Căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp tục thầm lặng gia tăng trong những nâm gần đây khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động xây dựng và cải tạo đảo, đá nhằm tạo đà để Bắc Kinh xây dựng cái gọi là chuỗi các căn cứ quân sự hiện đại, được bố trí với các đường băng, thiết bị quân sự điện tử và tên lửa phòng không với chống hạm tầm xa.
Các bộ trưởng quốc phòng Australia, Mỹ, Nhật Bản đã ra tuyên bố chung thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với việc sử dụng vũ lực, hoặc cưỡng ép cũng như đơn phương thay đổi hiện trạng, và sử dụng các thực thể đang tranh chấp vào các mục đích quân sự ở Biển Đông. Gần đây nhất, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jame Mattis đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng quân sự “nhằm đe dọa và cưỡng ép”, đồng thời cảnh báo sẽ có những hậu quả nếu hành động này còn tiếp diễn.
Việc lựa chọn sử dụng ngôn từ đặc biệt này, nhất là dùng từ “cưỡng ép” để miêu tả những hành động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Cụm từ “ý định cưỡng ép” là một trong những tiêu chí mà theo đó những hành động của một quốc gia có thể coi là vi phạm luật cấm sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế, như đã nêu trong điều 2(4) của Hiến chương Liên hiệp quốc.
Mặc dù Bắc Kinh cam đoan “không sử dụng vũ lực” để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, nhưng các hoạt động cải tạo đất đá, không ngừng củng cố lực lượng quân sự trên các đảo đá đang tranh chấp, tất yếu tạo ra “sự việc đã rồi” trên thực địa và ép buộc các bên đang tranh chấp phải chấp nhận thực trạng mới này.
Người ta cho rằng điều này tạo nên sự bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua sử dụng vũ lực trái với luật lệ quốc tế.
Ngay cả sau khi Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông sau phán quyết 12/7/2016, Bắc Kinh vẫn tiếp tục từng bước mở rộng các hoạt động xây dựng. Trung Quốc sử dụng vũ lực ở các khu vực tranh chấp là nhằm “chứng tỏ lập trường cứng rắn đối với vấn đề lãnh thổ và ngăn chặn phản đối trong các vụ tranh chấp khác”.
Theo đó nếu việc Trung Quốc chiếm đóng và đơn phương triển khai các lực lượng vũ trang đến quần đảo Trường Sa đủ cấu thành một hành động sử dụng vũ lực đối với các nước có cùng tranh chấp. điều này cấu thành sự vi phạm nguyên tắc nghĩa vụ phổ quát, khi đó, các nước thứ ba, ngay cả khi không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự vi phạm này, có thể yêu cầu Trung Quốc tuân thủ trách nhiệm quốc tế của nước này. Khi xảy ra hành động vi phạm như vậy, có nghĩa là các nước khác, trừ các bên có cùng tranh chấp ở Biển Đông (gồm Việt Nam, Philipine, Malaysia, và khu vực Đài Loan), cũng có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc. tuy nhiên liệu có quốc gia nào sẵn sàng sử dụng các biện pháp đáp trả như thế hay không lại là điều cần chờ xem.