Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐối sách của TQ trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông và...

Đối sách của TQ trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông và biện pháp đáp trả của cộng đồng quốc tế

Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực Biển Đông xuất hiện xu thế ngày càng xấu đi và biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền trở nên bế tắc, giới truyền thông Trung Quốc đã đề xuất “một số giải pháp” giúp Chính phủ Trung Quốc đối phó với những diễn biến mới trên Biển Đông. Tuy nhiên, những đề xuất này cũng chỉ mang tính chất phiến diện, không góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực mà chỉ khiến căng thẳng leo thang.

Đối sách của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông

Một số hãng truyền thông Trung Quốc dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc nhận định tình hình an ninh khu vực Biển Đông xuất hiện xu thế ngày càng xấu đi. Điều này không chỉ do một số nước Đông Nam Á tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Indonesia tăng cường sức mạnh hải quân và không quân, mà quan trọng hơn là do Việt Nam mưu cầu quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, lôi kéo các nước ASEAN tham gia đàm phán với Trung Quốc và Mỹ đang từng bước công khai hóa chính sách can dự vào tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông. Theo các nhà phân tích Trung Quốc, trong ba nguyên nhân này, nguyên nhân các nước ven Biển Đông tăng cường sức mạnh quân sự hướng ra biển không đáng lo ngại. Bởi vì, bất kể nhìn từ phương diện nào (trang bị vũ khí hay năng lực tác chiến), sức mạnh quân sự của các nước này cho dù được tăng cường ở mức độ lớn, cũng không thể sánh với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề Việt Nam thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông và sự can dự ngày càng công khai của Mỹ vào vấn đề này sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức thực sự.

Để ngăn chặn chiến lược của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, giới chuyên gia phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần: (1) Đối với ý đồ của Việt Nam thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc một mặt có thể tiếp tục áp dụng biện pháp gây sức ép thích hợp để các nước ASEAN bác bỏ sách lược của Việt Nam. Mấu chốt để Trung Quốc áp dụng biện pháp này chính là Campuchia và Myanmar, hai nước cơ bản không có lợi ích tại Biển Đông và rõ ràng Việt Nam khó thuyết phục hai nước này đứng về phía mình để đàm phán với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Ngoài ra, Campuchia và Myanmar là hai nước có quan hệ thực tế nhất với Trung Quốc trong số các nước ASEAN, cũng là hai nước mà Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều nhất. Không những vây, Trung Quốc có thể tiếp tục sử dụng lợi ích kinh tế làm “mồi nhử” để kéo Campuchia và Myanmar về phía mình. Trong từng trường hợp cụ thể, có thể cùng với các nước này đạt được các thảo thuận song phương trên phương diện kinh tế, bao gồm cả viện trợ kinh tế không hoàn lại, để gắn lợi ích kinh tế của Campuchia và Myanmar với Trung Quốc. Từ đó, tranh thủ sự ủng hộ của hai nước này trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông vốn không liên quan đến họ. (2) Trung Quốc có thể lợi dụng nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Khi đã thuyết phục, thậm chí “kiểm soát” được Campuchia và Myanmar, Trung Quốc đứng sau hai nước này để “giật dây” phản đối sách lược quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông của Việt Nam. Như vậy, chỉ cần gián tiếp can thiệp, Trung Quốc cũng có thể dễ dàng làm thất bại sách lược lôi kéo các nước ASEAN của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc hiện đã trở thành đối tác mậu dịch lớn nhất của ASEAN, chính vì vậy Trung Quốc có thể lợi dụng những lợi ích kinh tế để tiếp tục gây sức ép, răn đe ASEAN. Tuy nhiên, phương thức này cần phải được áp dụng thận trọng… Bởi vì bản thân Trung Quốc cũng có lợi ích kinh tế rất lớn từ ASEAN. (3) Về giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông, nội bộ Trung Quốc có hai chủ trương chính. Một là tiếp tục áp dụng phương thức đàm phán hòa bình để giải quyết, điều này xuất phát từ tư duy Trung Quốc “hòa bình trỗi dậy”. Hai là phủ nhận, cho rằng kết quả đàm phán hữu quan chỉ khiến Trung Quốc không thể thu hồi được lãnh hải, do vậy cần áp dụng hành động vũ lực để giải quyết. Thế nhưng, các chuyên gia phân tích chiến lược của Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cả hai chủ trương này đều không thể áp dụng đơn độc. Bởi vì, chỉ có Trung Quốc đàm phán hòa bình, còn các nước hữu quan khác vẫn tiếp tục thúc đẩy khai thác tài nguyên Biển Đông. Còn nếu dùng hành động quân sự, chắc chắn Mỹ sẽ can dự với lý do bảo đảm an ninh khu vực. Một khi Mỹ can dự, lập tức Nhật Bản và Australia sẽ theo Mỹ. Nếu như để Mỹ, Nhật Bản và Australia, thậm chí là cả NATO tham gia giao chiến với Trung Quốc, thất bại là kết quả tất yếu đối với Trung Quốc. Cách làm này là nguy hiểm, không thể áp dụng.

