Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) là quyền lợi chính đáng và hợp pháp của tất cả các nước. Thời gian gần đây, bất chấp các tuyên bố chủ quyền phi pháp và hoạt động ngăn cản của Trung Quốc, Mỹ vẫn liên tục tiến hành các chuyến bay tuần tra, diễn tập trên Biển Đông ngay trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng, bồi lấp trái phép.
Máy bay B-52 của Mỹ tuần tra, diễn tập ở Biển Đông. Nguồn: AP
Từ đầu năm 2018 đến nay, Mỹ đã liên tục điều máy bay B-52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới tuần tra, diễn tập ở Biển Đông, thậm chí bay vào phạm vi 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Ngày 27/4, Không quân Mỹ cho biết các máy bay ném bom B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, sau đó bay tới gần Biển Đông. “Phi đội B-52H tiến hành nhiệm vụ đào tạo trước khi được triển khai tới vùng lân cận đảo Okinawa để diễn tập cùng với các chiến đấu cơ F-15C Strike Eagle”, Không quân Mỹ xác nhận với Reuters. Sứ mệnh hiện diện liên tục của máy bay ném bom Mỹ (CBP) nhằm duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ. Các chuyến bay này diễn ra thường lệ, song thường xuyên vấp phải phản ứng tức giận từ Bắc Kinh. Vào tháng 6/2018, Mỹ tiếp tục điều 02 máy bay ném bom B-52 bay cách các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 30km. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những máy bay đồn trú ở Guam và tham gia “nhiệm vụ huấn luyện thường nhật”, bay từ căn cứ không quân Andersen đến cơ sở hỗ trợ hải quân của Mỹ ở Diego Garcia, vùng lãnh thổ của Anh trên Ấn Độ Dương. Chiến dịch này là một phần trong sứ mệnh “hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhằm “duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ”. Ông khẳng định, sứ mệnh này được triển khai từ tháng 3/2004 và luôn tuân thủ luật pháp quốc tế. Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích đích danh Trung Quốc về hành động quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh “hăm dọa và áp bức” các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định Mỹ không có kế hoạch rời khỏi khu vực này.
Chỉ tính riêng trong tháng 8, Mỹ đã 04 lần triển khai máy bay tới Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngày 03/8, Mỹ triển khai các máy bay B-52 thực hiện những chuyến bay diễn tập và huấn luyện ở Biển Đông trong không phận hợp pháp theo các quy định quốc tế, theo tuyên bố của Các lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ. Thông cáo báo chí của Chính phủ Mỹ cũng cho biết, các máy bay B-52 cất cánh từ Căn cứ Không Quân Barksdale, bang Louisiana để tới Biển Đông. Sau khi kết thúc sứ mệnh huấn luyện, các máy bay này sẽ trở lại Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam. Các chuyến bay được thực hiện trong tháng này trên vùng biển tranh chấp, một phần trong nhiệm vụ duy trì sự hiện diện máy bay ném bom chiến lược Mỹ trên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (CBP). Cụ thể, ngày 01/8, Mỹ điều 02 chiếc B-52H thuộc Phi đội ném bom viễn chinh 96 tham gia đợt diễn tập chống tàu ngầm cùng với máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8 Poseidon trên khu vực biển Hoa Đông, theo Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF). “Mục đích cuối cùng là tăng cường sự sẵn sàng của chúng tôi để phục vụ như một lực lượng ngăn chặn đáng tin cậy và duy trì sự hiện diện trong khu vực”, thiếu tá John Radtke, người lập kế hoạch nhiệm vụ của phi đội, cho biết trong một tuyên bố.
Ngày 27/8, hai chiếc B-52H khác đã thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. Người ta không thể xác định B-52 có bay qua khu vực gần các thực thể mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông hay không, vì PACAF từ chối cung cấp chi tiết nhiệm vụ. Lịch trình chuyến bay, ban đầu được phát hiện bởi Aircraft Spots, một trang web theo dõi máy bay quân sự trực tuyến. Theo dữ liệu mới nhất của Aircraft Spots, 02 chiếc B-52H đã tiến hành nhiệm vụ bay tuần tra Biển Đông vào ngày 30/8. Điều đó có nghĩa là máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã hoạt động trên khu vực tranh chấp 02 lần trong tuần qua. Đại diện PACAF đã xác nhận với Business Insider về chuyến bay hôm 30/8. Trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc của Mỹ lưu ý rằng không quân Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phát triển lực lượng và năng lực tấn công tầm xa. Máy bay ném bom Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương và thường xuyên tập luyện cho các kịch bản tấn công Mỹ. “Trong vòng 3 năm qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát triển nhanh đến chóng mặt phạm vi hoạt động của máy bay ném bom trên biển, thu thập kinh nghiệm tại nhiều khu vực hàng hải quan trọng, và rất có thể đã diễn tập đánh bom các mục tiêu Mỹ và đồng minh”, báo cáo cho biết.
Gần đây nhất (26/9), Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, các máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã tiến hành các chiến dịch quá cảnh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn cho biết, tối 25/9, các máy bay ném bom hạng nặng B-52 “đã tham gia chiến dịch phối hợp, trong lịch trình thường lệ ở Biển Hoa Đông”. Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cho hay, máy bay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã được các chiến đấu cơ Nhật Bản hộ tống và chuyến bay này là một phần trong “sự hiện diện máy bay ném bom liên tục” của Lầu Năm Góc trong khu vực. Ông Eastburn cho biết thêm, trước đó trong tuần, các máy bay B-52 đã bay qua “không phận quốc tế trên Biển Đông”. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết, ông không hề lo ngại việc các chuyến bay quá cảnh của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Phát biểu với báo giới ở Lầu Năm Góc, ông Mattis nói: “Nếu cách đây 20 năm và họ không quân sự hóa các thực thể tại đây, thì sẽ vẫn là một máy bay ném bom khác trên đường tới Diego Garcia hoặc bất cứ đâu. Do đó, không có gì bất thường trong vấn đề này, cũng như việc tàu đi ngang qua khu vực này cũng là bình thường”.
Trước các động thái trên của Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “không một tàu hay máy bay quân sự nào có thể khiến Trung Quốc lung lạc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ”. Trong khi báo chí, truyền thông Trung Quốc ra sức chỉ trích việc Mỹ điều máy bay đến Biển Đông và biển Hoa Đông; cho rằng “Mỹ đang nỗ lực gia tăng sức ép trong vấn đề thương mại với Trung Quốc bằng việc triển khai các máy báy ném bom B-52 tới Biển Đông”. Tuy nhiên, điều đó không thể làm thay đổi thực tế rằng máy bay Mỹ vẫn đang hoạt động bình thường ở Biển Đông. Hôm 27/9, Trung Quốc chỉ trích Mỹ về việc điều máy bay ném bom B-52 bay gần khu vực Biển Đông và yêu cầu Mỹ phải cải thiện các quan hệ quân sự trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước. Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tuyên bố Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động quân sự có tính khiêu khích của Mỹ ở Biển Đông.