Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ, Nga "liên thủ": Mỹ-phương Tây ớn sợ?

TQ, Nga “liên thủ”: Mỹ-phương Tây ớn sợ?

Từ đầu những năm 2010, quan hệ Nga – Trung Quốc bước sang một trang mới. Hai nước đang xích lại gần nhau. Nhưng Nga – Trung đơn giản chỉ là đối tác hay là đồng minh vững chắc?

Quan hệ Nga-Trung dường như đang trong kỳ trăng mật.

Theo các nhà quan sát, quan hệ Bắc Kinh – Matxcơva nửa là đối tác, nửa là đồng minh, trang mạng Asialyst nhận định.

Không có cường quốc châu Á nào là đồng minh thực sự của Trung Quốc. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều không thân thiện với Trung Quốc. Tương tự, ở phương Tây, Nga cũng không có đồng minh. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã tính tới việc liên minh với phương Tây, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine 2014 đã khiến điều này là không thể.

Mặc dù hiện Nga – Trung chưa phải là đồng minh, nhưng quan hệ hai nước sẽ được củng cố. Đó là những nhận định trong bài viết “Trục Bắc Kinh – Matxcơva, nỗi sợ lớn của phương Tây” của nhà báo, nhà phân tích quan hệ quốc tế Fabien Herbert, chuyên gia Pháp về Nga và châu Á.

Điều kiện đầu tiên khiến Bắc Kinh và Matxcơva xích lại gần nhau đương nhiên là sự đối kháng chung của cả hai nước trước Mỹ.

Cường quốc số một thế giới gây khó khăn cho Nga ở châu Âu và Syria, còn Trung Quốc gặp vấn đề với Mỹ ở châu Á. Washington còn bị cả hai đối thủ Bắc Kinh và Matxcơva coi là hiện diện quá nhiều ở lục địa Á – Âu. Quan hệ đối tác Nga – Trung giai đoạn 1 (2011-2014) được tạo ra nhằm đối phó với sự hiện diện khắp nơi của Mỹ.

Nền kinh tế của Nga chỉ đứng thứ 12 thế giới, vì thế Matxcơva cần tìm một đối tác mới tầm cỡ và có nền kinh tế vững chắc. Đương nhiên là tổng thống Nga Vladimir Putin hướng về nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia đã vươn lên đứng đầu thế giới về thương mại từ năm 2014.

Trong bối cảnh làn sóng chống phương Tây dâng cao ở Nga, Trung Quốc dần dần được Matxcơva coi như đối tác phù hợp nhất để đương đầu với các thách thức trong thế kỷ XXI.

Mặc dù Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và quân sự nổi trội nhất ở châu Á, nhưng Bắc Kinh luôn bị Washington phản đối mạnh mẽ. Bất chấp việc tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á vẫn rất mạnh với 40.000 binh sĩ đóng ở Nhật Bản, 28.000 tại Hàn Quốc, 2 tàu sân bay và 70 chiến hạm đóng tại Guam.

Ngoài 3 khu vực chiến lược nói trên, quân đội Mỹ cũng hiện diện nhưng với quy mô nhỏ hơn ở Philippines, Singapore và Thái Lan. Các căn cứ quân sự ở các quốc gia nói trên cho phép Mỹ tiếp cận với Biển Đông, nơi có nhiều tranh chấp.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ đảm bảo duy trì nguyên trạng ở vùng biển có tranh chấp. Theo chuyên gia Pháp, nếu không có quân đội Mỹ, vị trí lấn át của Trung Quốc trong khu vực chắc chắn đủ để Bắc Kinh thắng các nước khác trong các tranh chấp.

Liên minh Nga – Trung có thể sẽ không làm đảo lộn cân bằng địa chính trị ở châu Á, dù là Đông Nam Á hay Đông Bắc Á. Tuy nhiên, quan hệ Bắc Kinh – Matxcơva có thể sẽ tạo thành sức ép ở các khu vực còn lại trên thế giới.

Ở Trung Đông, Trung Quốc ủng hộ chính sách của Nga tại Syria, cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ở Hội Đồng Bảo An, Nga và Trung Quốc thống nhất với nhau để phủ quyết các dự thảo nghị quyết của phương Tây.

Ở Trung Á, sự hợp tác của Bắc Kinh và Matxcơva đã làm suy yếu vị thế của Mỹ. Dưới sức ép Nga – Trung và dưới sức ép của Tổ chức hợp tác Thượng Hải, chính phủ Kirghizistan đã đóng cửa căn cứ không quân của Mỹ ở Manas. Tại châu Âu và châu Phi, đầu tư của Trung Quốc và xuất khẩu khí đốt của Nga hợp thành “cặp đôi” ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ.

Quan hệ đối tác kinh tế Nga – Trung đã trở thành quan hệ chiến lược. Hai nước có thể trở thành đồng minh vững chắc chừng nào sức mạnh của hai nước vẫn chênh lệch nhau. Sự không cân xứng đó cũng thể hiện ở cả quy mô dân số: nếu nước Nga ở châu Âu có dân số đông đúc hơn nhiều thì vùng Viễn Đông của Nga chỉ có 7 triệu dân so với 1,5 tỉ dân Trung Quốc.

Sự bất cân xứng về kinh tế và dân số khiến Nga không phải là mối đe dọa đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự chênh lệch về sức mạnh quân sự và khí đốt lại có lợi cho Matxcơva hơn, khiến Nga hấp dẫn được Trung Quốc, quốc gia vốn có nhu cầu rất lớn về dầu lửa, khí đốt và rất muốn cải thiện sức mạnh quân sự.

Việc làm cho các sức mạnh trên được cân xứng có thể sẽ đẩy liên minh Nga – Trung vào thế nguy hiểm.

Nếu Nga có thể không theo kịp Trung Quốc cả về kinh tế và quy mô dân số ở châu Á, thì Trung Quốc có thể sánh bằng Nga về quân sự trong một tương lai gần, còn chất đốt thì lại không thể khai thác mãi được. Vậy thì hấp lực của Nga chỉ còn là lãnh thổ và khả năng vươn tới châu Âu và Trung Đông, cũng như sức mạnh hạt nhân của Matxcơva.

Tuy nhiên, không nên chỉ nhìn nhận quan hệ Nga – Trung bó hẹp trong quan hệ song phương. Quan hệ này hiện liên quan đến nhiều tổ chức quốc tế và trong khu vực.

Quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung sẽ được duy trì nếu hai nước không can thiệp vào vùng ảnh hưởng của nhau. Về điểm này, Trung Á đang trở thành vấn đề. Nga không phản đối việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Còn Bắc Kinh không “lấn sân” Matxcơva ở châu Âu và Trung Đông.

Việc “chia sẻ thế giới” như trên chỉ giới hạn ở quyền lợi địa chính trị. Hai nước khá thoải mái với nhau trong lĩnh vực trao đổi ngoại giao và kinh tế, chẳng hạn sự xích lại gần nhau giữa Nga và Nhật và hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và châu Âu. Quan hệ Nga – Trung hiện diễn ra tốt nhờ hai nước có chung cách nhìn về thế giới.

Đó là một thế giới đa cực hay đa phương, với giá trị phổ quát là quyền lực tối cao của nhà nước, đi ngược với chủ nghĩa tự do ở châu Âu. Chính sự khác biệt trên đã khiến quan hệ giữa Nga và châu Âu xuống cấp trong giai đoạn 2008-2014, liên quan đến xung đột ở Gruzia và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Việc Trung Quốc dường như chấp nhận khái niệm “láng giềng gần” của Nga (chỉ các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ mà Matxcơva coi là có lợi ích lâu dài và tuyên bố đặc biệt quan tâm đến số phận của cộng đồng người Nga và người nói tiếng Nga tại các nước này) chắc chắn được Matxcơva coi là một thuận lợi.

Trái lại, phương Tây không trao cho Nga phạm vi kiểm soát như vậy. Theo chủ nghĩa tự do của phương Tây, các nhà nước có thể chọn đồng minh và thay đổi đồng minh mỗi khi thay đổi chính quyền.

Quan điểm này không được Matxcơva chấp thuận, vì Nga coi sự ổn định của khu vực ảnh hưởng mang tính quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia. Điều mà Matxcơva mong muốn là chấm dứt trật tự sau Chiến tranh lạnh, vốn được thiết lập dựa trên đống tro tàn của Liên Xô.

Đương nhiên, nếu châu Âu và Nga xích lại gần nhau thì liên minh Nga – Trung có thể bị xem xét lại. Nhưng hiện giờ chưa có dấu hiệu gì cho thấy điều đó có khả năng xảy ra. Thậm chí, nếu xem xét hai đợt tập trận gần đây nhất của Nga, người ta còn có thể thấy điều ngược lại.

Cuộc tập trận Zapad-2017 là sự hợp tác giữa Nga và Belarus với kịch bản là Belarus bị châu Âu xâm lược. Vostok-2018 lại là đợt tập trận chung giữa Nga, Trung Quốc và Mông Cổ, đối thủ giả định cũng vẫn là châu Âu và Mỹ. Trung Quốc cũng được mời tham gia các đợt tập trận vào năm tới.

Theo chuyên gia Pháp, quan hệ đối tác Matxcơva – Bắc Kinh phụ thuộc vào cả ba yếu tố: Sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Âu, châu Á, quan hệ bất cân xứng giữa Nga và Trung Quốc và hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong chính sách đối ngoại. Quan hệ Nga – Trung sẽ xấu đi nếu chế độ của nước này hay nước kia đột ngột thay đổi.

Nếu hai nước tạo được một liên minh chiến lược vững chắc, đó sẽ là một liên minh mạnh nhất hành tinh, trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, có thể được triển khai khắp nơi ở lục địa Á – Âu. Các lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không để cho Matxcơva và Bắc Kinh liên minh với nhau, nhất là ở thời Liên Xô.

Hiện phương Tây vẫn không muốn Matxcơva và Bắc Kinh liên minh với nhau, nhưng các nước hai bên bờ Đại Tây Dương có ít cơ hội để ngăn chặn liên minh này. Để làm được điều đó, chắc là phương Tây cần khoét vào điểm yếu là Nga, làm cho Matxcơva thấy những viễn cảnh tốt đẹp nhất ở bên phương Tây.

Tuy nhiên, hiện nay cả châu Âu và Mỹ đều chưa có cách nào thực hiện điều đó, chuyên gia Pháp nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới