Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNhìn lại những hoạt động phi pháp của TQ đã làm đối...

Nhìn lại những hoạt động phi pháp của TQ đã làm đối với cái gọi là “thành phố Tam Sa”

Tháng 7/2012, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam có phạm vi quản lý ba quần đảo ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo đang tranh chấp với Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Từ đó đến nay, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận các nước, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động phi pháp đối với “thành phố Tam Sa”.

Mở các đường bay dân sự và tàu thuyền ra “Tam Sa”

Trung Quốc đã ngang nhiên mở đường bay dân sự đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên đã cất cánh từ thành phố Hải Khẩu thuộc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào lúc 8h45 sáng 21/12/2016 đến đảo Phú Lâm rồi từ đảo Phú Lâm quay lại thành phố Hải Khẩu vào lúc 13h chiều cùng ngày. Theo đó, các chuyến bay như thế này sẽ được tiến hành hàng ngày với giá 1.200 Nhân dân tệ (tương đương 172 USD/Chiều). Truyền thông Trung Quốc loan tin sân bay trên đảo Phú Lâm là sân bay hỗn hợp và mới được chấp thuận sử dụng cho mục đích dân sự vào ngày 16/12/2016, giúp cải thiện điều kiện làm việc của các nhân viên dân sự và các binh sĩ sống tại “thành phố Tam Sa”. Cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc chỉ có dân số vẻn vẹn vài nghìn người và rất nhiều các đảo và bãi đá tại đây đều không có người sinh sống. Trước đó, vào tháng 2/2016 phía Mỹ đã tố cáo Trung Quốc ngang nhiên điều hệ thống tên lửa đất đối không lên đảo Phú Lâm. Ngoài quần đảo Phú Lâm, Trung Quốc còn tiến hành cải tạo trái phép các bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và xây dựng phi pháp nhiều đường băng trên đó. Hồi tháng 7/2016, Trung Quốc cũng từng ngang nhiên tiến hành thử nghiệm cất cánh và hạ cánh các máy bay dân sự trên hai đường băng mới mà nước này xây dựng phi pháp trên bãi Vành Khăn và bãi Subi. Hãng Reuters dẫn nguồn báo chí Trung Quốc cho biết, những chuyến bay sẽ đến “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm và máy bay cỡ lớn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người có thể được dùng. Hai tàu chở khách và một tàu cảnh sát biển của TQ đã đóng tại “Tam Sa” để phục vụ cho thông tin liên lạc cơ động tại đây. Người phụ trách “Tam Sa” ngụy biện rằng, sân bay ở đây và một ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ thúc đẩy dịch vụ hàng không trong khu vực.

Khai trương rạp chiếu phim, thư viện số

Tháng 7/2017, Trung Quốc thông báo khai trương rạp chiếu phim hiện đại tại “thành phố Tam Sa” có tên gọi “Ân Long Tam Sa”, trong đó đã trình chiếu bộ phim “Sự bất tử của Giao Ngọc Lã” (The Eternity of Jiao Yulu) cho hơn 200 cư dân và binh sỹ ngay trong ngày đầu mở cửa. Hãng Tân Hoa Xã cho biết rạp chiếu phim này sẽ chiếu ít nhất một lần mỗi ngày để dân cư được ước tính là khoảng 2.000 người đang sinh sống trên đảo “có thể thưởng thức cùng lúc với khán giả trên cả nước”. Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng cho biết thêm Trung Quốc có kế hoạch chiếu phim miễn phí tại các đảo khác trong quần đảo này với các máy chiếu di động. Ngoài phim ảnh truyền hình, Trung Quốc cũng lồng ghép trình chiếu các nội dung về chính sách biển đảo và các yêu sách chủ quyền của mình. Ngày 30/7/2018, Trung Quốc tiếp tục cho khai trương “Thư viện số Trung Quốc chi nhánh Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong đó áp dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như Big Data, Cloud… để lưu trữ khoảng 200.000 bản tài liệu số hóa âm thanh và hình ảnh. Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa, thành lập văn phòng Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Hải Nam trên đảo Phú Lâm.

Phủ sóng mạng internet không dây (wifi) và điện lưới

Từ đầu tháng 10/2015, Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt trái phép các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 11/10/2015 đưa tin, chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” tiết lộ rằng từ ngày 01/10/2015 đã triển khai lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây (wifi) trên các đảo có cư dân sinh sống. Ngư dân và nhân viên Trung Quốc đồn trú trên các đảo này có thể truy cập internet tốc độ cao. Bài báo cho biết, hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây và đảo Bắc và tiếp đó sẽ triển khai lắp đặt tại các đảo đá khác như đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa. Hồi đầu tháng 9/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành phủ sóng 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn.

Theo Asia Times, Trung Quốc đã vận hành trái phép mạng lưới điện thông minh cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm. Các bản tin của Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo ngang nhiên đưa tin rằng mạng lưới này sẽ cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các hòn đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Theo Tân hoa xã, mạng lưới điện phi pháp này sẽ giúp tăng khả năng cung cấp điện trên đảo thêm 08 lần, đồng thời có thể kết nối với mạng lưới điện chính trên đảo Hải Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu về quân sự và dân sự. Báo Trung Quốc thậm chí còn đưa tin mạng lưới điện trên đảo Phú Lâm có thể được phát triển thành trung tâm kiểm soát nhằm quản lý các mạng lưới điện khác trên các đảo lân cận.

Xây dựng các ngọn hải đăng trái phép

Hai ngọn hải đăng có tên gọi “Huayang” và “Chigua”, được Trung Quốc xây dựng trên bãi đá Châu Viên và Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, hai ngọn hải đăng “sẽ cải thiện đáng kể các điều kiện hàng hải và giảm các rủi ro và tai nạn hàng hải bằng cách cung cấp hỗ trợ lộ trình, thông tin an toàn, cứu hộ khẩn cấp và các dịch vụ công khác đối với các tàu thuyền đi ngang qua”. Lễ khởi công xây dựng 2 ngọn hải đăng trên diễn ra vào ngày 26/5/2015. Hải đăng “Huayang” có hình trụ, trong khi hải đăng “Chigua” hình nón trụ. Cả hai cao 50 m và có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý và chu kỳ phát ánh sáng nhấp nháy là 8 giây. Việc xây dựng 2 ngọn hải đăng trên là một hành động trái phép nữa của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Kêu gọi đầu tư tư nhân

Báo chí Trung Quốc hôm 28/11/2016 đưa tin về việc các nhà làm phim Trung Quốc thực hiện bộ phim về sinh thái biển ở Biển Đông, dưới dạng phim tài liệu, với tựa đề “Beautiful South China Sea, My Home” (“Biển Hoa Nam xinh đẹp, ngôi nhà của tôi”). Trong buổi họp báo tại Hội chợ Du lịch Biển Quốc tế ở Hải Nam (Trung Quốc) hôm 26/11/2016, ông Yao Hongzhao, đứng đầu Hiệp hội Bảo vệ San hô và Sò Hải Nam cho biết các thành viên của nhóm làm phim đều là những người tình nguyện, trong đó có một nhiếp ảnh gia dưới nước. Trong khi đó tại “thành phố Tam Sa”, Phó Thị trưởng cho biết thành phố này đã thu hút được 16 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới đến đầu tư. Tuyên bố của giới chức Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện nhằm khẳng định chủ quyền trên tuyến thủy lộ quan trọng và sôi động ở Biển Đông. Theo lời Phó Thị trưởng Tam Sa, tổng cộng đã có 157 doanh nghiệp đầu tư vào thành phố với tổng số vốn lên đến hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 435 triệu đôla), giúp cho thành phố này thu về hơn 1,53 tỷ nhân dân tệ tiền thuế. Doanh nghiệp đầu tư vào Tam Sa hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, du lịch, hàng không, giao thông và văn hóa. Tin cho hay các ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, cũng đã mở chi nhánh trên hòn đảo này. Thành phố Tam Sa được thành lập vào năm 2012 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Mục tiêu thành lập Tam Sa là để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough, khu vực mà ngoài Việt Nam còn có Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau. Kể từ khi thành lập, Trung Quốc đã xây dựng các tuyến đường giao thông, bệnh viện, trường học, nhà máy xử lý nước và các cơ sở khác trên đảo này.

Xây dựng, đưa vào sử dụng Đồn giam giữ và Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa

Ngày 25/7/2015, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành xây dựng trái phép công trình Đồn giam giữ và Trung tâm phòng ngự liên hợp cho “thành phố Tam Sa”. Công trình Đồn giam giữ được xây dựng tòa nhà 3 tầng với tổng diện tích 1.498 m2, sau khi xây dựng xong có thể tạm giam cùng lúc 56 người. Chính quyền Tam Sa ngang nhiên nói rằng sẽ sử dụng Đồn giam giữ này để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Giới chức “thành phố Tam Sa” loan tin Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa nhằm nâng cao khả năng phòng thủ cho “thành phố Tam Sa” tại các vùng biển, nâng cao hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trước đó, ngày 23/7/2015, Trung tâm bảo đảm hàng hải Nam Hải thuộc Bộ giao thông vận tải Trung Quốc cho biết đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng ha cọc tiêu dẫn hướng tạm thời tại cầu tàu tổng hợp đảo Phú Lâm.

Phát triển du lịch biển đảo

Mạng Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 23/10/2017 loan tin dẫn lời của bí thư của “thành phố Tam Sa” cho biết trong năm 2017 đã có 59 đoàn du khách tại Trung Quốc lục địa ra tham quan quần đảo Hoàng Sa. Phát biểu của vị bí thư thành phố Tam Sa đưa ra bên lề Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh. Con số 59 đoàn du khách đi thăm Hoàng Sa như thế còn được cho biết tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016. Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39 ngàn người. Mỗi tour bốn ngày, ba đêm đưa du khách đến các đảo Áp Công (Yagong), Toàn Phú (Quanfu) và Ngân Tự (Yinyu). Hai hoạt động dành cho khách tham quan Hoàng Sa là lễ thượng kỳ và xem các tài liệu tuyên truyền về lòng yêu nước. Ngoài hai hoạt động như vừa nêu là tham dự lễ chào cờ và xem tài liệu tuyên truyền cho lòng ái quốc, du khách còn được lặn biển, thăm các làng chài địa phương. Tàu đưa du khách đi Hoàng Sa khởi hành từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam và khi kết thúc tour cũng tại Tam Á, Hải Nam. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời của một nhân viên lữ hành tại thành phố Tam Á khi chào bán tour đi Hoàng Sa rằng nước ở đó rất sạch mà hiếm nơi nào khác ở đất liền có được. Người này xác nhận năm nay tour đi Hoàng Sa ngày càng bán chạy. Tuy nhiên, người nhân viên lữ hành này bày tỏ sự lo ngại không rõ về khả năng phát triển thị trường trong năm tới bởi tất cả phụ thuộc vào chính sách của nhà nước Trung Quốc.

Mượn danh bảo vệ môi trường để ngăn cản hoạt động ở Hoàng Sa

Trung Quốc lấy lý do bảo vệ sinh thái nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Chính quyền “thành phố Tam Sa” hôm 24/7/2016 thông báo yêu cầu khách du lịch, tham quan, sản xuất thủy sản và các đoàn thực hiện nhiệm vụ khảo sát khoa học mà chưa được phê chuẩn phải tránh xa hố xanh ở khu vực nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, chính quyền “thành phố TamSa” đã đặt tên trái phép cho hố xanh này là “Động Tam Sa Vĩnh Lạc”. Trung Quốc đang lợi dụng danh nghĩa bảo vệ hệ sinh thái đối với hố xanh để củng cố các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, đồng thời ngăn chặn xã hội quốc tế chỉ trích sự bành trướng của Bắc Kinh. Học giả Đài Loan Dương Niệm Tổ cho rằng, động thái của Bắc Kinh nhằm cảnh báo các nước khác rằng những biện pháp bành trướng của họ sẽ không chỉ dừng ở xây đảo nhân tạo trái phép hay đưa các đội tàu hải cảnh ra đe dọa. Bề mặt hố xanh ở quần đảo Hoàng Sa rộng 130 m, đường kính đáy 36 m. Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát đi một video quảng cáo với hình ảnh thợ lặn bơi dưới nước dọc theo vách đá, san hô dưới đáy biển và một đàn cá nhỏ nhiệt đới.

Xuất bản sách về “Tam sa”

Hãng Tân Hoa xã loan tin một quyển sách giới thiệu “thành phố Tam Sa” đã được xuất bản vào tháng 6/2013 trong khuôn khổ các nỗ lực đánh dấu một năm ngày thành lập “thành phố Tam Sa”. Quyển sách do Nhà Xuất bản Nhân dân Trung Quốc phát hành nói về lịch sử thành phố, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vai trò của “thành phố” này trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc phòng Trung Quốc. Quyển sách cũng in kèm 5 bản đồ chi tiết minh họa Tam Sa và các quần đảo nằm dưới sự quản lý của “thành phố” này.

Khai trương Văn phòng Tân hoa xã tại “thành phố Tam Sa”

Hãng Tân hoa xã hôm 26/8/2018 đưa tin, ngày 25/8 hãng thông tấn này đã chính thức thành lập văn phòng tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), nơi đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Giới chức cái gọi là “thành phố Tam Sa” và Trưởng Đại diện Tân hoa xã tại Phú Lâm đã kéo biển khai trương văn phòng hãng thông tấn này tại Phú Lâm để tăng cường đưa tin xuyên tạc về vấn đề Biển Đông, đánh dấu sự tăng cường hoạt động truyền thông về các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, núp danh cái gọi là “thành phố Tam Sa”, động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, phá vỡ mọi nguyên tắc và thông lệ luật pháp quốc tế.

Quân sự hóa “thành phố Tam Sa”

Trung Quốc đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất tám máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi quân sự khác. Tháng 5/2018, Trung Quốc triển khai 02 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía Bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang. Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Trước đó, từ tháng 2/2016, nhiều đơn vị HQ-9 cũng đã được Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa. Trung Quốc đặt Bộ chỉ huy toàn thể lực lượng quân trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm. Căn cứ quân sự này kiên cố nhất trên Biển Đông. Trung Quốc Hồng Lỗi cũng công khai thừa nhận rằng Trung Quốc đã bố trí tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm. Tân hoa xã cho biết tàu tiếp tế giao thông “Tam Sa số 1” đã được đưa đến đảo Phú Lâm. Đây là tàu tiếp tế cỡ lớn do Trung Quốc đóng sau khi tuyên bố thành lập trái phép “thành phố Tam Sa”, có thể chở đến 456 người và được trang bị sân bay trực thăng cùng hàng loạt chức năng khác nhằm phục vụ mục đích tiếp tế cho quân và dân Trung Quốc đang đồn trú và cư ngụ trái phép ở các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Việt Nam và các nước lên án mạnh mẽ các hành động của TQ

Ngày 10/8/2018, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc gần đây tổ chức các hoạt động kỷ niệm 6 năm thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam; Kênh Thiếu nhi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi ở quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam; Đại học Trung Sơn Trung Quốc thực hiện một loạt các khảo sát khoa học tổng hợp ở quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam…, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lên lên án “việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể có tranh chấp tại Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực”. Mỹ đã có nhiều phản ứng phản đối Trung Quốc như rút lại lời mời Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018; tiến hành hàng loạt chuyến tuần tra tự do hàng hải, diễn tập quân sự ở Biển Đông bằng tàu thuyền và máy bay ném bom B-52; lên án Trung Quốc tại các diễn đàn song phương và đa phương. Nhiều nước khác như Anh, Pháp, Australia, Ấn Độ, New Zealand cũng đã chỉ trích và triển khai tàu chiến tới tuần tra tự do hàng hải, tăng cường hợp tác hàng hải với các nước để đối phó với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới