Bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và dư luận quốc tế, bao gồm cả Hoa Kỳ, Trung Quốc liên tiếp thực hiện các hành động để cố gắng xác lập chỗ đứng trên Biển Đông thông qua chiến thuật “tằm ăn dâu” và “việc đã rồi”.
Năm 2014, Trung Quốc chính thức cho cải tạo các bãi đá ngầm và san hô, mà nước này chiếm đóng trái phép, ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo, với tổng diện tích sau cơi nới lên tới gần 15km2.
Năm 2015, DigitalGlobe cho hay, Trung Quốc đã cho mở rộng hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa của quần đảo Hoàng Sa, quần đảo mà Bắc Kinh đã cưỡng chiếm vào năm 1956 và 1974.
Năm 2016, Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đưa vũ khí, nghi ngờ có cả tên lửa, lên 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Vào tháng Năm, theo CNBC, Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và tên lửa phòng không tầm xa HQ-9B trên các đảo Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Trước động thái này của Bắc Kinh, bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh của CSIS, cho rằng việc Trung Quốc đưa tên lửa ra Trường Sa là giai đoạn cuối của quá trình quân sự hóa. Và bước tiếp theo, nước này sẽ điều các chiến đấu cơ ra Biển Đông, và khi thời gian chín muồi, họ sẽ vạch các đường ranh giới và tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Một chuyên gia khác của CSIS, ông Bonnie Glaser, cũng có nhận định tương tự: “Đây chính xác là điều chúng tôi dự đoán, Trung Quốc sẽ làm như vậy. Tiếp theo chúng ta sẽ thấy Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu, có thể là luân phiên, rồi họ sẽ bắt đầu tập trận gần các đảo này”.
Đúng như dự đoán của ông Glaser, chỉ ít ngày sau khi chia sẻ nhận định của ông với báo chí, Trung Quốc đã cho các máy bay ném bom H-6 tập cất và hạ cánh trên các đường băng ở các đảo nhân tạo vừa mới “khánh thành” của mình. Họ cho rằng hành động đó là để “giúp lực lượng không quân tăng cường khả năng chiến đấu nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh biển”, một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc nói với China Daily, hay “thúc đẩy lòng can đảm và tăng cường khả năng của chúng tôi trong một cuộc chiến thực sự”, theo lời một phi công tham gia cuộc tập trận.
Người ta lo ngại rằng đến một lúc nào đó ngay cả việc tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông sẽ gặp khó khăn vì phải thông qua Trung Quốc, theo tướng Carlito Galvez Jr., Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines, thì đã từ lâu “Trung Quốc phát cảnh báo [đe dọa] đối với máy bay của Phillipines hằng ngày trên Biển Đông”.
Không chỉ “dọa nạt” máy bay hay tàu của các nước trong khu vực, ngay cả với các phương tiện hàng không và hàng hải của các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ nếu đi qua Biển Đông cũng đều nhận được các cảnh báo với lời lẽ thiếu lịch sự được phát đi từ các tiền đồn của Trung Quốc, như chia sẻ của một phóng viên CNN có mặt trên một máy bay dân sự bay qua Biển Đông.
Tham vọng ôm trọn Biển Đông của Trung Quốc càng được bộc lộ rõ ràng hơn trong việc nước này đã dành ra một khoản ngân sách khổng lồ để phát triển các tàu sân bay, và máy bay hiện đại. Hiện Bắc Kinh đã đưa vào sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh, được cho là đã tham gia vào các cuộc tập trận trên Biển Đông. Trung Quốc cũng đang cho phát triển thêm một tàu sân bay nữa. Ngoài ra, theo Business Insider, gần đây, vệ tinh đã ghi nhận hình ảnh các máy bay tàng hình mang đầu đạn hạt nhân H-20, một vũ khí bí mật được Bắc Kinh âm thầm cho phát triển trong 2 thập kỷ qua. Các chuyên gia quân sự cho hay, với H-20, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự nhằm củng cố chủ quyền trên Biển Đông.
Sự hiện diện quân sự không ngừng của Trung Quốc trên Biển Đông và việc Trung Nam Hải đầu tư mạnh cho nền công nghiệp quốc phòng khiến một số nhà phân tích đưa ra những nhận định có phần e sợ sức mạnh của Bắc Kinh, “bước tiến chậm rãi nhưng chắc chắn của Trung Quốc trong việc mở rộng kiểm soát trên Biển Đông đã khiến họ ngày càng có lợi thế hơn so với Mỹ”, ông Michael Mazza, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện American Enterprise Institute, Hoa Kỳ, nói.
Nhưng Trung Quốc không thể “một tay che cả bầu trời”, vũ trụ có lý “tương sinh, tương khắc”, có một quốc gia như Trung Quốc tất sẽ có một quốc gia như Mỹ làm đối trọng.