Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBiển Đông tăng nhiệt - ASEAN cần chứng minh vai trò trung...

Biển Đông tăng nhiệt – ASEAN cần chứng minh vai trò trung tâm

Với những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông gần đây, tác giả Lục Anh Tuấn cho rằng các nước ASEAN cần cẩn trọng quan sát những hành động của các cường quốc. Đây có lẽ là thời điểm quan trọng nhất với các nước ASEAN để chứng minh vai trò trung tâm của mình với vấn đề an ninh khu vực, theo The Diplomat.

Tàu USS Decatur và tàu Lư Dương gần như đã va chạm.

Cuối tháng 8, nhà quan sát khu vực Collin Koh Swee Lean tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam tại Singapore đã so sánh Biển Đông với “một bát súp đang sôi từ từ”. Những sự kiện diễn ra trong tháng 9 và đầu tháng 10 cho thấy bề mặt của bát súp sẽ nhanh chóng sục sôi. Những sự kiện diễn ra tại Biển Đông thể hiện những chính sách then chốt liên quan với tất cả các phe có quyền lợi về an ninh trong khu vực

Cuối tháng 9, Hải quân Mỹ đã tổ chức chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP lần thứ 12 trên Biển Đông. Đây là lần tuần tra thứ 8 kể từ thời kỳ ông Trump lên nắm chính quyền. Tàu USS Decatur đã đi trong phạm vi 12 hải lý từ Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Có vẻ như USS Decatur đã thực hiện một chuyến đi vô hại.

Để đáp trả, Trung Quốc đã đưa tàu khu trục lớp Lư Dương để đối đầu với USS Decatur. Tàu Trung Quốc đã tiến vào trong khoảng cách 40m so với mũi tàu USS Decatur. Tàu khu trục Mỹ phải tiến hành hoạt động khẩn cấp để tránh va chạm. Washington mô tả cuộc chạm trán này là “một hành động nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp” và “sự quấy rối liều lĩnh”. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh sâu sắc vài ngày sau sự cố này rằng Mỹ “sẽ không bị hăm dọa” và “sẽ không lui bước”.

Việc Trung Quốc đáp trả hoạt động của tàu USS Decatur là chưa từng có. Như ông Carlyle Thayer quan sát, đây là lần đầu tiên Trung Quốc có những hành động gây ra rủi ro thật sự, có thể khiến tàu Hải quân Mỹ tổ chức FONOP gặp tai nạn. Trong những cuộc tuần tra FONOP trước đó, Trung Quốc triển khai những tàu quân sự để theo dõi và phản đối các hoạt động của tàu Hải quân Mỹ ở khoảng cách an toàn. Bà Bonnie Glaser cho rằng Quân ủy Trung ương Trung Quốc với sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đã có sự thay đổi trong luật giao tranh.

Cả ông Thayer và bà Glaser đều nhất trí rằng phản ứng của Trung Quốc với chiến dịch tuần tra gần đây nhất của Mỹ nằm trong phạm vi lớn hơn giữa những căng thẳng ngoại giao và kinh tế song phương – đáng chú ý nhất là hành động áp thuế vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và việc Mỹ gần đây bán vũ khí cho Đài Loan.

Các yếu tố phụ làm gia tăng căng thẳng bao gồm việc Mỹ gia tăng tần suất tuần tra bằng các máy bay ném bom (như việc triển khai máy bay ném bom hạng nặng B-52 Stratofortress vào cuối tháng 9), hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hủy bỏ chuyến viếng thăm Trung Quốc và sự gia tăng hiện diện của các cường quốc hải quân như Anh, Pháp, Nhật, Canada… trên Biển Đông.

Các nước Đông Nam Á đang nín thở theo dõi những gì sẽ xảy ra tiếp theo trên Biển Đông sau sự cố của tàu USS Decatur cùng những phản ứng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này làm dấy lên những câu hỏi như: Mỹ sẽ phản ứng thế nào với hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông? Các cường quốc khác sẽ làm gì khi gia tăng các chiến dịch hiện diện trong khu vực? Liệu Trung Quốc có tuyên bố vùng nhận diện phòng không ADIZ trên Biển Đông như lời đồn trước đó? Và ASEAN cùng các nước thành viên sẽ làm gì để đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực?

Washington tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự trên Biển Đông. Lần đầu tiên, Mỹ tiết lộ trước kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận trên Biển Đông và eo biển Đài Loan vào tháng 11. Mỹ đã nỗ lực nhưng thất bại trong việc thuyết phục Ấn Độ, Úc, Nhật và các cường quốc khác để tổ chức các chiến dịch chung trên Biển Đông. Nhưng cân nhắc tới việc Anh, Pháp, Canada và Úc gia tăng sự hiện diện trong những tháng sau Hội nghị An ninh Châu Á lần thứ 17 (đối thoại Shangri-La), tình thế này có thể thay đổi.

Sự thay đổi lãnh đạo tại Úc vào cuối tháng 8 có thể thay đổi đáng kể cách Canberra tiếp cận với vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao mới của Úc là bà Marise Payne đã chỉ trích Trung Quốc thách thức trật tự dựa trên nền tảng pháp luật trên Biển Đông khi bà còn là bộ trưởng quốc phòng. Vào tháng 9, Úc và Pháp đã bàn thảo về khả năng thực  hiện các chiến dịch chung trên Biển Đông. Có thể suy đoán sẽ diễn ra những chiến dịch chung đa quốc gia trong tương lai nếu Washington cấp đủ lý do cho Úc và các đồng minh khác.

Năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông nơi cả Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Vào tháng 2.2016, cựu đô đốc Harry Harris – trước đó là Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (đã đổi tên thành Bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương vào cuối tháng 5), bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Mối lo này do việc Trung Quốc đẩy mạnh chưa từng có việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, quân sự hóa các công trình và luận điệu của Bắc Kinh. Khoảng 5 tháng sau đó, Bắc Kinh đã “lập lờ” xác nhận có thể lập một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông tùy theo tình hình.

Tuy nhiên, như tác giả Roncevert Ganan Almond lập luận trên The Diplomat 2 năm trước, một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông sẽ gây bất lợi cho ổn định khu vực và “là một hành động đi ngược với luật quốc tế và là sai lầm về mặt chính sách”. Năm 2016, tác giả Ian Storey phát biểu rằng sẽ rất khó để Trung Quốc thực thi được điều đó bởi “những phương tiện trên các đảo nhân tạo [xây dựng phi pháp trên Biển Đông] vẫn chưa hoạt động”. Đáng lưu ý là Mỹ đã lặp đi lặp lại khẳng định sẽ không công nhận một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông như đã làm khi Trung Quốc tuyên bố một vùng như vậy trên biển Hoa Đông.

Nhật Bản và Úc cũng phản đối những hành động của Trung Quốc. Mỹ đã đưa 2 chiếc máy bay B-52 bay qua vùng mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố là vùng nhận diện phòng không vào tháng 11.2013. Một nguồn tin riêng của tác giả trong ASEAN sau những sự cố mới nhất cho biết “rất có khả năng Trung Quốc sẽ sớm thi hành [vùng nhận diện phòng không]”. Tuy nhiên, dù đã đưa các hệ thống tên lửa và radar ra các đảo nhân tạo [một cách phi pháp], không chắc Trung Quốc có thể lập được vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.

Những diễn biến trên Biển Đông kể từ tháng 6.2018 cho thấy có sự bất đồng ở mức độ cao giữa các cường quốc về việc tự do tiếp cận và sử dụng khu vực biển. Các cường quốc phương Tây rất lo ngại về viễn cảnh Biển Đông về thực tế có thể trở thành “ao nhà của Bắc Kinh”. Những phản ứng của họ sẽ không dừng ở những phản đối yếu ớt về mặt ngoại giao mà sẽ là xác quyết vững vàng hơn, chưa kể khả năng thực hiện những chiến dịch chung của các cường quốc. Bước phát triển này sẽ tạo ra sự bất ổn trên Biển Đông – một kịch bản mà không nước Đông Nam Á nào ưa thích.

Một Biển Đông rộng mở, ổn định và hòa bình có lợi cho giấc mơ của các nước ASEAN về một nền kinh tế thịnh vượng. Các nước ASEAN cần cẩn thận quan sát những hành động của các cường quốc cho tới khi những nước này thỏa thuận được với nhau về hành vi có thể chấp nhận được trên Biển Đông. Đây có lẽ là thời điểm quan trọng nhất với các nước ASEAN để chứng minh vai trò trung tâm của mình với vấn đề an ninh khu vực. Duy trì vai trò trung tâm của ASEAN với vấn đề Biển Đông nghĩa là tạo điều kiện để các cường quốc đối thoại như đã từng thành công trong những thập kỷ trước.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là cần đưa ra công thức cẩn trọng cho khái niệm địa chiến lược mới về Ấn Độ – Thái Bình Dương. Việc Indonesia thúc đẩy lập trường chung của ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ là một bước đi được hoan nghênh và biểu thị vai trò lãnh đạo của Indonesia trong hiệp hội. Tuy nhiên, cách thức hành động cần có sự cẩn trọng nhất. Bởi như lời cảnh báo của ông Thayer, căng thẳng trên Biển Đông sẽ tiếp tục tăng cao nếu ông Trump tán thành những gì phó tổng thống Mike Pence mới bình luận.

Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc khác cần giữ cái đầu lạnh để đối phó với những bất đồng trên Biển Đông. Trung Quốc xứng đáng có một vai trò cao hơn trong nền chính trị thế giới sau nhiều thập kỷ tích lũy khả năng về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc không nên được trả bằng cái giá là chủ quyền hợp pháp của các nước đã được luật quốc tế công nhận lâu dài. Thanh danh quốc tế rất quan trọng ngay cả khi một bên không coi trọng nó.

Mặt khác, việc cấp thiết với chính quyền của ông Trump là đưa ra và giới thiệu một chiến lược hiệu quả trên Biển Đông để định hình cách cư xử của tất cả các bên phù hợp với luật hàng hải quốc tế. Cuối cùng, như ông Christopher Roberts giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về châu Á tại Úc đã lập luận rằng, việc chủ trương một trật tự dựa trên nền tảng luật pháp cần phải có “hành động chung” để đạt được kết quả các bên mong muốn trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới