Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngToàn cảnh hành động khiêu khích trắng trợn của TQ đối với...

Toàn cảnh hành động khiêu khích trắng trợn của TQ đối với tàu Mỹ ở Biển Đông

Theo trang tin CNN, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của Hải quân Mỹ đang thực hiện chiến dịch tự do hàng hải gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc áp sát. Hải quân Mỹ cho biết, 2 tàu cách nhau 41m, tàu chiến Trung Quốc “thực hiện hàng loạt động tác cơ động càng lúc càng hung hăng, kèm theo những cảnh báo yêu cầu tàu khu trục USS Decatur rời khỏi khu vực”. Trước hành động áp sát “nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp” của tàu Lan Châu, tàu Decatur buộc phải đổi hướng để tránh va chạm. Sự việc diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao liên quan tranh chấp thương mại, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì mua vũ khí của Nga…

Bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ:

Căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc và Mỹ gia tăng trên nhiều mặt trận, từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đến việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Mỹ công bố lệnh trừng phạt thương mại quân đội Trung Quốc do mua vũ khí từ Nga, cụ thể:

Về kinh tế, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump (24/9) đã áp đặt mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, ngoài các biện pháp thương mại đã được áp dụng. Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức đáp trả, với mức thuế 5% đến 10% nhằm vào 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Sau vòng áp thuế mới, Bắc Kinh kêu gọi đàm phán thương mại với Washington, nhưng không thể mang lại dấu chấm hết cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Về hoạt động quân sự, Mỹ liên tục cử máy bay ném bom B-52, tàu sân bay, tàu khu trục tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Không những vậy, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Cục phát triển thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc do cơ quan này mua máy bay chiến đấu và thiết bị liên quan hệ thống tên lửa phòng không của Nga. Theo lệnh trừng phạt mới vốn có hiệu lực ngay lập tức, Cục phát triển thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc bị cấm đăng ký xin giấy phép xuất khẩu cũng như tham gia vào các giao dịch nước ngoài theo luật của Mỹ hoặc sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ. Ngoài lệnh trừng phạt trên, Mỹ cũng đã phê duyệt bán vũ khí trị giá 330 triệu đôla cho Đài Loan. Đây là thỏa thuận bán vũ khí thứ hai của Mỹ cho Đài Loan kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức.

Về ngoại giao, phát biểu tại HĐBA LHQ hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc chính phủ Trung Quốc đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử vào giữa năm 2018 để chống lại đảng Cộng hòa.

Ngoài Mỹ, các đồng minh khác của Washington cũng đang tăng cường hiện diện quân sự tại biển Đông khị họ nhận được lời kêu gọi từ Mỹ. Tàu khu trục Anh Quốc HMS Argyll đã gia nhập cuộc diễn tập hải quân cùng tàu chiến Kaga và tàu khu trục Inazuma của hải quân Nhật Bản trên Ấn Độ Dương trước khi hướng tới Biển Đông. Trước đó, vào cuối tháng Tám, một tàu khu trục khác của Anh đã đi từ Nhật Bản qua Hoàng Sa để cập cảng Sài Gòn, thăm chính thức Việt Nam 4 ngày. Gầy đây, một tàu ngầm của Nhật Bản cũng đã có chuyến thăm Việt Nam 5 ngày trong chuỗi hoạt động nhằm đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đáp trả các hành động của Mỹ, phía Trung Quốc cũng tăng cường đào tạo và tuần tra hàng hải. Trung Quốc (29/9) điều động hàng chục máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Cuộc tập trận được tiến hành bởi Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Trung Quốc cũng triệu hồi Phó đô đốc Hải quân Shen Jinlong trở về từ chuyến thăm cấp cao đến Mỹ, đồng thời hủy cuộc gặp giữa ông và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson. Bắc Kinh cũng không cho phép một tàu chiến của Mỹ đến thăm Hồng Công.

Diễn biến vụ việc:

Theo Wall Street Journal, tàu khu trục Decatur (30/9) thực hiện cuộc tuần tra kéo dài 10 tiếng trong khu vực 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Côlin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Việc này được thực hiện theo quy định của luật pháp quốc tế và Mỹ xem là hoạt động tự do hàng hải (FONOP), thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Charles Brown cho biết, khi tàu USS Decatur đến gần khu vực đá Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tàu khu trục lớp Lữ Dương của Trung Quốc áp (chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41 m) và thực hiện một loạt hành động với mức độ hung hăng gia tăng kèm theo cảnh báo yêu cầu tàu Decatur rời khỏi khu vực này.