Để ngăn chặn Mỹ can dự, giới chuyên gia phân tích Trung Quốc nêu rõ tính phức tạp của vấn đề Biển Đông khi mà Mỹ công khai can dự vào vấn đề này. Theo các chuyên gia phân tích Trung Quốc, để có được biện pháp giải quyết tối ưu, trước hết Trung Quốc cần hiểu rõ: Mỹ sở dĩ gây phiền hà cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, mục đích chủ yếu là kiềm chế Trung Quốc “hòa bình trỗi dậy”. Trên thực tế, biện pháp kiềm chế Trung Quốc của Mỹ không chỉ hạn chế ở vấn đề Biển Đông, mà trong các vấn đề khác như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và thương mại… Vì vậy, Trung Quốc cần triển khai một số biện pháp sau: (1) Chính phủ Trung Quốc cần tiếp tục tuyên truyền để người dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ rằng nếu tranh chấp Biển Đông chỉ hạn chế ở mức song phương và khu vực thì chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” dễ đạt được nhận thức chung. Còn trong bối cảnh có thế lực bên ngoài can thiệp sâu, tranh chấp Biển Đông sẽ chỉ phức tạp thêm chứ không đạt được bất kỳ phương thức giải quyết nào. Cần làm cho các nước ASEAN hữu quan hiểu rằng chính sách can dự sâu của Mỹ vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích của Trung Quốc, mà còn là thảm họa đối với các nước trực tiếp tranh chấp khác. (2) Trung Quốc tiếp tục thông qua kênh trao đổi ngoại giao hoặc trao đổi chuyên ngành với các nước ASEAN để nhấn mạnh rằng lập trường của Philippines trong vấn đề Hoàng Nham (Scarborough), hành động khiêu khích bắt giữ ngư dân Trung Quốc của Indonesia và những hành động mở rộng thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông… đều chỉ khiến tình hình an ninh Biển Đông trở nên xấu hơn. (3) Trung Quốc cũng cần áp dụng biện pháp cực đoan như tìm kiếm các “con bài” có thể mặc cả với Mỹ trong vấn đề Biển Đông. (4) Trung Quốc cần tiếp tục tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông, nâng cao năng lực quốc phòng và khả năng răn đe quân sự nhằm cảnh cáo các nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cũng như cảnh cáo Mỹ và các nước đồng minh khi tìm cách tăng cường hiện diện trong khu vực.

Đáng chú ý, giới quân sự Trung Quốc cũng đề xuất một số biện pháp để đối phó với tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc kiên trì lập trường giải quyết hoà bình song không có nghĩa sẽ mềm tay và càng không phải là sẽ hoàn toàn từ bỏ các biện pháp cứng rắn khác. Giới quân sự Trung Quốc đã đề xuất cần duy trì sự hiện diện ở Biển Đông trên 5 lĩnh vực: (1) Về hành chính; (2) về luật pháp; (3) về quân sự – những nơi có điều kiện đóng quân thì đóng quân, không có điều kiện thì lắp đặt các thiết bị quân sự, không có điều kiện lắp đặt thì cắm biểu tượng chủ quyền hoặc quốc kỳ Trung Quốc; (4) về kinh tế – cần tiến hành khảo sát khoa học, lắp đặt giàn khoan thăm dò khai thác dầu khí, khai thác du lịch ở Biển Đông; (5) về dư luận – báo chí và các mạng xã hội cần thông qua các kênh để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thúc đẩy phát triển lực lượng chấp pháp trên biển, sẵn sàng “đối phó với những tình huống khẩn cấp”.

Biện pháp đáp trả của cộng đồng quốc tế:

Trung Quốc luôn tuyên bố muốn có hòa bình, ổn định và chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình nhưng trên thực tế là ngược lại. Với những đề xuất của giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc như trên cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thôn tính Biển Đông. Trước việc Trung Quốc khiển khai một loạt các biện pháp nhằm chia rẽ, tăng cường quản lý trên thực địa và nâng cao năng lực quốc phòng ở Biển Đông, các nước liên quan cần có biện pháp đáp trả trước hành động trên của Bắc Kinh.

Đầu tiên, các nước ASEAN và Trung Quốc cần sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Để ngăn chặn những hành động đơn phương có thể tạo nên căng thẳng, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam cần trai đổi, phối hợp thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc thảo luận thông qua COC. Trong tham vấn xây dựng COC, các nước cần trao đổi về bản chất của COC, cách tiếp cận xây dựng COC, thời gian hoàn thành và đề cương COC.

Thứ hai, các nước liên quan tranh chấp cần tiếp tục phơi bầy những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông ra công luận quốc tế, góp phần giúp các nước hiểu rõ bản chất tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và những hành vi khiêu khích của Trung Quốc đối với khu vực.

Thứ ba, trong luật pháp Việt Nam có rất nhiều bằng chứng về chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, qua những phương tiện thông tin đại chúng, cần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.

Thứ tư, Mỹ và các nước đồng minh nên áp đặt chế tài đối với các công ty Trung Quốc tham gia bồi đắp đảo và triển khai các máy bay tác chiến điện tử luân phiên đến Philippines để phá sóng lực lượng của Trung Quốc. Trường hợp Trung Quốc triển khai lực lượng ra Đá Vành Khăn mà họ chiếm của Philippines hồi năm 1995 thì Mỹ cần đáp trả bằng việc triển khai binh lực ra các thực thể mà Philippines hiện kiểm soát.

Thứ năm, Mỹ nên tạm dừng cấp thị thực du học cho con em các quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, treo lại chương trình thị thực đầu tư EB-5 cho các công dân Trung Quốc và cho phép các quan chức chạy trốn chiến dịch truy quét tham nhũng mang tên ‘Săn cáo’ của Chính phủ Trung Quốc được trú ẩn ở Mỹ. “Điều này sẽ gây áp lực trực tiếp lên giới lãnh đạo Trung Quốc”.

Thứ sáu, Mỹ nên tính tới là tấn công vào những điều mà Bắc Kinh cho là ‘lợi ích cốt lõi’ của họ – tức là những lợi ích mà Bắc Kinh không thể nào nhượng bộ dù chỉ một chút và sẵn sàng dùng tất cả các biện pháp, kể cả quân sự, để bảo vệ. Tấn công vào các ‘lợi ích cốt lõi’, bao gồm Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng, do đó, sẽ khiến Trung Quốc tổn thương nặng và khiến họ đáp trả quyết liệt. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nên công bố báo cáo về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Tân Cương và nêu ra những lập trường có thể của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền này (riêng về Đài Loan, Mỹ đã có lập trường đối với chính sách ‘Một Trung Quốc’ kể từ Thông cáo Thượng Hải năm 1972 cũng như đạo Luật về Quan hệ với Đài Loan năm 1979) và thiết lập Viện Mỹ ở Dharamsala để nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và chính phủ lưu vong Tây Tạng.

Thứ bay, để đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ và các nước đồng minh cần tăng cường các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP), góp phần khẳng định quyền tự do hàng hải của tàu bè đi lại trên Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cần tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự, nếu cần có thể thiết lập thêm căn cứ thường trực, trên Biển Đông để gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng việc họ đang tìm cách kiểm soát vùng biển và vùng trời Biển Đông “là vô ích”.

Thứ tám, Mỹ nên tích cực tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp với các bên thay vì giữ lập trường trung lập như lâu nay. Ngoài ra, Mỹ cũng cần tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, tìm cách thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc sớm thông qua COC.

Nhìn chung, việc chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc đưa ra những kiến nghị, đề xuất trên là không mới. Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục sử dụng ảnh hưởng kinh tế, quân sự để chia rẽ ASEAN và ngăn chặn Mỹ cùng các nước đồng minh tăng cường hiện diện trong khu vực. Đối với biện pháp đáp trả của cộng đồng quốc tế là tương đối phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, để góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, các nước liên quan cần tiếp tục tăng cường hoạt động giao lưu, tập trận, tuần tra và giám sát ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới