Biển Đông luôn là một trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn và nhộn nhịp nhất trên thế giới, chỉ sau khu vực Địa Trung Hải, là khu vực Biển Đông án ngữ các tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch của các nền kinh tế quan trọng ở khu vực và thế giới. Vì vậy, bất kỳ diễn biến nào liên quan đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông đều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tất cả các quốc gia.
Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Nguồn: CNN
Thứ nhất, do vai trò và vị trí địa chính trị chiến lược ngày càng quan trọng của Biển Đông. Từ trước đến nay, Biển Đông luôn là một trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn và nhộn nhịp nhất trên thế giới, chỉ sau khu vực Địa Trung Hải. Mỗi ngày, ước tính có khoảng 200 đến 300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại Biển Đông, chưa kể đến các tàu dưới 5.000 tấn, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của toàn thế giới. Có thể nói khu vực Biển Đông án ngữ các tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch của các nền kinh tế quan trọng ở khu vực và thế giới, chuyên chở đến 1/2 sản lượng dầu thô và các sản phẩm thương mại khác của toàn cầu. Ngoài ra,khu vực Biển Đông cũng sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quý hiếm, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), dầu hỏa và khí đốt. Đây cũng là một trong những nhân tố dẫn đến tình trạng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở một số vùng biển đảo, đồng thời một số nước lớn muốn gây phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippin, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan … trong đó Indonesia là thành viên của OPEC. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.
Thứ hai, về chính trị, quốc phòng và an ninh quan trọng của Biển Đông. Biển Đông là điểm nóng quan trọng của khu vực, nơi tập trung nhiều lớp mâu thuẫn cả về chính trị lẫn kinh tế, quốc phòng an ninh. Thực tế cho thấy, Biển Đông đã diễn ra các tranh chấp về chủ quyền biển đảo quyết liệt, phức tạp nhất của thế giới và khu vực, những tranh chấp đó khó giải quyết do còn tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia hữu quan về chủ quyền và cách thức giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, vị trí của Biển Đông có liên quan đến nền kinh tế, quốc phòng của nhiều quốc gia, kể cả nước có chủ quyền và không có chủ quyền, cũng như các nước trong và ngoài khu vực. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu Di Lân; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Úc và Niu Di Lân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Nạn cướp biển và khủng bố trên Biển Đông ở mức cao, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố tự sát vào tàu chở dầu của Pháp tháng 10 năm 2002. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Mỹ và Nhật Bản. Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, việc Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước liên minh nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực. Trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược của Châu Á có hai điểm trọng yếu: Thứ nhất là eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của lndonesia và Malaysia). Vị trí này vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hoá của các nước Đông Nam Á và Bắc Á phải đi qua. Ba eo biển thuộc chủ quyền của lndonesia là Sunda, Blombok và Makascha đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì lý do gì đó. Tuy nhiên, nếu phải vận chuyển qua các eo biển này thì hàng hoá giữa Ấn Độ Dương sang ASEAN và Bắc Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn. Điểm trọng yếu thứ hai là vùng Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua, đặc biệt là khu vực xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tuyến đường biển chiến lược nói trên là yết hầu cho giao lưu hàng hoá của nhiều nước Châu Á. Xuất khẩu hàng hoá của Nhật Bản phải đi qua khu vực này chiếm 42%, các nước Đông Nam Á 55%, các nước công nghiệp mới 26%, Australia 40% và Trung Quốc 22% (trị giá khoảng 31 tỷ đô la). Nếu khủng hoảng nổ ra ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thứ ba, là do các hoạt động đơn phương phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ nhiều năm qua, nhất là thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tiến hành xây dựng, mở rộng và quân sự hóa quy mô lớn các đảo, đá mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông; đồng thời đe dọa đến hòa bình, ổn định và cản trở các hoạt động hàng hải, hàng không thường nhật của các nước tại khu vực này. Từ cuối năm 2013 đến năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu cấp tập tăng cường xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tốc độ chóng mặt trung bình cứ mỗi ngày ngủ dậy Trung Quốc đã xây dựng thêm 96,5m2 diện tích Biển Đông. Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh đều cho thấy Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm. Tại Đảo Bắc, Trung Quốc đã triển khai san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự. Đáng chú ý nhất là tại đảo Phú Lâm, hoạt động bồi đắp, xây dựng quy mô của Trung Quốc đang dần biến đảo này trở thành tiền đồn do thám và thu thập thông tin tình báo phục vụ tham vọng mở rộng các căn cứ quân sự của nước này gần đảo Hải Nam. Tại Trường Sa, Trung Quốc đã nhiều lần công khai về hoạt động bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại các đảo nhân tạo. Trên bãi đá Su Bi, vốn là rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26 km về phía Tây Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1988, hiện nay tại Su Bi, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng 3.250m x 55m, dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu. Báo chí Trung Quốc cho rằng, sân bay ở Su Bi cùng với các sân bay ở Phú Lâm, Chữ Thập và Vành khăn tạo thành cụm sân bay hình chữ “phẩm” trên Biển Đông. Các loại công trình, cơ sở thiết bị trên đảo đã cơ bản hoàn thành. Hiện Trung Quốc vẫn đang thường xuyên duy trì các tàu công trình lớn hoạt động tại lòng hồ phía bên trong đảo; thời điểm nhiều nhất có tới hơn 10 chiếc tiếp tục hút và phun cát để bồi đắp, mở rộng thêm diện tích. Tại đá Chữ Thập, theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn kế tiếp của việc xây dựng các hạ tầng cần thiết cho các căn cứ hải quân và không quân lớn hơn. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống rađa ở phía Bắc đá Chữ Thập. Ý định của Trung Quốc muốn biến thực thể nhân tạo này thành một tiền đồn lưỡng dụng phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự như đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập lên tới hơn 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay dọc đường băng chính. Trên đá Vành Khăn, theo các số liệu theo dõi, đến tận cuối năm 2015, đá Vành Khăn vẫn chỉ là một bãi đá nửa nổi nửa chìm, song chỉ trong vòng 2 năm, đến nay, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn thành một đảo nhân tạo lớn với đầy đủ các công trình như đá Subi. Trung Quốc còn xây thêm hầm chứa đạn, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và rađa. Thâm chí, mới đây, Trung Quốc cũng không ngại thừa nhận đưa chiến đấu cơ J-11 ra Biển Đông và trình làng một tàu nạo vét biển hiện đại.
Những hành động của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì đã phá vỡ lòng tin và những nỗ lực giải quyết tranh chấp, kiến tạo hòa bình của các bên, đồng thời tàn phá môi trường sinh thái và đe dọa an toàn hàng hải ở khu vực. Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo ước tính, với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới.Ngoài ra,trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.
Thứ tư, những nỗ lực của các nước dựa trên luật pháp quốc tế và lợi ích chung trong duy trì, củng cố hòa bình ổn định ở khu vực. Trong những năm qua, ASEAN và các nước đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết hòa bình các tranh chấp Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã ra Phán quyết mang tính lịch sử, trong đó lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Đây cũng chính là bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, giúp định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học. Ngoài việc bác bỏ tính pháp lý về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, phán quyết đã nêu rõ “việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển… và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên”. Toà cũng cho rằng “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Có thể nói Phán quyết của Tòa Trọng tài là cơ sở để khẳng định những tuyên bố và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn phi lý và không có cơ sở.
Kết luận: Với những luận điểm trên, chúng ta có thể khẳng định cộng đồng quốc tế nhất là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm, hiện diện và tham gia vào những nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông, đồng thời cũng là để bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quân sự hóa đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.