Thursday, November 14, 2024
Trang chủBiển nóngChuyên gia quốc tế: Mỹ muốn các nước liên quan ủng hộ...

Chuyên gia quốc tế: Mỹ muốn các nước liên quan ủng hộ trong căng thẳng ở Biển Đông

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), sau vụ tàu chiến Trung Quốc đối đầu với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, các nhà phân tích nói thông điệp của Mỹ là các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc nên chọn theo Mỹ hoặc Trung Quốc.

Tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ tuần tra trên Biển Đông hồi tháng 10/2016. Ảnh: Getty.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) các nhà phân tích cho rằng vào lúc Mỹ đang quyết đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung theo hướng đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh, các nước Đông Nam Á sẽ ở thế khó xử giữa hai thế lực quân sự Mỹ – Trung..

Các nhà quan sát Mỹ – Trung nói sức ép tức thời này có thể đến dưới dạng Mỹ kỳ vọng các nước này phải có quan điểm cứng rắn phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Biển Đông phi lý, như là cách đồng minh Anh, Pháp, Úc và Nhật Bản đang thách đố Trung Quốc khi cùng Mỹ tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông.

Hãng tin CNN hôm 4.10 đưa tin từ tháng 11 tới, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ triển khai kế hoạch tổ chức nhiều cuộc tập trận trên Biển Đông và Eo biển Đài Loan, điều chắc chắn sẽ làm nóng tình hình.

Ngoài Biển Đông, Mỹ từ lâu phản đối Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku của Nhật nhưng Trung Quốc đặt tên là quần đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Nhà quan sát Trung Quốc Ryan Hass ở Viện Brookings (Mỹ) nói những tuyên bố chỉ trích Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 4.10 “chính nhằm vận động quốc tế đứng sau Mỹ đối đầu với mối đe dọa đến từTrung Quốc”.

Ông Pence đã đề cập các nỗ lực “hiểm ác” của Bắc Kinh nhằm phá Tổng thống Mỹ Donald Trump, can thiệp bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ (tổ chức ngày 4.11 tới), hạn chế công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và “phô trương sức mạnh quân sự hung hăng”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi tuyên bố của ông Pence là vu khống.

Nhà quan sát chính sách ngoại giao Ian Storey nói Biển Đông có thể sẽ là “đấu trường chính” của hai thế lực, nếu quan hệ căng thẳng Mỹ – Trung không được kéo hạ: “Khi căng thẳng gia tăng, nguy cơ xung đột trên Biển Đông là rất lớn”.

Ngày 30.9, khu trục hạm Decatur mang tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke đã có cuộc tuần tra FONOP dài 10 giờ trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Khu trục hạm Lan Châu lớp Lữ Dương của hải quân Trung Quốc liền tiến đến, chỉ cách chiếc Decatur 41 mét, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Người phát ngôn Nate Christensen của Hạm đội Thái Bình Dương gọi đó là một cách tiếp cận “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” của hải quân Trung Quốc.

Ngày 2.10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã cử một tàu chiến ngăn và cảnh báo chiếc Decatur phải rời đi. Bộ khẳng định Trung Quốc “có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể chối cãi” trên các đảo và vùng nước quanh các đảo này.

Trung Quốc cũng tuyên bố có quyền xây dựng cơ sở “phòng vệ” tại khu vực để mở rộng tuyến phòng thủ xa khỏi bờ biển Trung Quốc và bảo vệ tuyến cung ứng dầu về Trung Quốc.

Mỹ không đòi chủ quyền trên Biển Đông, nhưng cáo buộc Trung Quốc xây “pháo đài nổi” trên các đảo nhân tạo trái phép. Từ năm 2015, tàu chiến Mỹ liên tục thực hiện tuần tra FONOP trên Biển Đông nhằm khẳng định quan điểm của Mỹ, khu vực này là hải phận quốc tế, không là lãnh thổ có chủ quyền của bất kỳ nước nào.

Các nhà quan sát khác nói Biển Đông có nhiều khả năng trở thành “đấu trường” lớn của quan hệ căng thẳng Mỹ – Trung, khi Mỹ vận động đồng minh và các nước bạn cố gắng thách đố Bắc Kinh, đặc biệt là thực hiện tuần tra FONOP.

Hải quân hoàng gia Anh đã đáp lời kêu gọi của Mỹ, cử tàu chiến Albion đến Biển Đông hồi tháng 8 tuần tra FONOP, khiến Bắc Kinh phản đối lập tức, cáo buộc Anh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.

Nhà quan sát chính sách đối ngoại Aaron Connelly thuộc Viện nghiên cứu Lowy (ở Úc) nói các nước đáp lời kêu gọi của Mỹ có thể bị Trung Quốc trả đũa: “Các nhà ngoại giao của họ đã nói với các đồng nghiệp Úc rằng nếu Úc tham gia FONOP thì sẽ có hậu quả cho quan hệ Úc – Trung, nên chúng tôi biết đôi lúc các hoạt động FONOP của đồng minh bị radar của họ theo dõi”.

Ông Gregory Poling, chủ nhiệm Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) nói sự can thiệp của các nước ngoài – nhất là Anh có lẽ là lý do Trung Quốc tỏ thái độ “cứng rắn và liều lĩnh” phản đối hoạt động FONOP của chiếc Decatur.

Cùng lúc, câu hỏi lớn là liệu các đối tác khu vực của Mỹ sẽ sớm tham gia “vũ điệu địa – chính trị” hiện do Mỹ – Trung chủ đạo hay không?

Ông Bill Hayton, một chuyên gia Anh về Biển Đông nói rằng điều bất ngờ trong diễn văn của Phó Tổng thống Mỹ là thiếu các chi tiết rõ ràng, trong việc Mỹ kỳ vọng “các đồng minh, đối tác và nước bạn” tham gia chiến lược phản đối Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.

Thay vào đó, ông Pence nhấn mạnh việc Mỹ dự tính thực hiện cho nhóm đồng minh, đối tác và nước bạn: lập thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ với Nhật Bản và với Hàn Quốc; lập một chương trình hỗ trợ tài chính để làm đối trọng với dự án Vành Đai và Con Đường (BRI) của Trung Quốc, cùng với việc mở một loạt chương trình để ủng hộ khối “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do”, khi Mỹ sẽ dự các hội nghị khu vực vào tháng 11 tới ở Singapore và Papua New Guinea.

RELATED ARTICLES

Tin mới