Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngĐiểm lại các hoạt động của Mỹ tại Biển Đông từ năm...

Điểm lại các hoạt động của Mỹ tại Biển Đông từ năm 2017 đến nay

Từ năm 2017 đến nay, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự hóa đơn phương, hành động lấn lướt ở Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại, Mỹ đã tích cực thực hiện các chiến dịch “tự do hàng hải” xung quanh các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng nhằm thể hiện cam kết và hiện diện của Mỹ ở khu vực.

Mỹ thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải” ở Biển Đông. Nguồn: Reuters

1.Ngày 24/5/2017, Mỹ đã triển khai tàu khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Dewey (DDG-105) đã áp sát bãi Vành khăn ở quần đảo Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo. đây là lần đầu tiên Mỹ điều một khu trục hạm áp sát một đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Hay hồi tháng 7/2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” bao trùm hầu khắp Biển Đông hết sức phi lý của Trung Quốc. Trước đó, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trên đó rất nhiều công trình quân sự và bày tỏ lo ngại điều này sẽ cản trở quyền tự do đi lại của tàu thuyền các nước trong vùng biển quốc tế. Lần cuối cùng Mỹ điều tàu khu trục áp sát các đảo nhân tạo nói trên đã diễn ra vào tháng 10/2016, điều này khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực không khỏi lo ngại về việc Chính phủ mới tại Mỹ có thể không còn “mặn mà” với việc tiến hành các chiến dịch bảo đảm “quyền tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông như dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama nữa. Tư lệnh Quân đội Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris tuyên bố Mỹ sẽ sớm tiến hành các chiến dịch bảo đảm “quyền tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông. Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ khiêu khích và trao công hàm “phản đối mạnh mẽ” việc khu trục hạm USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn đã bị nước này bồi lấp, xây thành đảo nhân tạo phi pháp, đồng thời phản đối các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực. Trước đó, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, Hải quân Mỹ đã tiến hành một vài chiến dịch bảo đảm “quyền tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông. Những chiến dịch này của Mỹ đều vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Trung Quốc. Trước đó, ngày 18/2/2017, Hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay USS Carl Vinson cùng với đội bay Carrier Air Wing (CVW) số 2 và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã bắt đầu “hoạt động tuần tra thường kỳ tại khu vực Biển Đông”.

2. Ngày 02/7/2017, Mỹ triển khai tàu khu trục tên lửa USS Stethem (DDG-63) áp sát đảo Tri Tôn thuộc khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Tàu khu trục DDG-63 hiện trú đóng ở một căn cứ tại Nhật Bản, trong khi di chuyển trong vùng 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn đã bị một tàu chiến Trung Quốc bám đuổi theo nhưng không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Tri Tôn là đảo gần với bờ biển Việt Nam nhất trong số các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đảo nằm cách mũi Ba Làng An thuộc đất liền Việt Nam 135 hải lý (250 km) và cách đảo Lý Sơn 123 hải lý (228 km). Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ (12/2017) đã công bố nhiều thông tin và hình ảnh mới cho thấy trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tập trung chú ý vào bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã tiếp tục âm thầm xây dựng cơ sở phi pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Theo hình ảnh chụp từ vệ tinh, nhiều trạm radar, kho đạn dược dưới lòng đất, cơ sở liên lạc, tòa nhà hành chính… đã xuất hiện trên các đá Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn (thuộc Trường Sa) và 3 đảo Cây, Tri Tôn và Bắc (Hoàng Sa). Trong đó, tổng diện tích công trình phi pháp trên đá Chữ Thập lên tới 11 ha với nhà chứa máy bay, công trình ngầm có thể trữ đạn dược, trạm radar tần số cao, nhà chứa tên lửa…

3. Ngày 10/8/2017, Mỹ triển khai tàu khu trục John S.McCain đã tiến hành “hoạt động tự do hàng hải” trên Biển Đông, đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp trái phép.Tàu USS John S. McCain chở theo 280 sĩ quan và thủy thủ, do trung tá Alfredo J. Sanchez hạm trưởng và đại tá gốc Việt Lê Bá Hùng chỉ huy Biên đội tàu khu trục số 7, Hạm đội Thái Bình Dương. Đây cũng là chiến hạm thường được Mỹ bố trí để tuần tra tại biển Đông nhằm bảo đảm giao thông tự do hàng hải tại khu vực biển quan trọng này. Chiến hạm USS John S. McCain được hạ thủy từ tháng 9/1992, đưa vào sử dụng từ 7/1994, lượng giãn nước tác chiến tối đa của khu trục hạm này là 8.700 tấn, với tốc độ trung bình 20 hải lý/giờ, tàu có thể hoạt động trong bán kính 8.150 km. Khu trục hạm USS John S.McCain sử dụng 4 động cơ công suất lớn cho phép tàu đạt vận tốc 56km/h. Tàu được trang bị các hệ thống ống phóng tên lửa MK-41 với 64 ống phóng tên lửa đứng cho phép có thể phóng các loại tên lửa như: Tomahawk, tên lửa hành trình đối đất tầm xa BGM-109, Tomahawk có tầm bắn lên tới hàng nghìn cây số, bay vào sâu trong lãnh thổ đối phương để hủy diệt; tên lửa phòng không RIM-66, RIM 156 và tên lửa chống ngầm RUM-139. Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ vi phạm luật quốc tế, luật Trung Quốc và “làm phương hại nghiêm trọng đến chủ quyền cũng như an ninh của Bắc Kinh”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, quân đội của họ “đã ngay lập tức phái các tàu chiến đến khu vực để xác nhận danh tính của tàu Mỹ và cảnh báo tàu Mỹ tránh xa khu vực”. Bắc Kinh tiếp tục kêu gọi Washington “tôn trọng nỗ lực chung của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông”.

