Trong bối cảnh các biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đi vào bế tắc, khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, dễ xảy ra xung đột cục bộ ở Biển Đông. Việc hợp tác chung ở Biển Đông có thể là một giải pháp tạm thời, giúp duy trình hiện trạng và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, để hợp tác chung với các nước, nhất là hợp tác chung với Trung Quốc thì cần phải xem xét nhiều khía cạnh nhằm bảo đảm lợi ích, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông.
Trung Quốc đã nhiều lần đề xuất hợp tác chung với Việt Nam ở Biển Đông
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (1/4/2018) cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần tuân thủ các quy tắc căn bản trong việc giải quyết tranh chấp trên biển; cả hai bên không được áp dụng các biện pháp đơn phương làm phức tạp hóa tình hình; khẳng định Trung Quốc nhất trí rằng việc giải quyết các vấn đề trên biển là vô cùng quan trọng đối với việc phát triển tốt đẹp, lâu dài mối quan hệ song phương; đồng thời nhấn mạnh hai bên cần “tăng cường hợp tác trên biển, gồm cả việc tiến hành thảo luận về hoạt động khai thác chung”.
Phát biểu tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy Ban Chỉ Ðạo Hợp Tác Song Phương Việt Nam-Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (16/9/2018) lại một lần nữa đề nghị “cách tích cực nhất để quản lý và kiểm soát tranh chấp trên biển là thảo luận hợp tác dò tìm dầu khí. Và sự tưởng nhớ 10 năm kỷ niệm đánh dấu đặt trụ mốc biên giới trên bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam là thiết lập các khu vực hợc tác kinh tế xuyên biên giới thời gian sớm nhất”.
Tại sao Trung Quốc muốn hợp tác chung với Việt Nam ở Biển Đông
Đầu tiên, Việt Nam là nước có tài nguyền dầu khí phong phú. Biển Đông là biển nửa kín, nằm ở rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan và bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km². Đây là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám nước: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.
Tại đây, dầu khí là tài nguyên khoáng sản có vị thế quan trọng hàng đầu. Trữ lượng dầu mỏ của Biển Đông đã được xác định khoảng 7,7 tỷ barrel (ước tính tổng khối lượng bằng 28 tỷ barrel), trữ lượng khí gas tự nhiên được ước tính bằng khoảng 266 nghìn tỷ feet khối. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Cục Tình báo năng lượng Bộ Năng lượng Hoa Kì (EIA) cho thấy: trữ lượng dầu thô ở khu vực Biển Đông khoảng 7 tỷ thùng; sản lượng khai thác hàng ngày khả dĩ khoảng 2,5 triệu thùng. Theo số liệu thống kê của các cơ quan nhà nước Trung Quốc, trên vùng Biển Đông có hơn 200 cấu tạo dầu khí, khoảng 180 mỏ dầu khí. Chỉ tính tại các bồn địa Tăng Mẫu, Sabah, Vạn An (Tư Chính) đã có trữ lượng gần 20 tỷ tấn dầu thô, là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất trên thế giới chưa được khai thác.
Theo đánh giá của giới khoa học, Việt Nam có tài nguyên dầu khí rất phong phú, hầu hết diện tích chứa dầu khí đều nằm trên vùng thềm lục địa với độ sâu không lớn, trên toàn bộ diện tích nghiên cứu đã xác định được 20 vùng với những mức độ triển vọng dầu khí khác nhau, nhưng do điều kiện khai thác và thăm dò khó khăn, mới có 4 vùng có triển vọng cao, trong đó có 2 vùng đang được khai thác có hiệu quả là bể dầu khí Cửu Long và bể khí Nam Côn Sơn. Kết quả tìm kiếm thăm dò trong thời gian qua đã xác định ở vùng biển Việt Nam có 8 bể trầm tích Đệ Tam: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn Thổ Chu- Mã lai, Sông Hồng. Theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên băng cháy (methane hydrate), đây là nguồn năng lượng sạch còn quý hơn dầu mỏ và thay thế dầu khí trong tương lai gần. Theo các công trình nghiên cứu thì vùng được đánh giá triển vọng nhất bao gồm các khu địa luỹ Tri Tôn – Tây của quần đảo Hoàng Sa, Bắc và Đông bắc bể Nam Côn Sơn và vùng Tư Chính.
Thứ hai, Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông, song sử dụng vũ lực xâm chiếm các đảo, đá thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc không cấu thành nên chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Chính vì vậy, Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác chung với các nước ở trong khu vực nhằm từng bước hiện thực hóa chủ trương biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, biến khu vực không có chủ quyền thành có chủ quyền.
Thứ ba, Trung Quốc muốn thông qua hợp tác chung với Việt Nam ở Biển Đông để tuyên truyền, định hướng dư luận và đánh bóng cho chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc cũng nhằm xoa dịu các nước Đông Nam Á đang có những tuyên bố tranh chấp về chủ quyền biển bằng các thỏa hiệp khai thác Biển Đông.
Thứ tư, thông qua thúc đẩy hợp tác song phương ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ lợi dụng để làm giảm tác động phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016) liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết trên cho rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn; Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt; việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCLOS trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên; Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này.
Cuối cùng, thông qua hợp tác với các nước ở Biển Đông nói chung và hợp tác với Việt Nam nói riêng, Trung Quốc sẽ tìm cách củng cố vị thế, tầm ảnh hưởng trong khu vực và từng bước ngăn các nước khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Phản ứng chính thức của Việt Nam:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng kêu gọi hai nước xử lý vấn đề một cách đúng đắn, thông qua các biện pháp tham vấn thân thiện; Ông cũng đề xuất việc hai bên có thể cùng phát triển, khai thác chung và cùng bảo vệ hòa bình, ổn định trên biển.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh từng cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh hai nước cần kiểm soát đúng đắn những bất đồng chứ không mở rộng tranh chấp (và) tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Thường trực Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Quốc Vượng (20/8/2018) cũng đã “đề nghị hai bên thực hiện thật tốt, hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước; tiếp tục củng cố, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước thông qua trao đổi, tiếp xúc cấp cao; tăng cường và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai đảng, hai nước; thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, giữ vững đà phát triển của quan hệ hai nước và môi trường hòa bình, ổn định của khu vực.”
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần đưa ra các tuyên bố liên quan Trung Quốc đề xuất hợp tác chung ở Biển Đông, cho rằng Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển; khẳng định Việt Nam đã có hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, với nhiều hình thức khác nhau về kinh tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ, hợp tác trên biển theo đúng các quy định và chế định của công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, phù hợp với quyền và lợi ích của Việt Nam, cũng như tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Dư luận liên quan:
Nhận định về việc cùng hợp tác khai thác trên biển, Prashanth Parameswaran – biên tập tờ The Diplomat có trụ sở ở Washington, cho rằng Việt Nam đang ở trong tình huống “tế nhị”; đối với Việt Nam, đó là một thực tế phức tạp khi phải đối mặt với những hành động ép buộc mà Trung Quốc đang tiến hành nhưng đồng thời phải tìm ra cách nào đó để thích nghi vì Trung Quốc là nước láng giềng của họ. Mối quan hệ phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang phát triển tốt. Đây là một thách thức thú vị mà Việt Nam phải đối mặt.
Theo giáo sư Carl Thayer của Đại học News South Wales, Việt Nam có thể phải kiềm chế các quan điểm thù địch với Trung Quốc để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng Việt Nam cần hết sức tỉnh táo khi hợp tác chung với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ đất liền và trên biển giữa các quốc gia, trước khi đạt được một kết quả cuối cùng, một “giải pháp tạm thời” có thể được các bên liên quan tính đến để thỏa thuận áp dụng. Nhưng, “giải pháp tạm thời” này không làm ảnh hưởng hay có tác động gì đến kết quả của quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. Tuy vậy, trong thực tiễn, cách hiểu và vận dụng giải pháp này như thế nào vẫn còn có những nhận thức khác nhau…, đặc biệt là những nội dung pháp lý, chính trị nhạy cảm có liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia, nhất là vấn đề tranh chấp về ranh giới biển và chủ quyền đối với các hải đảo.
Chẳng hạn, tại Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, qui định về việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển nằm kề hoặc đối diện nhau đã ghi rõ: “Trong khi chờ ký kết thỏa thuận nói ở Khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này.
Trong thực tế, vận dụng quy định này của UNCLOS, các quốc gia ven biển đã thỏa thuận áp dụng giải pháp “Hợp tác phát triển (khai thác) chung” (Joint-development) ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn, gọi tắt là “vùng chồng lấn” (“over-lapping area”). Tuy nhiên, dựa trên các quy định luật pháp quốc tế hiện hành, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Chính vì vậy, khi hợp tác chung với Trung Quốc ở Biển Đông các nước cần hết sức tỉnh táo, tránh bị rơi vào bẫy do Bắc Kinh đưa ra. Để từng bước áp đặt chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác”, bước đầu Trung Quốc đặt mục tiêu buộc các bên liên quan phải đồng ý sử dụng đường “lưỡi bò” làm ranh giới “vùng chồng lấn” để “khai thác chung”. Nếu chấp nhận đòi hỏi này đồng nghĩa với việc Trung Quốc bước đầu đã thành công với chủ trương “biến không thành có”, biến “vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp”. Và từ đó, Trung Quốc sẽ tiến tới khống chế và độc chiếm Biển Đông theo đúng chiến lược mà họ đang theo đuổi với rất nhiều thủ thuật, thủ đoạn khác nhau.