Hành động lần này của Trung Quốc là dựa trên “tiền lệ” có sẵn trong cách ứng xử với tàu chiến Mỹ

Từ tháng 10/2015, Hải quân Mỹ đã tiến hành một số Chiến dịch Tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông để thách thức các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là lần chạm trán thứ hai giữa chiến hạm hai nước trên Biển Đông trong năm nay. Tháng 5/2018, các chiến hạm Trung Quốc phát cảnh báo xua đuổi hai tàu chiến Mỹ đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, nếu tính từ năm 2015 đến nay thì đây là lần thứ 4 Trung Quốc có những hành động khiêu khích trắng trợn đối với tàu Mỹ ở Biển Đông. Tháng 12/2013, tàu tuần dương USS Cowpens đã kịp né tàu chiến Trung Quốc “trong gang tấc”. Một vụ việc tương tự đã xảy ra khi 5 chiếc tàu của Trung Quốc gây hấn với tàu do thám USNS Impeccable của Mỹ trên Biển Đông. Một trong số các tàu Trung Quốc đã tiếp cận rất gần với tàu Mỹ (trong khoảng cách hơn 7m), khiến thủy thủ đoàn trên tàu Mỹ phải dùng vòi chữa cháy để ngăn các tàu Trung Quốc tiếp tục tiến sát hơn.

Trung Quốc thường cho tàu chiến hoặc tàu cá dừng ngay trước tàu của Mỹ, khiến thuyền trưởng phải đột ngột dừng tàu để tránh va chạm với các tàu Trung Quốc đang chắn đường di chuyển của họ. Trong trường hợp khác, Trung Quốc điều các máy bay và dùng sóng vô tuyến trên Biển Đông để ngăn cản tàu chiến Mỹ hoạt động trong khu vực.

Mỹ lên án hành động khiêu khích của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông

Phó Tổng thống Mike Pence vào hôm nay (4/10) nhấn mạnh, “bất chấp những hành động khiêu khích, Mỹ vẫn sẽ thực hiện các chuyến bay và di chuyển trên những vùng biển được luật pháp quốc tế cho phép cũng như để đảm bảo lợi ích quốc gia. Chúng ta sẽ không để bị bắt nạt. Chúng ta sẽ không rút lui”. Cùng quan điểm trên, ông Charles Brown cho biết, khu trục hạm Decatur “đã đổi hướng để tránh va chạm”, song nhấn mạnh “lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.

Trong khi đó, cựu chỉ huy Hải quân Mỹ Carl Schuster nhận định, hành động của Trung Quốc là rất nguy hiểm vì thuyền trưởng sẽ dễ mất bình tĩnh khi các tàu cách nhau dưới 900 m; nhấn mạnh trong trường hợp này, theo luật hàng hải quốc tế, tàu khu trục Mỹ có quyền và được yêu cầu tiếp tục duy trì hướng đi và tốc độ. Trách nhiệm phải duy trì an toàn với tàu Mỹ thuộc về tàu chiến Trung Quốc. Tuy nhiên, khu trục Trung Quốc lại tiến về phía bên phải, tiếp cận gần với Decatur, cố tìm cách để cắt đầu tàu Mỹ, buộc thuyền trưởng Mỹ phải ra quyết định nhanh chóng chuyển hướng.

Trung Quốc biện minh hành động khiêu khích của mình, đồng thời tìm cách chỉ trích Mỹ gây căng thẳng trong khu vực

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định rằng chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo trên Biển Đông đã là “rất rõ ràng” và rằng nhân dân trên các đảo đó cảm thấy cần thiết phải tăng cường phòng thủ vì các cuộc tuần tra quân sự “dày đặc” của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tuyên bố “phía Mỹ bị cáo buộc đơn phương gây hưởng quan hệ Mỹ – Trung, quan hệ quân sự giữa hai nước. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ có thái độ sáng suốt và xây dựng những điều kiện phù hợp cho trao đổi và hợp tác song phương”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (2/10) cho rằng sự kiện này là tàu khu trục Trung Quốc chỉ tiến hành “thủ tục nhận dạng và xác thực theo luật, rồi cảnh báo tàu Mỹ rời đi”; cáo buộc việc Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã “hủy hoại nghiêm trọng quan hệ giữa quân đội hai nước và làm xói mòn hòa bình, ổn định khu vực”, đồng thời tuyên bố quân đội Trung Quốc “phản đối quyết liệt những hành động như vậy”.

Tương tự, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn ngang ngược sử dụng giọng điệu cũ, là “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Nam Sa” (cách phía Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Giới chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá đây là hành động khiêu khích có chủ ý của Trung Quốc đối với Mỹ

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, “không hạm trưởng nào của tàu chiến Trung Quốc có thể tự ý cho tàu áp sát khu trục hạm Decatur ở khoảng cách 41 m mà không có sự phê chuẩn từ cấp cao nhất, đó là Chủ tịch Tập Cận Bình”, đồng thời cho rằng đá Ga Ven chỉ là một bãi cạn nửa nổi nửa chìm nhỏ, đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại đây cũng có quy mô nhỏ và không có nhiều giá trị chiến lược. Vì vậy, việc Bắc Kinh có “phản ứng mạnh nhất từ trước tới nay” đối với hoạt động FONOP của tàu chiến Mỹ cho thấy đã có sự thay đổi trong tính toán của nước này. Theo quy tắc trước đây, tàu Trung Quốc chỉ bám theo tàu Mỹ, không tiến tới ở khoảng cách quá gần. Phía Trung Quốc chỉ phản hồi khi đối phương chủ động liên lạc. Tuy nhiên, cách hành xử quyết liệt bất ngờ của tàu chiến Trung Quốc là do bất bình gần đây của Bắc Kinh với Washington, liên quan đến căng thẳng trong vấn đề thương mại, thỏa thuận mua bán vũ khí và quan hệ với Đài Loan.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như cũng đã tính toán rất kỹ để thông điệp phát đi đủ mạnh nhưng không làm bùng phát phản ứng quyết liệt từ phía Mỹ. Tàu Lan Châu nhiều khả năng đã kiên nhẫn đợi khu trục hạm Decatur sắp kết thúc hành trình tuần tra FONOP của mình rồi mới ra mặt can thiệp và cản trở. Sau khi bị áp sát ở khoảng cách nguy hiểm, tàu Decatur đã chuyển hướng khỏi khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp và kết thúc hành trình tuần tra của mình. Theo bà Glaser, nếu tàu Lan Châu ra mặt cản trở chiến hạm Mỹ ngay từ đầu chiến dịch FONOP, sự việc có thể đã diễn tiến hoàn toàn khác. Khi đó, hạm trưởng tàu Decatur sẽ phải đối mặt với quyết định tiếp tục di chuyển và chấp nhận nguy cơ va chạm với tàu Trung Quốc, hoặc buộc phải ra lệnh hủy bỏ chiến dịch FONOP, động thái sẽ bị coi là sự nhượng bộ của Washington trước Bắc Kinh. Đáng chú ý, bà Glaser nhận định “Tập Cận Bình không muốn bị coi là yếu đuối, ông ấy muốn được nhìn nhận như một lãnh đạo bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, đó là thông điệp họ muốn truyền đi khi cản trở hoạt động FONOP của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng thương mại và sức mạnh quân sự gắn bó với nhau và chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh”.

Teddy Ng, bình luận viên của SCMP, cũng cho rằng những động thái như vậy của tàu chiến Trung Quốc, dù được chỉ đạo ở cấp độ nào, cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tính toán sai lầm, nhất là khi hoạt động trên vùng biển phức tạp. Tính toán sai lầm từ thủy thủ Trung Quốc hoặc Mỹ trong những lần chạm trán như vậy có thể gây ra va chạm, thương vong, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng vượt tầm kiểm soát, thậm chí là một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Zack Cooper, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng của Mỹ tại châu Á thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định “không có gì ngạc nhiên khi quân đội Trung Quốc thách thức các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Trường Sa. Đó là những hành động nhằm chống lại các quy tắc và luật lệ quốc tế, nhưng sẽ thất bại khi Mỹ tiếp tục hoạt động tuần tra”.

Adam Ni, chuyên gia về chính sách an ninh và ngoại giao Trung Quốc thuộc đại học Tổng hợp Australia nói, cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á có thể đặt các nước trong khu vực vào tình thế buộc phải chọn đứng về một phía. “Đối với các nước châu Á, một nước Mỹ năng động ở châu Á nhằm đối trọng lại với tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc là điều tích cực. Tuy nhiên, có nguy cơ cạnh tranh chiến lược sẽ làm nóng tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực” và “khả năng ngày càng tăng về một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc là viễn cảnh không mong muốn đối với một khu vực vốn phụ thuộc rất lớn vào khả năng kết nối và lưu thông hàng hóa”.

Ankit Panda, chuyên gia chính sách đối ngoại và biên tập viên của tờ The Diplomat gọi vụ việc là “nỗ lực trực tiếp và nguy hiểm nhất từ trước đến nay của Quân đội Trung Quốc để can thiệp vào chiến dịch tự do hàng hải hợp pháp của Mỹ tại Biển Đông”.

Ông Collin Koh chuyên gia thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) nhận định, các nước Đông Nam Á trước nay vẫn đang cố gắng quản lý mối quan hệ hài hòa với cả Trung Quốc và Mỹ, thậm chí các nước này mong muốn tìm kiếm đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, trong khi lại hy vọng nhận được cam kết đảm bảo an ninh từ Washington. Ông Koh nhận định: “Mặc dù việc bị kẹp ở giữa là rất rõ ràng, nhưng các nước Đông Nam Á không nhất định mong muốn phải đưa ra lựa chọn đứng hẳn về bên nào. Theo đó, ý tưởng chung là phải tối đa hóa lợi ích từ tất cả các bên, trong khi không để vào tầm ngắm của cả hai”. Tuy nhiên, căng thẳng toàn diện cả về quân sự, thương mại và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang sẽ không cho phép các nước Đông Nam Á có thể tiếp tục chiến lược “đánh đu” giữa hai cường quốc.

Trong khi đó, có chuyên gia nói cuộc đụng độ mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông là dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại đã lan tỏa sức nóng sang cả vấn đề an ninh và những diễn tiến gần đây ở Biển Đông cho thấy các đồng minh của Mỹ có chiều hướng sẵn sàng can dự vào đây. Ngoài ra, bằng hành động cản trở tàu khu trục Mỹ một cách quyết liệt ở Trường Sa, Trung Quốc dường như đang phát tín hiệu rằng họ ngày càng cứng rắn với Mỹ không chỉ trong cuộc chiến thương mại mà cả trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới