Tất nhiên Mỹ vẫn có những vấn đề của riêng mình, nhưng Trung Quốc vẫn khó có cơ hội thắng được Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới, tác giả Harry J. Kazianis khẳng định.
Ảnh: CNN.
Nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” kiểu mới
Kể từ đầu thập niên 1990, các nhà khoa học chính trị và lịch sử học trên toàn thế giới đã bắt đầu dự đoán về các kịch bản “Chiến tranh Lạnh” tiềm tàng giữa hai “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc.
Và mặc dù giữa hai nước này đã từng trải qua những xung đột không nhỏ, nhưng thương mại luôn là chiếc “phao cứu sinh” cứu vãn mối quan hệ song phương ấy và ngăn những thảm họa khôn lường xảy ra.
Nhưng chiếc phao cứu sinh ấy không còn hiệu nghiệm nữa, kể từ khi cuộc xung đột thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng nổ ra hồi đầu năm nay.
Chuyện xảy ra không phải là điều gì đáng sửng sốt hay kinh ngạc. Chất “hồ kết dính” từ thập niên 70 trong mối quan hệ của Washington và Bắc Kinh đã biến mất từ 1/4 thế kỷ trước.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ còn có mối quan tâm khác quan trọng hơn sau khi nhiều biến cố diễn ra như vụ khủng bố 11/9, hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 khiến Mỹ phải mất rất nhiều năm để phục hồi.
Trung Quốc cũng vậy. Cho đến thập kỷ trước, Bắc Kinh vẫn chủ trương “giấu mình, chờ thời”, và đặt ưu tiên tập trung tăng cường tiềm lực kinh tế – quân sự để có thể chống chọi lại những mối đe dọa từ Washington.
Và “thời cơ” đã đến. Điều này thể hiện qua những động thái gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như tăng cường quân sự hóa và xây dựng đảo trái phép trên các vùng biển lân cận, xây dựng lực lượng quân đội tầm cỡ thế giới có khả năng ngăn chặn và đánh bại quân đội Mỹ, lấy cắp sở hữu trí tuệ và chi hàng tỉ USD cho nghiên cứu quốc phòng…
Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh dường như không chỉ muốn thống lĩnh tại châu Á và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, mà còn muốn thay thế vị trí cường quốc số 1 của Mỹ trên trường thế giới.
Tất cả những điều trên cho thấy thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới, được dự đoán là sẽ tái định hình trật tự thế giới trong tương lai. Rất nhiều nhà phân tích và học giả cũng đã dự đoán và lo lắng về kịch bản này. Vậy, giữa Mỹ và Trung Quốc, nước nào sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến ấy?
Bắc Kinh sẽ thua cuộc
Nếu xét tổng thể sức mạnh của một quốc gia, thì Trung Quốc vẫn nên tránh các cuộc xung đột địa chính trị kéo dài, cho dù nước này sở hữu một nền kinh tế khổng lồ và tiềm lực quân sự tân tiến, mạnh mẽ. Bắc Kinh chắc chắn sẽ thua cuộc vì những lí do sau đây:
Thứ nhất, việc thắng hay bại trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố đồng minh. Thật không may, Trung Quốc chỉ có Triều Tiên là đồng minh quân sự.
Trái lại, mạng lưới liên minh của Mỹ trên toàn cầu lại rất rộng lớn; không chỉ mỗi NATO, Mỹ còn có các đồng minh thân thiết tại châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc và Nhật Bản – hai quốc gia thuộc top đầu thế giới về sức mạnh kinh tế và quân sự. Hơn nữa, Mỹ cũng sở hữu nhiều căn cứ quân sự tại châu Á và trên toàn thế giới.
Do đó, có thể nói rằng “độ phủ” về các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự của Mỹ là “không có đối thủ”.
Thứ hai, cho dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhưng Mỹ vẫn có lợi thế lớn hơn về các hoạt động huấn luyện và khả năng chiến đấu của quân đội.
Quân đội Trung Quốc chưa từng tham chiến trên thực địa trong một thời gian khá dài kể từ sau năm 1979. Trái lại, Mỹ đã tham gia nhiều cuộc xung đột quân sự từ sau vụ khủng bố 11/9.
Lí do thứ ba là kinh tế. Nếu xét về triển vọng phát triển kinh tế, thì Mỹ vẫn “trên cơ” Trung Quốc về nhiều mặt và có nền tảng vững mạnh hơn.
Một số ý kiến có thể cho rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng vượt mặt Mỹ trong 10 năm, nếu xét theo GDP, nhưng nhiều nhà kinh tế học phản biện rằng điều đó là “viễn tưởng”. Thậm chí có chuyên gia còn khẳng định rằng Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức 1%.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đang phải đối mặt với một “núi nợ công” khổng lồ, trong khi phải chịu nhiều sức ép lớn từ phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Lí do cuối cùng, và cũng không kém phần quan trọng, là vấn đề dân số. Trung Quốc đang phải đối mặt với tác dụng ngược của chính sách một con được áp dụng trong nhiều năm nay, ban đầu vốn được triển khai để kiểm soát tốc độ gia tăng dân số chóng mặt.
Năm ngoái, Trung Quốc có 241 triệu dân số già. Ước tính đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 487 triệu người, tương đương gần 35% tổng dân số nước này.
Tất cả những lí do kể trên mới chỉ ở mức bề mặt. Mỹ có lợi thế lớn trong các thị trường năng lượng, các thương hiệu phủ sóng toàn cầu, và sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhân tài trên thế giới – rõ ràng Trung Quốc khó có thể so bì với Mỹ về lâu dài.
Tất nhiên Mỹ vẫn có những vấn đề của riêng mình – như khoản nợ công và sự chia rẽ trong chính trường – tuy nhiên Bắc Kinh đừng mong thắng Washington dễ dàng. Trung Quốc nên nhìn lại bài học xương máu của Liên Xô trước đây để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho mình.