ trên tàu hộ vệ tên lửa Karakurt thuộc Đề án 22800. Đầu tiên là động cơ turbine khí M-70FRU-R của ODK-Saturn và thứ hai là động cơ diesel CHD622V20 của công ty Henan Diesel Engine Industry Limited của Trung Quốc,” nguồn tin này cho biết.

Ý tưởng thay thế động cơ được khởi phát bởi việc gián đoạn nguồn cung cấp động cơ từ Công ty Zvezda ở St. Petersburg. Thời hạn chót cho việc giao các động cơ M507 và máy phát điện diesel DGAS-315 cho các tàu hộ tống đã bị trì hoãn hàng tháng trời.

Việc chuyển giao ít nhất 6 động cơ cho Nhà máy Zelenodolsk đã bị dời từ ngày 31/12/2017 đến năm 2018 và thậm chí một số động cơ chỉ có thể được chuyển giao vào năm 2019. Nhà máy cũng phải trì hoãn việc bàn giao, đưa vào biên chế 2 tàu trong thời gian 1 năm.

Một tình huống tương tự cũng xảy ra với việc cung cấp động cơ và máy phát điện diesel cho Nhà máy đóng tàu Pella. Nguồn tin này cho FlotProm biết rằng nhà sản xuất phải điều chỉnh lại kế hoạch giao hàng để bắt kịp thời hạn giao tàu.

Các nguồn tin cho biết đại diện của giới quân đội và ngành công nghiệp đã phải gặp nhau hàng tháng nhằm thảo luận việc cung cấp cho các tàu hộ vệ tên lửa Karakurt Đề án 22800.

Phó Tư lệnh Hải quân Nga phụ trách trang bị vũ khí, Phó Đô đốc Viktor Bursuk đã đích thân kiểm soát vấn đề. Khách hàng quyết định vẫn tiếp tục sử dụng động cơ của Nga cho các tàu hộ tống này.

Động cơ turbine khí M-70FRU-R đã bị từ chối do nó không được sản xuất hàng loạt (với số lượng yêu cầu lên đến hàng chục chiếc trong 1 năm) và bởi vì các khinh hạm tên lửa đề án 11356 mới là những tàu đầu tiên được lắp động cơ này.

Ý tưởng sử dụng động cơ Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa Karakurt thuộc Đề án 22800 đã được đề xuất vào mùa hè năm 2018.

Tuy nhiên, đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã chỉ trích gay gắt ý tưởng này do nó yêu cầu phải thay đổi thiết kế và điều chỉnh lại khung thân tàu để có thể lắp đặt các động cơ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, động cơ của Trung Quốc cũng không đạt được tốc độ theo yêu cầu.

Vì thế, việc Hải quân Nga thẳng tay gạt động cơ “Made in China” được đánh giá là hoàn toàn hợp lý nhằm ưu tiên ngành CNQP trong nước và tránh được những rắc rối phát sinh về thiết kế cũng như chất lượng phập phù từ những sản phẩm quốc phòng có xuất xứ từ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới