Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia đã đưa ra cảnh báo về tình trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép, xậm phạm chủ quyền của Indonesia và các nước, thậm chí còn gọi đó không phải là đánh bắt cá mà là “hành vi phạm tội” có tổ chức xuyên quốc gia. Đây là thực trạng đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay, cho thấy sự cần thiết phải tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các nước trong việc ngăn chặn tình trạng trên của tàu cá Trung Quốc.
Lực lượng chức năng các nước đối phó với tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép. Nguồn: AP
Hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc là “hành vi phạm tội” có tổ chức xuyên quốc gia
Phát biểu họp báo ở thủ đô Jakarta của Indonesia vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti, chính trị gia nổi tiếng với lập trường cứng rắn và là “bàn tay sắt” khi xử lý hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã thẳng thắng chỉ trích đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc, quốc gia sở hữu số tàu đánh cá lớn nhất thế giới về hành vi phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia. Theo tờ theo Bưu điện Hoa nam đưa tin phát biểu trước thềm Hội nghị Đại dương dự kiến được tổ chức ở Bali trong tháng 10 này, Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cho biết “Chúng tôi (Inodnesia) có một số bất đồng với Trung Quốc về các vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không có nguyên tắc trật tự và không được báo cáo, tuy nhiên họ (Trung Quốc) vẫn không đồng ý rằng đó là phạm tội xuyên quốc gia. Nếu không có sự hợp tác từ quốc tế, chúng tôi sẽ không thể xử lý vấn đề này”.
Theo thống kê của cơ quan chức năng Indonesia, trong 4 năm qua (2014-2018), Chính phủ Indonesia đã cấm 10.000 tàu nước ngoài đăng ký đánh bắt cá trong vùng biển của Indonesia. Trong đó, hàng trăm tàu đã bị tịch thu và bị đánh chìm. Đa số các tàu đến từ Trung Quốc, Đài Loan. Giới chuyên gia cho rằng do trữ lượng cá trong nước của Trung Quốc giảm nhanh chóng, một phần là do nhu cầu dùng hải sản tươi sống ngày càng gia tăng của giới trung lưu nên chính quyền Bắc Kinh đã khuyến khích ngư dân nước này “đánh bắt ngoài khơi xa”, vượt xa khu kinh tế đặc quyền của Trung Quốc, thậm chí còn xâm phạm vào khu vực thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của các nước khác ở Biển Đông. Mỗi năm một tàu có dung tích 100 GT (khoảng 2,83 m3) của Trung Quốc có thể bắt được 2.000 tấn cá. Hàng triệu tấn và thu được hàng tỷ USD, bà Pudjiastuti cho biết.
Các Bộ trưởng và nguyên thủ từ 35 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị đại dương trong tháng này cùng với 200 tổ chức phi chính phủ và tư nhân. Trong đó, các vấn đề an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển cũng như đánh bắt quá mức sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Bộ trưởng Pudjiastati cho biết rất nhiều hòn đảo hoặc quốc gia ven biển dễ bị đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu, bà sẽ vận động tăng cường giám sát và thực thi bảo vệ các lãnh thổ hiện có như khu bảo tồn biển. Bà chỉ ra rằng các ngư dân Trung Quốc đã bị bắt do săn bắn cá mập ở xa như quần đảo Galapagos Nam Thái Bình Dương, một trong những kho báu sinh thái của đang được thế giới bảo tồn, gìn giữ. Trong khi đó, Trung Quốc luôn phủ nhận mọi hành vi sai trái và nói rằng các tàu đánh cá của họ được hỗ trợ bởi tàu tuần duyên và tàu hải quân, đang đi kiểm tra các vùng biển mà họ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2016, một tàu tuần tra Indonesia đã bắt một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc 300 tấn mang số hiệu Kway Fey 10078, do đánh bắt cá gần quần đảo Natuna. Bà Pudjiastuti nói rằng những kẻ săn trộm đang chuyển đổi chiến thuật, hoạt động vượt ra ngoài phạm vi quốc gia. Nếu không có tác động hơn nữa từ phía quốc tế trong việc giải quyết vấn đề này, việc di cư của các loài cá biển như cá ngừ vây vàng và cá tuyết sẽ bị ảnh hưởng.
Philippines: Hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc gây nhiều nguy hại cho môi trường
Tháng 7/2018, Giám đốc Học viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển Philippines, Tiến sĩ Jay Batongbacal cảnh báo nghề cá ở Biển Tây Philippines cũng như toàn bộ Biển Đông đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn trong vòng một thập kỷ tới. Nguyên nhân là do tình trạng đánh bắt thủy sản và tận diệt san hô của ngư dân Trung Quốc, dẫn đến sản lượng đánh bắt thủy sản ở Biển Đông đã xuống mức báo động. Mặc dù Chính phủ Philippines cho biết sẽ đưa vấn đề nêu trên ra cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc, song Tiến sĩ Jay Batongbacal khuyến cáo Chính phủ Philippines nên có một “nỗ lực cấp bách hơn” để thay đổi chính sách của mình từ chỗ “quan sát một cách thụ động” sang có các hành động bảo vệ tích cực hơn. “Chúng tôi thực sự cần bảo vệ môi trường sống của cá và trữ lượng cá ở Biển Đông” theo ông Jay Batongbacal.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ (CSIS), tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong vòng 20 năm qua; đến năm 1990, sản lượng cá ở một số khu vực ở Biển Đông đã giảm 90% so với những năm 1960. Số lượng loài cá mú chấm nhỏ trong vòng 8 năm qua đã giảm 80%. Một số loài hiện nay đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Mới đây, tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã công bố bản đồ về điều tra trữ lượng cá ở Biển Đông cho thấy các ngư trường phía Bắc Biển Đông (giáp Trung Quốc), Vịnh Bắc Bộ, và phía Tây Biển Đông (giáp Việt Nam) đã bị khai thác hầu như cạn kiệt. Vùng xung quanh quần đảo Trường Sa chỉ còn một trữ lượng cá nhất định. Ngoài ra, nhiều loài sinh vật biển trong khu vực Biển Đông như cá ngừ vây xanh, san hô, rùa biển, trai tai tượng… đang phải đối mặt với mối đe dọa tuyệt chủng do hoạt động khai thác đánh bắt quá mức và môi trường sinh sống bị phá hủy. Hiện Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông.
Trung Quốc một mặt tìm cách xoa dịu dư luận, mặt khác hành xử đe nạt tàu thuyền của các nước
Trung Quốc sử dụng các lệnh cấm đánh, bắt cá theo mùa để thể hiện “trách nhiệm”. Hàng năm, Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá áp dụng trên toàn Biển Đông kéo dài từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, đây vốn là thời điểm biển êm dịu nhất và là mùa thu hoạch lớn nhất của ngư dân các nước. Riêng trong năm nay (2018), Trung Quốc đã đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, kéo dài khoảng hơn ba tháng, bắt đầu từ ngày 1/5 đến 16/8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và Bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm này cũng được áp dụng ở vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông. Đây là lệnh cấm dài nhất kể từ khi Trung Quốc thực thi lệnh này lần đầu tiên vào năm 1999 đến nay. Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tàu chấp pháp để “giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm”.
Tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc nổi tiếng hung hán và liều lĩnh khi hoạt động trên biển. Trung Quốc đang sử dụng một hạm đội tàu cá để thu thập thông tin về các tàu nước ngoài hoạt động ở Biển Đông. Các tàu này được trang bị hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) để liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển, nhiều tàu còn mang theo cả vũ khí. Các chuyên gia ngành công nghiệp đánh bắt Trung Quốc tiết lộ, nguồn trợ cấp từ chính phủ cho phép ngư dân sử dùng các tàu sắt công suất lớn thay vì tàu gỗ. Hệ thống GPS được trang bị cho ít nhất 50.000 tàu, nhằm giúp đội tàu cá liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp, kể cả đụng độ với tàu nước ngoài. Nhiều tàu mang cả vũ khí loại nhỏ. Đội tàu cá ở một thị trấn cảng tại đảo Hải Nam được huấn luyện quân sự, trợ cấp mọi thứ, kể cả nhiên liệu để thực hiện cái gọi là “lực lượng dân quân biển” tiến ra Biển Đông.
Tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc xuôi đuổi và tấn công khi đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra hôm 30/7/2017 tại địa điểm cách Đông Nam đảo Cù Lao Xanh, Bình Định 145 hải lý, tàu Bình Định số hiệu 96101 TS bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm vào mạn phải rồi bỏ chạy, làm một ngư dân bị thương nhẹ, tàu hư hỏng nặng. Gần đây nhất, hôm 21/4/2018, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đã đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS của Việt Nam ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Nam. Ngày 24/5/2018, khi đang đánh bắt tại vùng biển cách đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về hướng Tây Nam, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 96798 TS của Việt Nam đã bị chìm sau khi va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 31102.
Philippines cũng là nước xảy ra nhiều vụ tàu cá của người dân bị tàu Trung Quốc đe dọa và tấn công trên biển. Tháng 6/2012, một ngư dân Philippines đã thiệt mạng và bốn người mất tích khi tàu của họ bị một tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài khơi tỉnh Pangasina. Năm 2014, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã phun vòi rồng để xuôi đuổi tàu cá Phillippines tại Bãi cạn Scarborough. Tháng 2/2015, Chính quyền Philippines tiếp tục tố cáo tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm hỏng ba tàu cá Philippines tại khu vực Bãi cạn Scarborough của Philippines. Vào tháng 5/2018, một nhóm phóng viên của hãng tin GMA News đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc hai cảnh sát biển Trung Quốc lên một tàu cá Philippines và lấy cá mà ngư dân Philippines đánh bắt ở Bãi cạn Scarborough.
Đối với Indonesia, vài năm trở lại đây, tàu cá và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên xâm phạm, xuôi đuổi và tấn công tàu cá và lực lượng chấp pháp của Indonesia tại quần đảo Natuna (khu vực EEZ của Indonesia). Trung Quốc cũng đòi hỏi có chủ quyền trong khu vực này theo “đường lưỡi bò”. Trong tháng 3/2016, lực lượng tuần duyên Indonesia đã bắt giữ tàu cá Kway Fey của Trung Quốc cùng 8 thuyền viên đánh bắt trái phép ở vùng biển Natuna. Tuy nhiên, khi lực lượng chấp pháp Indonesia đang lai dắt tàu cá này, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã can thiệp, đe dọa và yêu cầu tàu Indonesia thả tàu Kway Fey trong vòng 30 phút. Phía Chính phủ Indonesia sau đó đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc.