Vancouver là nơi đầu tiên trải nghiệm cơn đại hồng thủy tiền mặt của Trung Quốc, buộc thành phố này phải làm hết sức để ngăn chặn nó.
Một chiếc xe sang trọng màu đen lừ lừ tiến đến bên ngoài sòng bạc Starlight ở ngoại ô Vancouver. Người tài xế bước ra, chào người mặc bộ quần áo đỏ trước khi kéo hai túi ni lông màu đỏ khỏi cốp chứa đồ. Anh ta bước vào một cửa hàng bên cạnh sòng bài, đưa túi cho người đàn ông áo đỏ vào quay trở lại xe.
Sau khi nhận hai chiếc túi, người đàn ông áo đỏ bước vào sòng bài, bước qua hành lang những bức kính có tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Tại bàn thu ngân, ông ta lấy tiền trong túi xách, hàng nghìn đô la Canada tiền mặt.
Những tờ giấy xanh trị giá 20 đô la Canada được buộc trong những bó lỏng lẻo lần lượt được nhân viên thu ngân đưa vào máy đếm tiền. Họ đưa lại cho ông ta những chiếc xu đánh bạc màu vàng.
Máy đếm tiền của nhân viên thu ngân phải chạy liên tục trong hơn 10 phút để đếm hết số tiền 250.000 đô la Canada, tương đương 192.000 USD. Những đồng xu đánh bạc được quy đổi ở đây có thể được sử dụng như tiền mặt ở bất cứ đâu mà không bị bất cứ ai truy hỏi về nguồn gốc. Người ta có thể đổi loại xu này dù không cần đánh bạc.
Giao dịch này được tiến hành vào một ngày mua đông năm 2009. Nó được ghi lại trong video điều tra của chính quyền bang British Columbia. Đây cũng chỉ là một trong số hàng vạn thương vụ diễn ra ở Vancouver trong thời gian qua.
Nổi danh khắp thế giới bởi cảnh đẹp và môi trường sống, Vancouver giờ đây được biết đến là điểm dừng chân ưa thích của giới nhà giàu di cư từ châu Á và các nền kinh tế phương Tây.
Thuật ngữ “mô hình Vancouver” cũng được sử dụng để mô tả sự pha trộn giữa những đồng tiền sạch và bẩn trong các sòng bạc, bất động sản và hàng xa xỉ, được tạo dựng bởi những phần tử bất hảo có nguồn gốc Trung Quốc tại đây.
Những gì đang xảy ra ở Vancouver lại là một trong những dòng chảy tài chính lớn nhất thế kỷ 21. Tiền được các triệu phú Trung Quốc gửi ra nước ngoài, bất chấp sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh. Theo một thống kê của viện Tài chính Quốc tế, kể từ năm 2014, số tiền thất thoát khỏi Trung Quốc có thể lên tới 800 tỷ USD.
Ở Vancouver, cơn thủy triều tiền mặt từ Trung Quốc đã tạo nên một sự biến đổi kinh tế và cả nhân khẩu học đầy kịch tính.
Những cửa hàng bán đồ sang trọng, khách sạn hạng sang hay những công trình phụ trợ khác mọc lên mạnh mẽ. Và tất cả những công trình này đều có tiếng Trung Quốc song song với tiếng Anh, cho thấy một phần không nhỏ khác tới đây là người Trung Quốc.
Phần lớn số tiền ở đây đều được kiếm hợp pháp hoặc nằm trong vùng xám. Tuy nhiên, giới chức địa phương cho rằng một tỷ lệ đáng kể trong đó được kiếm từ các hoạt động tham nhũng hoặc kinh doanh thuốc phiện. Sự đổ bộ của người Trung Quốc cũng khiến giá bất động sản tăng phi mã, điều khiến người dân bản địa cảm thấy phẫn nộ.
Những người phản đối cho rằng nền kinh tế của Vancouver nói riêng và British Columbia nói chung đã bị bóp méo bởi những người giàu có tới từ bên ngoài. Thậm chí, nhiều công trình phúc lợi xã hội ở đây cũng được xây dựng với sự tài trợ của người Trung Quốc.
Điều đó khiến người dân đòi hỏi những biện pháp quản lý chặt chẽ với các hoạt động sòng bài và tổ chức tài chính trong khu vực.
Tuy nhiên, những thay đổi sẽ rất khó khăn. Vancouver có mối liên kết chặt chẽ với châu Á từ cuối thế kỷ 19, khi những lao động Trung Quốc đầu tiên đặt chân đến đây để xây dựng tuyến đường sắt xuyên Canada.
Thành phố tự hào về hồ sơ tích cực của người nhập cư. Trong khi đó, Vancouver cũng không có những nguồn lực mạnh để trở thành trung tâm tài chính nếu thiếu nguồn tiền quan trọng từ bên ngoài.
Dẫu vậy, khi tiền đến quá nhanh, nó có thể khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Vancouver có lẽ là thành phố lớn đầu tiên của phương Tây được trải nghiệm toàn bộ sức mạnh của nguồn vốn Trung Quốc. Cùng với đó, thành phố này có lẽ cũng là đô thị đầu tiên biết được những gì sẽ xảy ra khi cố gắng ngăn chặn dòng tiền này.
Bờ biển phía Tây Canada là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất của Bắc Mỹ với một dãy núi cao chót vót kéo dài 600 dặm, được bao quanh bởi các thung lũng băng nhưng hầu hết vắng bóng người.
Vancouver nằm ở vị trí cực nam của địa hình này, trên một bán đảo bằng phẳng được ví như khoảng trống nhưng ngón tay cái và tay trỏ. Tuy nhiên, nó cũng giáp với những đỉnh núi gần như tuyết phủ quanh năm.
Từ các khu định cư của người châu Âu vào giữa thế kỷ 19, thành phố sẽ là một cửa ngõ hàng hải quan trọng. Hệ thống đường sắt giúp việc kết nối trở nên hoàn hảo hơn, biến nơi đây trở thành một đô thị có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, định kiến chống người Trung Quốc ở thành phố này xuất hiện sớm và trở nên mạnh mẽ một cách nhanh chóng.
Năm 1885, khi tuyến đường sắt hoàn thành, Canada đã công bố “thuế đầu” nhằm ngăn chặn dòng chảy người nhập cư Trung Quốc. Thuế tăng mạnh vào năm 1903. Bốn năm sau, thành viên của các liên đoàn loại trừ người châu Á nổi loạn trong khu phố Tàu ở Vancouver, đánh đập người dân gốc Á và lục soát các cửa hàng.
Năm 1923, Canada thông qua hầu hết những gì được gọi là Đạo luật loại trừ Trung Quốc, trong đó cấm cho phép người Trung Quốc nhập cư và yêu cầu những người Trung Quốc đang sinh sống phải đăng ký. Mãi tới năm 1947, người Trung Quốc ở Vancouver mới được phép đi bầu cử.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi với chính sách tự do hóa nhập cư năm 1970. Một lần nữa, Vancouver trở thành điểm đến cho dòng người di cư từ Trung Quốc, đặc biệt là từ Hồng Kông nhất là sau khi Anh đồng ý trao trả vùng đất này lại cho người Trung Quốc.
Năm 1988, một tỷ phú đã bỏ 320 triệu đô la Canada để mua một vùng đất của Canada và dựng lên đó những khu định cư kiểu mẫu cho người Trung Quốc, mở ra một kỷ nguyên mới tại Vancouver.
Đến ngày hôm nay, làn sóng nhập cư từ Trung Quốc đã làm thay đổi hoàn toàn vùng đất Vancouver.
Cùng với khoảng 300.000 thường trú nhân mới mỗi năm, người Trung Quốc mang đến Vancouver những khối tài sản khổng lồ, làm thay đổi cả bộ mặt của thành phố. Kéo theo đó là những vấn đề xã hội từ việc có quá nhiều tiền mà chính quyền Vancouver đang nỗ lực giải quyết.