4. Ngày 10/10/2017, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Chafee tiến thẳng vào bên trong đường cơ sở thẳng của Trung Quốc đơn phương áp đặt tại quần đảo Hoàng Sa từ năm 1996. Hoạt động này là một phần của nỗ lực lâu dài để Washington chống lại các yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh. Mỹ không công nhận các yêu sách này (đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa hay vùng đặc quyền kinh tế cho bất kỳ cấu trúc nào trong quần đảo này) và xem khu vực này là vùng biển quốc tế. Trung Quốc đã tự ý vẽ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải theo phương pháp đường cơ sở thẳng chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo như Indonesia, Philippines theo Điều 47 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều này hoàn toàn bất hợp pháp, bởi lẽ Hoàng Sa hay Trường Sa đều không phải quốc gia quần đảo. Tất cả các thực thể ở Hoàng Sa hay Trường Sa đều không có thực thể nào đủ tiêu chuẩn của một đảo theo quy định trong Điều 121 UNCLOS để hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý vì chúng không thích hợp cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng.

5. Ngày 06/01/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tới Tây Thái Bình Dương. Trong hành trình của mình, nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã thăm hữu nghị Việt Nam. Chuyến thăm được thực hiện theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Mỹ và Việt Nam đã được nêu trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017, nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ 2 nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực. Trước đó, tháng 12/2017, Mỹ cũng đã triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa.

6. Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn mà Philippines gọi là Scarborough). Bãi cạn Scarborough là một đảo san hô gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Nhiều thập kỷ qua, bãi cạn Scarborough là “vườn địa đàng” đối với ngư dân Philippines. Không chỉ là một ngư trường dồi dào, vùng đầm phá ở bãi cạn giúp các ngư dân tránh những cơn bão dữ trên Thái Bình Dương. Năm 2012, Trung Quốc dùng sức mạnh để chiếm đóng bất hợp pháp bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh cử tàu tuần duyên canh gác nghiêm ngặt ở Scarborough, vừa chặn các tàu cá Philippines, vừa tạo điều kiện để ngư dân Trung Quốc khai thác tài nguyên. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý. Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”.

7. Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một loạt đảo ở Biển Đông. Đây được coi là một trong những tuần dương hạm mạnh nhất thế giới với sự công thủ toàn diện. Tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ có chiều dài 173m; rộng 16,8m; lượng giãn nước đầy tải 9.800 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ turbin khí General Electric LM2500 giúp đạt tốc độ tối đa 33,2 hải lý/giờ, tầm hoạt động 3.300 hải lý, vỏ tàu được trang bị lớp giáp Kevlar tại một số vị trí quan trọng. Theo Reuters, việc các tàu chiến Mỹ áp sát các đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm phản đối Trung Quốc hạn chế quyền tự do đi lại ở khu vực mang ý nghĩa chiến lược này. Với Mỹ, các hoạt động tuần tra hàng hải tự do cũng là biện pháp nhằm đối phó việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan chỉ trích việc “Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và mất ổn định khu vực”. Điều này đã khiến Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia (RIMPAC) 2018. Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng gọi hành động của Mỹ là “bất hợp pháp” khi đưa chiến hạm áp sát các đảo Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

8. Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. Đây là lần thứ 3 các hàng không mẫu hạm của Mỹ hiện diện ở khu vực này kể từ tháng 2/2018. iệc Mỹ điều hàng không mẫu hạm nguyên tử tới Biển Đông tuần tra diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có chuyến thăm Bắc Kinh để thảo luận về mối quan hệ an ninh – quốc phòng giữa hai nước, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tháng 11/2017, tàu sân bay USS Ronald Regan cũng đã thăm vịnh Manila và lần quay lại này nằm trong sứ mạng của Washington muốn tái cam kết với các nước ở khu vực. Chỉ huy tàu USS Ronald Reagan, Thiếu tướng Marc Dalton, nói với các phóng viên tháp tùng trên tàu rằng cuộc thăm viếng khu vực của mẫu hạm chứng minh sự cam kết gắn bó của Mỹ với khu vực. “Những nước nào quan ngại về các cam kết của Mỹ có thể theo dõi sự hiện diện liên tục của nhóm tác chiến tàu sân bay, bao gồm cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, như là sự bảo đảm. Lực lượng hải quân chúng tôi đã hoạt động trên biển Thái Bình Dương 7 thập niên qua và đó là sự hiện diện kéo dài, cũng như sứ mạng vẫn còn kéo dài sẽ không thay đổi”, ông Marc Dalton cho biết.

Trước các hoạt động của Mỹ và các nước ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và đề nghị các quốc gia đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông”, bà Hằng cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới