Kinh tế Trung Quốc đang chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế sản xuất-xuất khẩu sang nền kinh tế tiêu dùng, và cơ cấu tăng trưởng đã phản ánh điều đó.
Kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng theo quý thấp nhất trong gần 1 thập kỷ qua
Sau khi chính phủ Trung Quốc công bố các số liệu cho thấy nền kinh tế nước này đã có tốc độ tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ năm 2009, có nhiều nhận định, đánh giá cho rằng đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế phương Tây, điều đó sẽ gây áp lực rất lớn lên chính phủ Trung Quốc trong việc phải làm mới các chính sách nhằm củng cố niềm tin, ổn định tăng trưởng và kích thích đầu tư.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trong quý III/2018 được cho là còn chậm bởi xuất khẩu vẫn còn tăng, vì các nhà nhập khẩu Mỹ xếp hàng trước để giảm thiểu tác động của thuế quan thương mại.
Tuy nhiên, sau đợt tăng trưởng này thì tốc độ tăng trưởng sẽ giảm mạnh trước Giáng Sinh, bởi khi đó kinh tế Trung Quốc sẽ ngấm đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ nên xuất khẩu giảm, kéo theo hoạt động sản xuất chậm lại.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC tại Trung Quốc Julia Wang đã nhận định rằng: “Khi cuộc chiến thuế quan tiếp tục leo thang, nó sẽ tác động đến tâm lý kinh doanh rất tiêu cực”.
Phóng viên hãng BBC Karishma Vaswani thì cho rằng: “Trung Quốc phải chiến đấu trên 2 mặt trận nên không đủ công cụ đối phó, trong khi tính không xác định và thay đổi bất thường của Mỹ ngày càng tăng. Đó là viễn cảnh bất lợi cho Trung Quốc”.
Tổng giám đốc Quỹ Zentrum Capital Advisors Ltd Brock Silvers thì cảnh báo: “Trừ phi bất ngờ đạt được một thoả thuận với Mỹ, nếu không Trung Quốc sẽ phải đón nhận tình hình kinh tế tiêu điều trong quý IV/2018″.
Theo ông Brock Silvers: “Hiện nay sự lựa chọn sáng suốt nhất của Trung Quốc có lẽ chỉ còn là cách đưa ra một số nhượng bộ để đạt được một thoả thuận thương mại với Mỹ càng sớm càng tốt”.
Xin nhắc lại, theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 19/10 vừa qua, cho thấy GDP của Trung Quốc quý III/2018 chỉ đạt mức tăng trưởng là 6,5%, thấp hơn mức dự báo tăng 6,6%.
Trong khi trước đó, GDP của Trung Quốc trong quý II/2018 tăng trưởng là 6,7% và GDP của nước này trong quý I/2018 có mức tăng trưởng là 6,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Song hành với kinh tế tăng trưởng chậm lại là việc thị trường chứng khoán Trung Quốc – phong vũ biểu của nền kinh tế Trung Quốc – cũng không ngừng sụt giảm từ đầu năm 2018 tới nay.
Xuất khẩu của Trung Quốc được nhận diện là đang có thời gian tăng trưởng cuối cùng trước khi ngấm đòn trừng phạt bằng thuế quan của Mỹ |
Chỉ số SZSE Component Index của sàn Thâm Quyến có độ sụt giảm lớn nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu – giảm 30%, chỉ số SSE Composite Index của sàn Thượng Hải cũng giảm 20%. Chỉ có 6,68% cổ phiếu hạng A tăng giá trị.
Hậu quả từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã “bốc hơi” hơn 3 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa do lo ngại thanh khoản thắt chặt vì giảm nợ và khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế.
“Rõ ràng kinh tế Trung Quốc hiện đang yếu đi rất nhiều. Vì vậy, có nhiều cái nhìn rất bi quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc cũng như thị trường tài chính nước này”, theo chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Ngân hàng Commerzbank, Hao Zhou.
Kinh tế Trung Quốc giảm đà tăng trưởng không hẳn là tiêu cực, không phải là thảm hoạ
Giới phân tích cho rằng, kinh tế Trung Quốc suy giảm 0,2% tăng trưởng GDP trong quý III/2018 so với trong quý II/2018 và có mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ năm 2009 không có gì tiêu cực và ảm đạm.
Có thể thấy giới chuyên gia kinh tế, nhất là chuyên gia kinh tế phương Tây, chỉ dựa trên mức tăng trưởng suy giảm để đưa ra nhận định rằng nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới đang ở trong tình trạng suy kiệt, chính phủ Trung Quốc thì đang bế tắc.
Theo giới phân tích, đó là sự phiến diện nên nhận định chưa chuẩn xác.
Để đánh giá về chất lượng tăng trưởng của một thực thể kinh tế thì phải đánh giá trên cả hai mặt là tốc độ tăng trưởng và cơ cấu tăng trưởng.
Và nếu xét cả tốc độ tăng trưởng và cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong quý III/2018 – nhất là trong tháng 9/2018 – thì vấn đề tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc không quá tiêu cực, thậm chí còn tích cực.
Về tốc độ tăng trưởng, GDP của Trung Quốc quý III/2018 đạt mức tăng trưởng là 6,5%, thấp hơn mức dự báo tăng là 6,6% và thấp hơn mức tăng trưởng của quý II/2018 là 6,7%.
Trung Quốc đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế với trọng tâm là kinh tế tiêu dùng nên việc giảm đà tăng trưởng là không thể tránh khỏi |
So với dự báo, tăng trưởng của quý III/2018 thấp hơn 0,1% – nghĩa là thấp hơn chỉ khoảng 1,5% – còn so với quý II/2018, tăng trưởng của quý III/2018 thấp hơn 0,2% – nghĩa là thấp hơn chỉ khoảng 3%. Những con số quá nhỏ, không có nhiều ý nghĩa.
So sánh với chênh lệch tăng trưởng giữa quý II/2018 và quý III/2018 của kinh tế Mỹ sẽ thấy rõ hơn. Theo Macroeconomic Advisers, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2018 chỉ đạt 3,7%, trong khi quý II/2018 đạt mức 4,2%.
Như vậy, so với quý II/2018, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giảm tới 0,5% – tức là giảm tương đương 12%.
Thậm chí dự báo quý IV kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,6% – giảm tới 30% so với quý III/2018.
Đây mới là con số đáng lưu ý nhưng ít được lưu ý?
Về cơ cấu tăng trưởng, trong tháng 9/2018, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống còn 5,8%, từ mức tăng 6,1% trong tháng 8/2018 – giảm 0,3% – và là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 10/2015.
Đầu tư tài sản cố định tăng 5,4%, từ mức 5,3% – tăng 0,1%. Đầu tư bất động sản thì giảm xuống còn 9,9%, từ 10,1% – giảm 0,2%. Đầu tư cơ sở hạ tầng giảm xuống 3,3%, từ 4,2% – giảm 0,9%.
Tăng trưởng bán lẻ đã bứt tốc với mức tăng trưởng lên 9,2% trong tháng 9/2018, từ 9% trong tháng 8/2018 – tăng 0,2%.
Tăng trưởng cho vay của ngân hàng tăng ổn định, tăng 13%, từ 12,9% – tăng 0,1%
Theo Phó Thủ tướng Lưu Hạc, kinh tế Trung Quốc được điều chỉnh để chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế có trọng tâm là sản xuất-xuất khẩu sang nền kinh tế có trọng tâm là kinh tế tiêu dùng. Cơ cấu tăng trưởng kinh tế quý III đã phản ánh điều đó.
Trong cấu thành chất lượng tăng trưởng thì cơ cấu tăng trưởng luôn đóng vai trò quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng, khi nó gắn liền với chất lượng sống và sát với hiệu quả trong chính sách của chính phủ.
Tổng thống Donald Trump không dễ chiến thắng Chủ tịch Tập Cận Bình |
Khi chính phủ Trung Quốc hướng vào kinh tế tiêu dùng – dự kiến sẽ hướng tới đóng góp tới 50% vào tăng trưởng – thì việc kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng hay có tốc độ tăng trưởng chậm lại là tất yếu, song chất lượng tăng trưởng thì tăng lên.
Có thể lấy một bài toán kinh tế thường thức làm ví dụ minh chứng cho điều này.
Một người kinh doanh hàng điện máy, 1 ngày bán được 1 chiếc ti vi giá 2.000 nhân dân tệ với lợi nhuận 200 nhân dân tệ – tỷ suất lợi nhuận 7%/doanh thu.
Doanh nhân đó chuyển sang kinh doanh hàng may mặc và 1 ngày bán được 100 bộ quần áo, tổng doanh thu 1.800 nhân dân tệ với lợi nhuận là 15% và đạt 260 nhân dân tệ. Như vậy xét về doanh thu thì giảm, nhưng về lợi nhuận thì tăng.
Có thể thấy cơ cấu tăng trưởng là yếu tố cực kỳ quan trọng khi xem xét, đánh giá về mức tăng trưởng của một nền kinh tế và điều đó rất đúng với kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Larry Hu nhận định:
“Mức tăng trưởng GDP 6,5% trong quý III/2018, là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, vì vậy vẫn còn quá sớm để kích thích tăng trưởng”.
Rõ ràng, kinh tế Trung Quốc giảm đà tăng trưởng không phải là thảm hoạ với Trung Quốc và kinh tế toàn cầu.
Và đó cũng được cho là lý mà do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchi không lo ngại hậu quả khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc.