Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐòn đáp trả Mỹ trong chiến tranh thương mại phản tác dụng,...

Đòn đáp trả Mỹ trong chiến tranh thương mại phản tác dụng, làm “đau ví” người TQ

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang đẩy sâu thêm tình trạng tăng giá trên diện rộng ở Trung Quốc, khiến chính người tiêu dùng trong nước ngấm “đòn”.

Người dân Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng giá cả leo thang do các khoản thuế chính nước này áp đặt với hàng hóa Mỹ. Ảnh: Reuters.

Thuế suất Bắc Kinh áp lên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ lại đang gây ra tình trạng lạm phát cho nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã đạt 2,5% trong tháng 9 so với năm ngoái và tăng 0,2 điểm % so với tháng 8, theo báo cáo của Tổng cục thống kê. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ thời điểm Tết âm lịch đến nay.

Mặc dù việc tăng giá phần lớn trong mặt hàng thực phẩm, một phần do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến nguồn cung, thuế suất đánh lên hàng nhập khẩu nhằm đáp trả cuộc chiến thuế quan của Mỹ là một nguyên nhân.

Bắc Kinh đã áp thuế bổ sung 25% lên ô tô Mỹ nhập khẩu, tăng tỷ lệ thuế suất lên 40% và các nhà sản xuất ô tô buộc phải chuyển một phần gánh nặng này lên người tiêu dùng.

Một chiếc ô tô điện Model S thông thường của hãng Tesla hiện giờ có giá 850.000 Nhân dân tệ (123.000 USD) so với 710.000 Nhân dân tệ trước đây. BMW và Daimler cũng vừa tăng giá cho các mẫu xe thể thao sản xuất tại Mỹ từ 4-7%.

Đơn vị hàng tiêu dùng và hóa chất của Đức Henkel cũng tăng giá trong tháng này cho các sản phẩm bán tại Trung Quốc, theo truyền thông địa phương, dẫn ra nguyên nhân là thuế suất đáp trả lên các mặt hàng từ Mỹ cũng như đồng Nhân dân tệ suy yếu trong thời gian qua.

Một chi nhánh địa phương của tập đoàn Mỹ 3M cũng tăng giá sản phẩm khoảng 3-5%, do nguyên liệu và chi phí lao động tăng, cũng như biến động tiền tệ, dấy lên lo ngại rằng việc tăng giá có thể làm cho sản xuất thiết bị cầm tay đắt hơn.

Theo một nhà phân tích công nghệ thông tin, cuộc chiến thương mại leo thang sẽ làm xói mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc đang chạy đua để giảm bớt lạm phát, xoa dịu sự lo lắng của dư luận trong nước, đặc biệt là với mặt hàng đậu tương. Trong chuyến thăm tháng trước tới một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp ở tỉnh Hắc Long Giang, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hỏi một nhà nghiên cứu làm thế nào để cây đậu tương đạt được nhận sản lượng cao.

Mặt hàng đậu nành được chế biến để chế biến dầu ăn và phần còn lại từ quá trình này được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Do cả thịt lợn và dầu đậu tương đều là mặt hàng chủ yếu trong bữa ăn của người dân Trung Quốc, giá đậu tương tăng có tác động đáng kể đến chỉ số CPI.

Trung Quốc nhập khẩu gần 90% lượng đậu nành tiêu thụ, 1/3 nguồn cung nước ngoài đến từ Mỹ.

Hồi tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với đậu nành Mỹ, một biện pháp nhằm tạo sức ép lên nông dân Mỹ – lượng cử tri đông đảo ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, việc áp thuế này thực chất lại tác động ngược trở lại, khiến giá đậu nành tại thị trường Trung Quốc cũng tăng “phi mã”.

Giá đậu nành ở Trung Quốc đã tăng 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái, gây ra áp lực lên các hộ nông dân. Cụ thể, mỗi gia đình nông dân Trung Quốc mất 200 Nhân dân tệ trên mỗi con lợn. Chính phủ đang đề xuất các khoản trợ giá nhằm hỗ trợ nông dân trong nước trong khi cố gắng giữ giá thịt heo không tăng.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang thúc đẩy trợ cấp cho nông dân và đẩy mạnh trồng đậu tương ở các khu vực như Hắc Long Giang để nâng sản lượng trong nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới