Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng họ đều nhất trí phải kiềm chế sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc đang thực hiện.
Cạnh tranh đầu tư phát triển cũng là “cuộc chiến” giành lấy niềm tin chiến lược của các quốc gia đang phát triển – Ảnh: Oukas
Sự thống nhất quan điểm hiếm hoi này được thể hiện rõ ràng khi Đạo luật về Sử dụng đầu tư cho phát triển hiệu quả hơn (Better Utilisation of Investment Leading to Development Act) đều được lưỡng viện của Quốc hội Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo.
Được Tổng thống Trump ký ban hành vào ngày 5.10, đạo luật cho phép thành lập Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (IDFC) cung cấp khoản vay cùng dịch vụ bảo lãnh cho các nước đang phát triển, đặc biệt là quốc gia ở châu Phi và châu Á.
Theo nhà nghiên cứu Koh King Hee người Malaysia, được hưởng lợi khi chiến thắng trong cuộc chiến tài trợ phát triển toàn cầu là điều không phải bàn cãi. Quốc gia cho vay với khoản cung cấp tài chính sẽ có được niềm tin mang tính chiến lược của nước nhận.
Giới nghiên cứu nhận định đối với Trung Quốc, nước bị nghi ngờ đang sử dụng “ngoại giao bẫy nợ”, cạnh tranh giành niềm tin với Mỹ quan trọng hơn tất cả. Thế đối đầu giữa hai cường quốc càng khốc liệt với “cuộc chiến” đầu tư phát triển này.
Không lâu sau khi phê chuẩn Đạo luật về Sử dụng đầu tư cho phát triển hiệu quả hơn, Nhà Trắng tuyên bố khoản vay từ IDFC sẽ là lựa chọn khả thi thay thế cho “những sáng kiến có chỉ đạo của nhà nước và kèm theo nhiều điều mập mờ”.
Đạo luật mới đem lại cải cách lớn cho cách Mỹ cung cấp viện trợ nước ngoài. Một trong số này chính là tăng gấp đôi mức cho vay tối đa (60 tỉ USD).
IDFC nay còn được phép đầu tư vào vốn cổ phần, điều mà các tổ chức cho vay Trung Quốc thuộc khuôn khổ BRI thường làm. Không những vậy, IDFC còn có thể nhận được yêu cầu bảo lãnh cho những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như cảng hoặc tàu điện ngầm.
Nhà kinh tế học người Mỹ Edwin Truman, cựu thành viên cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế, cho rằng nỗ lực của Washington vừa đáng hy vọng nhưng cũng vừa đáng lo vì họ chưa hề có kinh nghiệm đầu tư vào một số lĩnh vực nhất định.
Mức cho vay tối đa 60 tỉ USD của IDFC như “muối bỏ bể” so với tài trợ phát triển từ Trung Quốc, tuy nhiên không chỉ dựa vào yếu tố này mà đưa ra đánh giá quá sớm.
Ông Koh cùng nhà phân tích Alvin Camba đến từ đại học Johns Hopkins cho rằng Mỹ có khả năng sẽ dựa vào thế mạnh của mình, tạo điều kiện cho ngân hàng tư nhân tự do hoạt động cũng như mạng lưới đối tác chiến lược để cung cấp nhiều phương án tài chính hỗn hợp.
“Khả năng kêu gọi tư nhân đầu tư, cam kết minh bạch, trách nhiệm giải trình cùng nhiều giá trị Mỹ khác chắc chắn là nền tảng của Washington”, theo nhà phân tích Camba.
Chủ một ngân hàng lớn ở Đông Nam Á trước đó cho biết việc IDFC bảo lãnh dự án ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương (đặc biệt là quốc gia có xếp hạng tín dụng thấp) có thể đóng vai trò quan trọng trong thu hút hỗ trợ từ tổ chức tài chính tư nhân tại những quốc gia châu Á có thiện cảm với Mỹ.
Tuy nhiên, Washington không thể đóng vai trò “người cứu rỗi” các nền kinh tế khỏi “bẫy nợ” Bắc Kinh giăng ra.
Ông Koh đánh giá cạnh tranh với Mỹ có thể là điều tốt với Trung Quốc. Cường quốc châu Á trong tương lai sẽ phải thay đổi, trở nên minh bạch hơn trong đàm phán cũng như thực hiện các dự án BRI.