Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiHợp tác hàng hải giữa các nước góp phần duy trì, củng...

Hợp tác hàng hải giữa các nước góp phần duy trì, củng cố hòa bình ổn định ở Biển Đông

Từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam đã đón tiếp một loạt các chuyến thăm hữu nghị của tàu thuyền các nước (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ…). Điều này cho thấy các nước đang tăng cường hợp tác, giao lưu hữu nghị trong lĩnh vực quốc phòng nói chung, hàng hải nói riêng góp phần duy trì, củng cố hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.

Hợp tác hàng hải giữa Việt Nam với các nước phát triển mạnh mẽ

1. Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cho biết tàu Hải quân Ấn Độ INS RANA sẽ thăm bến cảng Nhà Rồng tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 27-30/9/2018, thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng hải quân hai nước cũng như tình hữu nghị song phương bền chặt. Đây là một phần trong hoạt động triển khai các tàu của Hải quân Ấn Độ đến khu vực Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương. Ngoài các hoạt động tương tác nghiệp vụ giữa lực lượng hải quân hai nước, chuyến thăm của tàu Hải quân Ấn Độ INS RANA đến Việt Nam cũng bao gồm các cuộc gặp với các đại diện của Việt Nam. Theo kế hoạch, Hải quân Ấn Độ sẽ thăm và giao lưu thể thao với Hải quân Việt Nam. Người dân địa phương sẽ có cơ hội được đến thăm tàu INS RANA. Hải quân Ấn Độ và Hải quân Việt Nam cũng sẽ tiến hành diễn tập liên lạc và phối hợp chung (PASSEX). Hải quân Ấn Độ đã có các hoạt động kết nối sâu rộng với hải quân Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đào tạo, sửa chữa, bảo trì, hỗ trợ hậu cần nhằm xây dựng năng lực. Đây là chuyến thăm thứ hai của tàu Hải quân Ấn Độ đến Việt Nam trong năm 2018. Trước đó, 3 tàu SAHYADRI, SHAKTI và KAMORTA của Hải quân Ấn Độ đã đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng từ ngày 21-25/5/2018. Các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời đóng góp vào an ninh và ổn định khu vực cũng như trên thế giới.

2. Tàu khu trục Te Mana của Hải Quân Hoàng Gia New Zealand với thùy thủ đoàn gồm 178 người do nữ Trung tá Lisa Hunn dẫn đầu (25-28/9/2018) đã cập cảng Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian 4 ngày lưu lại tại thành phố Hồ Chí Minh, các thủy thủ trên Tàu Khu Trục Te Mana và Hải quân Việt Nam đã tiến hành một số hoạt động chung nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và New Zealand. Tàu Khu Trục Te Mana là một trong hai chiến hạm của New Zealand. Đây là loại tàu chiến cỡ nhỏ với nhiệm vụ chính là giữ gìn an ninh vùng biển New Zealand thông qua các hoạt động tuần tra hàng hải, giám sát, bảo vệ các chuyến tàu công thương. Tàu Khu Trục Te Mana dài 118 mét, độ giãn nước 3600 tấn, tốc độ bình quân 25 hải lý một giờ. Trên tàu có trang bị trực thăng, tên lửa, ngư lôi. Trước đó, vào tháng 6/2017, tàu Khu trục Ta Kaha của New Zealand cũng đã đến thăm Cảng Đà Nẵng.

3.Tàu Hải quân Hoàng gia Canada HMCS Calgary (một trong số 12 tàu hải quân tuần tra Canada) đã cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng kéo dài 5 ngày (26 – 30/9/2018). Tàu dài hơn 134 m, rộng 16,5 m, tốc độ 30 hải lý/h (56 km/h), tầm hoạt động 9.500 hải lý (17.600 km), hạ thuỷ tháng 8/1992. Chuyến thăm Đà Nẵng của tàu Calgary diễn ra trong khuôn khổ chương trình thăm cảng (OP Projection) tại châu Á – Thái Bình Dương của HMCS Calgary. Tàu hải HMCS Calgary sẽ tới thăm 8 cảng, gồm Tiên Sa (Đà Nẵng, Việt Nam); Darwin (Australia); Yokosuka và Yokohama (Nhật Bản); Jeju và Busan (Hàn Quốc); Guam và Trân Châu Cảng (Mỹ). Trong 5 ngày lưu lại Đà Nẵng, thuỷ thủ đoàn đã giao lưu với trẻ em nhiễm chất độc da cam, trẻ em khuyết tật; giao hữu bóng đá với Vùng 3 Hải quân; gặp gỡ các đối tác thương mại trên tàu để giới thiệu công nghệ Canada. Ngoài tàu khu trục Calgary, chuyến thăm lần này của Canada còn có tàu hậu cần MV Asterix (cùng vào cảng Tiên Sa trưa 26/9).

4. Tàu đổ bộ HMS Albion (L14), lớp Albion của Hải quân Hoàng gia Anh đã thăm thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 03 – 06/9/2018. Chuyến thăm là một phần trong các hoạt động của tàu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tàu đổ bộ HMS Albion có chiều dài 176 m, rộng 28,9 m, với lượng choán nước 21.000 tấn có thể chở theo 67 xe thiết giáp, 405 binh sĩ, là một trong những trụ cột cho sức mạnh đổ bộ của hải quân Hoàng gia Anh. Tàu được đưa vào sử dụng trong Hải quân Hoàng gia Anh từ năm 2003. Trước khi thăm Việt Nam, HMS Albion đã thăm Nhật Bản.

5. Tàu Surcouf của Hải quân Pháp đã cập Cảng Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 01 – 05/6/2018. Cùng ghé thăm Việt Nam lần này có nhiều tàu quân sự khác, tuy nhiên do trọng tải lớn nên được neo đậu tại khu vực cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chuyến thăm lần này của đội tàu Hải quân Pháp nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Jeanne d’Arc là chương trình đào tạo tác chiến kéo dài 5 tháng của một đơn vị thủy quân lục chiến xung quanh tàu đổ bộ và chỉ huy Dixmude với thuyền trưởng là Thượng tá Jean Porcher và tàu chiến lớp La Fayette (FLF) Surcouf với Thuyền trưởng là Trung tá Christine Ribbe. Ngay sau khi cập cảng Sài Gòn, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh và Tư lệnh tàu Surcouf đã có buổi tiếp xúc với báo chí chia sẻ 4 mục tiêu chính của chiến dịch là: triển khai trong những khu vực chiến lược, hợp tác quốc tế, hỗ trợ quan hệ ngoại giao, và đào tạo tác chiến thực tế cho các sĩ quan tham gia khóa học…

6. Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ,với khoảng 3.000 lính đã tới thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 05 – 09/3/2018. Cùng với tàu USS Carl Vinson là tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam kể từ năm 1975. Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson đã khẳng định quyết tâm ngày một lớn của Mỹ để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là một bước tiến lớn mang tính lịch sử, bởi không một tàu sân bay Mỹ nào có mặt ở đây suốt 40 năm qua. Bằng chuyến thăm này, chúng tôi hy vọng tiếp tục thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, tờ New York Times dẫn lời Chuẩn đô đốc John Fuller, chỉ huy cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson. Tờ Diplomat nhận định với động thái triển khai cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới Đà Nẵng, Mỹ muốn cho thấy nước này sẽ luôn hiện diện tại Tây Thái Bình Dương với cam kết bảo vệ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.

7. Tàu ngầm huấn luyện Kuroshio của Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản cùng thủy thủ đoàn do đại tá Ueta Yasuteru, Tư lệnh Đơn vị tàu ngầm huấn luyện số 1, làm trưởng đoàn đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh Khánh Hòa của Việt Nam từ ngày 17 – 21/9. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu ngầm huấn luyện Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản tới Việt Nam, một trong những hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, triển khai thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao và Bộ Quốc phòng của hai nước. Chuyến thăm của tàu ngầm huấn luyện Kuroshio cùng thủy thủ đoàn góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản. Từ đó, đưa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới