Tuesday, January 7, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 19/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 19/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 19/10/2018.

Cuộc họp lần thứ ba Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc – Philippines về Biển Đông

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin, ngày 18/10, tại Bắc Kinh đã diễn ra cuộc họp lần thứ ba Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc – Philippines về vấn đề Biển Đông. Trưởng đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Khổng Huyễn Hựu, Trưởng đoàn Philippines là Thứ trưởng Ngoại giao về Chính sách Enrique A. Manalo. Hai bên đã trao đổi về các vấn đề hiện tại và các nội dung cùng quan tâm, tái khẳng định cam kết của hai bên về hợp tác và tiếp tục tìm kiếm biện pháp tăng cường tin cậy lẫn nhau.

Tại cuộc họp, hai bên nhấn mạnh các vấn đề trên biển còn đang tranh chấp không phải là tổng thể mối quan hệ Trung Quốc – Philippines. Hai bên cho rằng việc quản lý hợp lý các tranh chấp ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực, khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tự do thương mại và các biện pháp sử dụng biển hòa bình khác, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, thực hiện tự kiềm chế, tuân thủ các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Hai bên cũng ghi nhận tầm quan trọng của các diễn đàn đa phương, gồm có Đối thoại Trung Quốc – ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Đông Á (EAS), trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên nhắc lại cam kết về việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác để sớm đạt đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Philippines cũng trao đổi quan điểm về các biện pháp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, ví dụ như những diễn biến gần đây ở Biển Đông mang ý nghĩa chính trị, an ninh; vấn đề tìm kiếm và cứu nạn trên biển, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, nghề cá. Với lưu ý không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, hai bên cũng thảo luận về khả năng hợp tác cùng khai thác và phát triển dầu khí. Hai bên nhất trí cuộc họp lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương sẽ được tổ chức vào đầu năm 2019 tại Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhưng không đạt được thỏa thuận mới nào

Ngày 18/10, hãng AP đưa tin, trong chuyến công du Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã cuộc gặp kéo dài 90 phút với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa. Theo Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Châu Á – Thái Bình Dương, cuộc gặp được Bộ trưởng Mattis mô tả là “đơn giản và thẳng thắn”, khẳng định các cuộc gặp cấp cao trong bối cảnh căng thẳng là rất có giá trị. Ông Schriver cho biết cuộc gặp đã trao đổi về nhiều vấn đề nhưng tập trung chủ yếu vào vấn đề Biển Đông mà Washington cho rằng các hoạt động quân sự của Trung Quốc là vô trách nhiệm, trong khi Bắc Kinh phàn nàn về sự hiện diện không phù hợp của quân đội Mỹ tại đây. Tuy nhiên, hai bên không đưa ra được thỏa thuận mới nào. Ông Schriver cho biết “đây là vấn đề chúng tôi sẽ tiếp tục có những khác biệt và phải thảo luận về nó”.

Ai đang tạo sóng ở Biển Đông?

Ngày 19/10, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng bài bình luận “Ai đang tạo sóng ở Biển Đông?”. Bài viết đề cập đến vụ việc vừa qua tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu USS Decatur của Mỹ tại Biển Đông khiến tàu Mỹ phải nhanh chóng đổi hướng để tránh va chạm. Bài viết cho rằng việc mô tả sự việc như vậy là cách làm đổi trắng thay đen vì phía Mỹ không nhắc đến chi tiết vị trí xảy ra vụ việc là trong phạm vi 12 hải lý “lãnh thổ của Trung Quốc”, cách bờ biển gần nhất của Mỹ đến 7.500 hải lý. Bài viết cho rằng, trong những năm gần đây, Mỹ đã sử dụng nhiều mánh khóe trong vấn đề Biển Đông, nhưng có thể chia thành 3 loại: (i) phô trương sức mạnh và tạo căng thẳng dưới vỏ bọc “hoạt động tự do hàng hải”; (ii) thêu dệt tin đồn và đánh lừa thế giới bằng sức mạnh thống trị của mình để xoay chuyển dư luận quốc tế; (iii) chọc ngoáy vào các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông và tạo áp lực buộc các bên lựa chọn phe phái.

Bài viết cho rằng từ tháng 5/2017 đến nay, ít nhất 11 tàu chiến của Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý các đảo của Trung Quốc nhằm bảo đảm tự do qua lại ở Biển Đông; tuy nhiên, từ lâu nay, có khoảng 100.000 tàu đã đi qua Biển Đông mà không gặp phải vấn đề gì về tự do qua lại; Mỹ không phải một bên ký kết mà lại lấy danh nghĩa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để biện minh. Bên cạnh đó, theo bài viết, Mỹ cho rằng quân sự hóa không phải là việc Washington triển khai các tàu chiến và máy bay ném bom đến Biển Đông, mà là việc Trung Quốc xây dựng hợp pháp các căn cứ quốc phòng trên chính lãnh thổ của Trung Quốc. Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ trước thực tế Trung Quốc đang tiến hành xây dựng hòa bình trên lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Bài viết buộc tội Mỹ đã lợi dụng vấn đề Biển Đông để điều khiển các nước trong khu vực chống đối lẫn nhau, ví dụ như Mỹ đã can thiệp vào các cuộc bầu cử và các vấn đề nội bộ của một số nước Đông Nam Á, và quyết định của Mỹ có can thiệp hay không phụ thuộc vào quan điểm đối với Trung Quốc và lập trường về vấn đề Biển Đông của nước đó.

Bài viết đưa ra kết luận, cho rằng Trung Quốc và các nước liên quan trong khu vực đã nỗ lực hiệu quả để củng cố sự ổn định ở Biển Đông và thể hiện thái độ tích cực trong việc giải quyết vấn đề lịch sử một cách hòa bình. Quyết tâm của các nước này nhằm đưa Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác là cách phòng vệ tốt nhất để chống lại những người cố gắng tạo sóng gió ở đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới