Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 22/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 22/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 22/10/2018.

Malaysia tiếp tục kêu gọi Biển Đông là khu vực tự do

Ngày 21/10, hãng thông tấn Bernama của Malaysia đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho biết Malaysia sẽ tiếp tục kêu gọi để Biển Đông là một khu vực tự do, không có cạnh tranh hay gia tăng quân sự. Quan điểm này được Malaysia duy trì từ thời Thủ tướng Tun Abdul Razak Hussein. Theo Bộ trưởng Mohamad Sabu, tại các diễn đàn mở, các cường quốc luôn thể hiện họ tôn trọng luật biển quốc tế, nhưng sự thật thì ngược lại, ví dụ như vụ suýt đụng độ gần đây liên quan đến hai tàu chiến ở Trường Sa. Ông cho biết Malaysia muốn “các siêu cường tôn trọng Biển Đông là một khu vực trung lập và an toàn”.

ASEAN chất vấn Trung Quốc và Mỹ về vụ tiếp cận ở Biển Đông

Ngày 21/10, The Straits Times đưa tin, trả lời câu hỏi của phóng viên sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, TS. Ng Eng Hen cho biết, lãnh đạo quân đội các nước ASEAN đang lo lắng về căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông, đề nghị hai cường quốc này đưa ra lời giải thích. Theo TS. Ng, Trung Quốc cần có một chính sách để phản ứng lại các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ mà không làm leo thang căng thẳng. TS. Ng cho biết, các Bộ trưởng ASEAN tỏ ra vui mừng khi nghe cả ông Mattis và tướng Ngụy đưa ra bảo đảm rằng sự ổn định và an ninh là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc. Các Bộ trưởng ASEAN và các đối tác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến tới một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Mỹ không thể chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông

Ngày 20/10, tạp chí Spec Ops của Mỹ đưa tin, phát biểu sau cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhắc lại lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông, kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp trên biển để ngăn ngừa việc một cường quốc thống trị biển một mình. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu Mỹ sẽ tiếp tục “cho tàu thuyền đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia yêu cầu”, đồng thời làm rõ rằng Mỹ “không thể chấp nhận việc quân sự hóa ở Biển Đông hay bất kỳ sự cưỡng ép nào ở khu vực này”.

Liệu Việt Nam có đi theo Mỹ trong vấn đề Biển Đông?

Ngày 21/10, Hoàn Cầu Thời báo đăng bài viết của tác giả Li Jiangang, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á và Hải dương của Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc. Bài viết cho rằng trong những năm qua, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã đạt đồng thuận cơ bản về duy trì ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, có vẻ Mỹ không muốn chứng kiến vùng biển này chuyển từ một “chiến trường” nóng thành một khu vực tương đối tĩnh lặng. Đó là lý do vì sao Mỹ đã và đang cố gắng bám lấy Việt Nam và các nước láng giềng để ủng hộ cho nỗ lực của Washington nhằm thiết lập một vùng Biển Đông do Mỹ thống trị.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Việt Nam diễn ra vào lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang tăng cao. Chuyến thăm này cũng là một phần trong chiến lược tổng thể của Tổng thống Trump nhằm kiềm chế Trung Quốc đang trỗi dậy. Bài viết dự đoán rằng nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trọng sẽ thiên về chính sách ổn định, thực dụng và thân thiện với Trung Quốc, do vậy Mỹ và các nước phương Tây đang lo lắng về những nhà chính trị ủng hộ Trung Quốc sẽ điều hành ngoại giao Việt Nam. Chuyến thăm lần này của ông Mattis có thể cũng nhằm mục tiêu tìm ra ý định ngoại giao thực sự của Hà Nội.

Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng Việt Nam chưa sẵn sàng trở thành một quân bài của Mỹ. Với chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, Hà Nội vẫn hy vọng giữ độc lập bằng cách làm bạn với các nước khác. Kể từ Đại hội lần thứ 12 năm 2016 đến nay, Việt Nam không có xung đột nào với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Một mặt, Việt Nam muốn thân thiện với Mỹ để duy trì các hoạt động ở Biển Đông, chống lại việc Trung Quốc xây dựng đảo; mặt khác, Hà Nội lại không muốn một nước Mỹ xa xôi, không chắc chắn, can thiệp quá mức vào vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng đến cân bằng quan hệ với Trung Quốc, tổn hại đến nền hòa bình và phát triển khó khăn lắm mới giành được. Theo bài viết, trên thực tế, Hà Nội có nhiều mâu thuẫn với Washington trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, dân chủ, nhân quyền và các vấn đề xã hội khác. Việt Nam cũng sẽ không bao giờ từ bỏ các yêu sách và sự hiện diện ở Biển Đông, nhưng có thể sẽ tìm cách khác để thể hiện. Theo như những gì được đề xuất tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 Đảng cộng sản Việt Nam, một phiên bản mới của chiến lược phát triển kinh tế biển được đưa ra, trong đó nhấn mạnh du lịch, vận tải biển, thăm dò tài nguyên và đánh cá. Bài viết cho rằng, như vậy, hợp tác là cách duy nhất để tiến lên, và hợp tác với Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc rõ ràng là một thỏa thuận tốt hơn việc mua vũ khí và lao vào một cuộc đối đầu quân sự toàn diện. Xét cho cùng, chuyến thăm của ông Mattis đến Việt Nam cũng chỉ sự ghé thăm trên đường đến Singapore dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Báo chí Việt Nam cũng không nhắc gì nhiều đến chuyến thăm hay đề cập đến từ “Biển Đông”. Do vậy, báo chí phương Tây đã suy diễn quá nhiều từ chuyến thăm này.

RELATED ARTICLES

Tin mới