Thursday, November 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTung đòn giương Đông kích Tây, nhắm Trung "đả" Nga, TT Trump...

Tung đòn giương Đông kích Tây, nhắm Trung “đả” Nga, TT Trump bị trong-ngoài đả kích dữ dội

Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc mới là mục tiêu thực sự của ông Trump, khi ông này tuyên bố đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp ước kiềm chế hạt nhân INF với Nga hôm 20/10 vừa qua.

Ảnh minh họa: Daily Express.

Nhắm Trung, đánh Nga

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) dẫn lời một số chuyên gia cho biết, quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) của Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đang nhắm đến Nga, nhưng mục tiêu thực sự của tuyên bố này lại là Trung Quốc.

Ông Fu Mengzi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại của Trung Quốc, cho biết kế hoạch xé bỏ INF là dấu hiệu cho thấy Washington đang tăng tốc chuẩn bị cho cuộc đối đầu chiến lược dài lâu với Bắc Kinh.

“Sau khi rời hiệp ước INF, Mỹ được cho là sẽ bắt đầu chu kỳ phát triển và triển khai khí tài quân sự mới”, ông Fu nói.

Bên cạnh những xung đột từ cuộc chiến thương mại ngày càng tăng nhiệt, căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Trung về vấn đề quân sự cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại khu vực Biển Đông. Bắc Kinh đã liên tục tăng cường quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép trên vùng biển này trong vài năm gần đây.

Trong khi đó, Mỹ cũng liên tục lên án các động thái trên của Trung Quốc, đồng thời khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không của mình tại Biển Đông. Bắc Kinh coi đây là hành động thách thức rõ ràng của Washington đối với những tham vọng chiến lược của nước này.

Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về quyết định rút khỏi hiệp ước INF của Mỹ.

Hôm 20/10 vừa qua, Tổng thống Trump đã tuyên bố về ý định rút khỏi thỏa thuận INF, với lí do Nga đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận này trong một thời gian dài. INF là một thỏa thuận kiềm chế hạt nhân, được kí kết giữa cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev hồi năm 1987.

Do Trung Quốc không tham gia kí kết INF, nên nước này có thể tự do phát triển tên lửa đạn đạo mà không chịu bất cứ giới hạn nào. Hai dòng tên lửa DF và HN của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 15.000km, nghĩa là toàn bộ nước Mỹ nằm trong tầm bắn của hai loại tên lửa này.

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, cho biết quyết định của ông Trump sẽ tạo điều kiện cho cả Nga và Mỹ đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí của họ.

Quyết định của ông Trump có thể sẽ khiến nhiều người bất ngờ, nhưng giữa hai nước tham gia thỏa thuận đã có nhiều dấu hiệu bất đồng trong gần một thập kỷ qua.

Ông Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết động thái của ông Trump sẽ đem lại cho quân đội Mỹ sự tự do trong vấn đề phát triển và triển khai các loại vũ khí truyền thống và hạt nhân.

“Nói rộng hơn, thì [quyết định của ông Trump] không chỉ đe dọa đến sự an nguy của Nga hay Trung Quốc, mà cả thế giới cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ ấy”, ông Liu nói.

Một bài báo được đăng tải trên tờ The New York Times hôm thứ 7 vừa qua (20/10) cho rằng, nếu Mỹ thực sự rút khỏi thỏa thuận này, thì Washington sẽ cân nhắc phát triển một phiên bản mới của tên lửa Tomahawk – phiên bản này sẽ mang đầu đạn hạt nhân và có khả năng phóng từ mặt đất.

Beatrice Fihn, giám đốc điều hành của Chiến dịch Quốc tế về bãi bỏ vũ khí hạt nhân, từng đạt giải Nobel Hòa bình năm 2017, cho biết: “Với quyết định xé bỏ các thỏa thuận hạt nhân, ông Trump đang đưa Mỹ vào con đường dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, và con đường này có cái giá lên tới ngàn tỉ USD”.

Không chỉ Nga, thậm chí cả “người nhà” và đồng minh cũng bất bình

Tuyên bố của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ phía Moskva. Các nghị sĩ Nga lên án hành động của Mỹ là toan tính “lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang mới”, đồng thời chỉ trích tư duy Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Họ còn nhận định rằng quyết định của ông Trump là đòn giáng mạnh không chỉ nhằm vào Nga, mà cả thế giới cũng phải hứng chịu.

Cũng trong ngày 21/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã thẳng thắn phê phán kế hoạch của ông Trump là bước đi nguy hiểm, đồng thời đe dọa đanh thép rằng Nga sẽ có những biện pháp đáp trả, kể cả quân sự, nếu Mỹ tiếp tục vô trách nhiệm.

Một trong hai vị “cha đẻ” của hiệp ước INF, cựu Tổng thống Gorbachev, cũng đã gay gắt chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ là “thiển cận”, “vô trách nhiệm”, và là điều “không thể chấp nhận được. Ông Gorbachev cho rằng quyết định của ông Trump sẽ “phá hoại tất cả các nỗ lực của lãnh đạo Liên Xô và Mỹ trước đây nhằm đạt được thỏa thuận giải trừ hạt nhân”.

Nước Đức – một trong những đồng minh của Mỹ tại châu Âu – cũng lên tiếng kêu gọi ông Trump cần thận trọng khi đưa ra quyết định xé bỏ bản thỏa thuận 30 năm này, bởi INF đóng vai trò “trụ cột quan trọng đối với cấu trúc an ninh châu Âu”.

Việc chấm dứt thỏa thuận INF, theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực thi các thỏa thuận kiềm chế vũ khí chiến lược khác sau này.

Còn về phía nội bộ Mỹ, thì ngay hôm 20/10 vừa qua, sau khi ông Trump tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi hiệp ước INF, Thượng nghị sĩ Rand Paul thuộc Đảng Cộng hòa của ông Trump đã lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống.

Ông Paul viết trên Twitter cá nhân: 

“Đây là lí do [cố vấn an ninh quốc gia] John Bolton không nên được cho phép tham gia vào chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều này (rút khỏi INF) sẽ khiến hàng thập kỷ nỗ lực kiểm soát vũ khí của hai bên [Mỹ-Nga] từ thời cựu Tổng thống Reagan đổ bể. Chúng ta không nên làm như vậy. Chúng ta nên tìm cách giải quyết các vấn đề trong hiệp ước này và tiếp tục duy trì nó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới