Sunday, December 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMột số nét nổi bật trong ngành công nghiệp dầu mỏ TQ

Một số nét nổi bật trong ngành công nghiệp dầu mỏ TQ

Thực trạng sử dụng các nguồn năng lượng trong nước đã thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng hoạch định chính sách an ninh năng lượng và tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng ổn định lâu dài cho quốc gia. Cả thế giới chứng kiến một Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm các nguồn năng lượng trên phạm vi toàn cầu: từ khu vực Trung Đông nóng bỏng đến Trung Á đầy tranh chấp, từ Đông Nam Á năng động đến châu Phi… Sự tất bật trong ngoại giao con thoi của các lãnh đạo Trung Quốc trong những năm gần đây là lời giải cho bài toán “năng lượng” cho tương lai. Quá trình thực hiện chính sách an ninh năng lượng của Trung Quốc cũng tác động tích cực đến quan hệ quốc tế những năm gần đây. Việc Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm năng lượng thông qua các hợp đồng kí kết với các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn đã làm cho hoạt động kinh tế- thương mại ngày càng trở nên sôi động, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và đa dạng hóa của nền kinh tế thế giới. Nhưng bên cạnh đó, khi triển khai chính sách an ninh năng lượng, Trung Quốc cũng gặp không ít cản trở, khó khăn và thử thách, tác động tiêu cực đến các quan hệ chính trị, làm căng thẳng tình hình quốc tế, tiêu biểu là tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ở khu vực Biển Đông trong những năm gần đây. Tính đến giai đoạn hiện nay,Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới. Sự lệ thuộc của Trung Quốc vào năng lượng nhập khẩu ngày một nghiêm trọng, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh năng lượng của Bắc Kinh.

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng tăng

Hiện nay, xét về mặt tiêu thụ năng lượng, Trung Quốc đang đứng hàng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế kéo dài suốt 30 năm qua, đi kèm với nó là sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số và đô thị hoá không ngừng. Nhu cầu đối với mọi dạng năng lượng – như than đá, dầu mỏ, khí đốt, điện, nước, các dạng năng lượng khác có khả năng phục hồi và cả năng lượng hạt nhân, trở nên tăng vọt. Nhờ nguồn dự trữ lớn, hiện nay than đang là loại nhiên liệu số 1 của Trung Quốc và cung ứng 2/3 nhu cầu năng lượng của nước này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng cao, đặc biệt là dầu mỏ. Sau khi Trung Quốc quyết định mở rộng sản xuất khí đốt tự nhiên, gas có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh. Do sự phụ thuộc ngày một nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu nên Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực rất lớn để củng cố an ninh năng lượng quốc gia. Để đáp ứng nguồn cung về năng lượng, Trung Quốc một mặt tích cực thúc đẩy thăm dò, khai thác dầu khí ở trên lục địa cũng như các vùng biển. Hiện nay Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới.

Trước tình hình trên, Trung Quốc đã đề xuất chương trình cải cách tổng thể trong nước và cả chiến lược an ninh nhập khẩu toàn cầu. Mục đích của Bắc Kinh là giữ cho sản xuất tiếp tục được duy trì tại các mỏ dầu truyền thống ở khu vực Đông Bắc, đồng thời mở rộng sản xuất tại miền Tây Trung Quốc. Ưu tiên hàng đầu được dành cho việc phát triển các mỏ dầu ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tình trạng mất an toàn năng lượng của Trung Quốc ngày càng tăng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào mức độ thành công của Bắc Kinh trong việc đáp ứng các nhu cầu năng lượng không ngừng tăng của cả nước. Sự phụ thuộc ngày một nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bất an và lo lắng rằng, sự gián đoạn trong quá trình cung ứng nhiên liệu hoặc sự tăng giá không thể lường trước có thể làm kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Họ lo ngại rằng, bất kỳ sự giảm tốc nào cũng có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội và đến lượt mình sự bất ổn xã hội sẽ huỷ hoại quyền lực của họ cũng như quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản. Vì lẽ đó, an ninh năng lượng được xem là có quan hệ mật thiết với sự ổn định kinh tế và chính trị, đồng thời được coi là nhân tố chủ chốt trong việc duy trì vai trò lãnh đạo và giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Trong bối cảnh đó, vấn đề cung ứng nhiên liệu được đặt lên hàng đầu trong chương trình an ninh quốc gia Trung Quốc.

Chính sách năng lượng của Trung Quốc

Các chính sách năng lượng của chính phủ Trung Quốc bị chi phối bởi nhu cầu ngày càng tăng về dầu và sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu. Ủy ban cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) là cơ quan quản lý và hoạch định chính sách chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, trong khi bốn Bộ khác giám sát các phần khác nhau trong chính sách dầu mỏ nước này. Chính phủ thành lập Tổng cục Năng lượng Quốc gia (NEA) tháng 7/2008 đóng vai trò là cơ quan quản lý năng lượng chủ chốt. NEA liên kết với NDRC có trách nhiệm phê duyệt các dự án năng lượng mới tại Trung Quốc, thiết lập giá năng lượng bán buôn trong nước, và triển khai các chính sách năng lượng của chính quyền trung ương. NDRC là một bộ phận trong Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cơ quan cao nhất của quyền hành pháp trong nước. Trong tháng 1/2010, chính phủ đã thành lập Ủy ban năng lượng quốc gia với mục đích củng cố chính sách năng lượng giữa các cơ quan khác nhau trực thuộc Hội đồng Nhà nước.

Các công ty dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (NOCs) có ảnh hưởng đáng kể trong lĩnh vực dầu mỏ của Trung Quốc. Giữa năm 1994 và 1998, chính phủ Trung Quốc cơ cấu lại hầu hết các tài sản dầu và khí thuộc sở hữu nhà nước thành hai công ty tích hợp theo chiều dọc: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec). Hai tập đoàn này điều hành hàng loạt các công ty con ở địa phương, và cùng nhau thống trị thị trường dầu mỏ thượng nguồn và hạ nguồn của Trung Quốc. CNPC đứng đầu về thượng nguồn ở Trung Quốc cùng với công ty con là PetroChina chiếm khoảng 60% tổng lượng dầu và 80% sản lượng khí đốt ở Trung Quốc. Chiến lược hiện nay của CNPC là hợp nhất các lĩnh vực của nó và nắm thị phần hạ nguồn. Ngược lại, Sinopec đã có truyền thống tập trung vào các hoạt động hạ nguồn như lọc dầu và phân phối chiếm gần 80% doanh thu của công ty trong những năm gần đây và từng bước tìm cách khai thác thượng nguồn hơn.

Các công ty dầu mỏ quốc doanh khác đã nổi lên trong vài năm qua. Tập đoàn Dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) chịu trách nhiệm thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi. Tập đoàn này cũng tỏ ra là một đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh với CNPC và Sinopec bằng cách không chỉ tăng chi phí sản xuất và thăm dò ở Biển Đông mà còn mở rộng phạm vi hoạt động vào lĩnh vực hạ nguồn, đặc biệt ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Công ty Sinochem và Tập đoàn CITIC cũng đã phát triển trong lĩnh vực dầu mỏ ở Trung Quốc mặc dù vẫn tương đối nhỏ.

Trong khi việc sản xuất dầu trên đất liền ở Trung Quốc chủ yếu giới hạn CNPC và CNOOC thì các công ty dầu mỏ quốc tế (IOCs) được phép tiếp cận hơn với tiềm năng dầu mỏ ngoài khơi và các lĩnh vực khí đốt không theo quy ước, chủ yếu thông qua các thỏa thuận phân chia sản lượng và liên doanh. IOCs tham gia vào việc sản xuất và khai thác ngoài khơi Trung Quốc gồm: Conoco Phillips, Shell, Chevron, BP, Husky, Anadarko, và Eni. NOCs của Trung Quốc nắm giữ phần lớn quyền lợi trong hợp đồng phân chia sản lượng và có thể trở thành nhà điều hành một khi các chi phí triển khai được thu hồi. IOCs cung cấp chuyên môn kỹ thuật nhằm hợp tác với NOCs và xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc đưa ra thuế nhiên liệu và cơ chế cải cách định giá sản phẩm quốc nội vào năm 2009 trong nỗ lực để buộc giá sản phẩm bán lẻ gần hơn với thị trường dầu mỏ quốc tế. Điều này có thể thu hút đầu tư ở hạ nguồn, đảm bảo lợi nhuận tốt hơn cho các nhà máy lọc dầu và giảm mức độ sử dụng năng lượng do giá trong nước thấp hơn và nhu cầu ngày càng tăng cao. Hệ thống định giá sản phẩm dầu mỏ hiện tại cho phép NDRC điều chỉnh giá bán lẻ khi bình quân của giá dầu thô nhập khẩu dao động ngoài phạm vi 4% trong vòng 22 ngày làm việc liên tiếp đối với xăng và dầu diesel. NDRC lên kế hoạch sửa đổi cơ chế định giá bằng cách rút ngắn thời gian điều chỉnh còn 10 ngày và giảm biên độ giá 4%. NDRC cũng có kế hoạch thêm dòng dầu thô chuẩn như là một phần của giỏ dầu thô quốc tế của Trung Quốc để đáp ứng tốt hơn nguồn chuyển dịch dầu mỏ nhập khẩu của nước này. Đến tháng 11/2011, Trung Quốc cũng đã áp đặt thuế tài nguyên theo giá trị là 5% trên tất cả sản lượng dầu và khí, bao gồm cả sản lượng tài nguyên không theo quy ước, với nỗ lực tăng nguồn thu cho chính quyền địa phương và khu vực, và khuyến khích sản xuất dầu và khí hiệu quả hơn. Thuế tài nguyên được mở rộng vào năm 2012 với các dự án liên quan đến liên doanh của các công ty Trung Quốc và quốc tế.

Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc

Trung Quốc đang đối phó với những thách thức này bằng cách theo đuổi một chính sách năng lượng toàn cầu trên nhiều mặt trận. Mục đích của chính sách này là tăng cường an ninh năng lượng của đất nước, sao cho có thể giảm bớt khả năng dễ bị tổn thương trước tình trạng thiếu hụt nhiên liệu hoặc các cú sốc về giá cả. Kết quả cuối cùng sẽ là một chiến lược năng lượng dựa trên phương pháp tiếp cận trọng thương kiểu mới và nhằm đạt tới quyền kiểm soát trực tiếp đối với nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt ở nước ngoài. Điều này được thực hiện trước hết thông qua việc mua lại các mỏ dầu và khí đốt của nước ngoài, do ba công ty lớn của Trung Quốc là CNPC, Sinopec và CNOOC tiến hành; và thông qua việc ký kết các thoả thuận về đường ống dẫn dầu với các nước láng giềng để cung ứng dầu và khí đốt trực tiếp đến Trung Quốc. Chính sách ngoại giao năng lượng tiên phong của Trung Quốc có mục tiêu thắt chặt quan hệ với các nhà xuất khẩu khí đốt và dầu lửa hàng đầu thế giới thông qua một chương trình có quy mô lớn với các cuộc thăm viếng hai chiều và trợ giúp tài chính, kinh tế nhằm mở rộng thương mại và tiếp xúc quân sự. Trọng tâm của khuynh hướng ngoại giao này đương nhiên là vùng Vịnh, cùng với Trung Á, Nga, Châu Phi và Mỹ Latin, mới đây nhất là Canada. Kết quả từ những nỗ lực đó là việc chính phủ Trung Quốc đã ký kết hiệp ước “các liên minh năng lượng chiến lược” với ít nhất là 8 nước trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thông qua các công ty dầu lửa của mình để giành quyền kiểm soát trực tiếp đối với hoạt động sản xuất tại các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt. Mục đích của họ là bảo đảm rằng, sản lượng thu được từ các mỏ dầu nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh sẽ được xuất khẩu trực tiếp tới Trung Quốc và không được bán ra trên thị trường dầu lửa thế giới với tư cách là đầu vào của hầu hết các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực dầu lửa.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ các khu vực bất ổn, thông qua các đường biển khó kiểm soát, đã có một tác động đáng kể tới kế hoạch quân sự của Bắc Kinh. Theo một số chuyên gia phương Tây, Bắc Kinh đang có ý định mở rộng sức mạnh hải quân nhằm bảo vệ các vùng duyên hải của Trung Quốc và eo biển Đài Loan. Để củng cố cho quan điểm này, Trung Quốc hướng đến hạm đội tàu ngầm cỡ lớn mà Bắc Kinh đã xây dựng nên, đồng thời nỗ lực ký kết các thoả thuận về việc sử dụng các cảng biển dọc theo tuyến đường chở dầu tại biển Nam Trung Hoa và tại Myanmar, Bangladesh và Pakistan. Trong những năm gần đây, thông qua chính sách ngoại giao năng lượng tích cực, Trung Quốc đã trở thành chủ thể lớn trong nhóm các nước và khu vực giàu năng lượng và hàng hoá. Trung Quốc đã ký kết hiệp ước liên minh năng lượng và đầu tư mạnh tại nhiều quốc gia như Sudan, Iran, Myanmar, Venezuela và Uzbekistan. Một trọng tâm khác trong chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc là Nga và Trung Á. Việc nối lại quan hệ hữu nghị Nga- Trung trong những năm gần đây có nguyên nhân một phần là do mối quan tâm của Trung Quốc tới các loại vũ khí của Nga và chủ yếu là do cơn khát năng lượng chưa từng có của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc ý thức rất rõ các nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ của Trung Á và rất quan tâm đến sự ổn định của 5 quốc gia Trung Á cũng như tầm quan trọng của việc bảo đảm lượng nhập khẩu nhiên liệu từ khu vực này, vì vậy họ không ngừng mở rộng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).

Chiến lược dự trữ dầu khí của Trung Quốc       

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 của Trung Quốc (2000-2005), các quan chức Trung Quốc quyết định thành lập một chương trình dự trữ dầu chiến lược (SPR) do chính phủ quản lý trong ba giai đoạn để giúp Trung Quốc khỏi tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ. Trong năm 2004, giai đoạn đầu tiên của chương trình dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc bắt đầu xây dựng. Giai đoạn 1, hoàn thành năm 2009, có tổng dung lượng lưu trữ 103 triệu thùng tại bốn địa điểm. Giai đoạn 2 gần đây, 8 địa điểm đang được xây dựng, dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi tổng dung lượng SPR đến 315 triệu thùng vào năm 2013. Trong các địa điểm giai đoạn 2, Dushanzi và Lan Châu đã được hoàn thành vào cuối năm 2011 và thêm 40 triệu thùng lưu trữ. Cuối cùng, giai đoạn 3 dự kiến sẽ mang lại cho tổng dung lượng dự trữ chiến lược dầu ở Trung Quốc khoảng 500 triệu thùng vào năm 2020.

Bên cạnh nguồn dự trữ chiến lược dầu thô, Trung Quốc đã có từ 170 đến 310 triệu thùng dung lượng lưu trữ dầu thô thương mại trong năm 2010 theo các nguồn khu vực tư nhân và chính quyền Trung Quốc. Sự khác biệt giữa dự trữ chiến lược tương lai và thương mại không được xác định rõ ràng. Trữ lượng sản phẩm lọc dầu được ước tính khoảng 400 triệu thùng và chính quyền đã thảo luận các kế hoạch để tạo ra một kho dự trữ các sản phẩm lọc dầu chiến lược.

Các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc

Sự trỗi dậy với tốc độ cao của Trung Quốc trong gần hơn 4 thập kỷ (1980-2018) không phải không bị trả giá. Mức tiêu hao năng lượng để tạo ra GDP của Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư vốn, nhân lực và vật lực. Tiêu hao năng lượng cho một đơn vị GDP của Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao gấp 3-4 lần bình quân của thế giới. Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế, sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số, mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người tăng và đô thị hoá không ngừng… Theo IEA, lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng gấp 5 lần (từ 2 triệu thùng dầu mỗi ngày lên gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày) vào năm 2030. Thiếu hụt dầu mỏ và khí đốt sẽ trở thành những thiếu hụt nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ buộc phải nhập khẩu 80% lượng dầu mỏ tiêu dùng trong nước. Trung Quốc đang thực hiện giải pháp bảo đảm nguồn năng lượng tiêu dùng trong nước:

Thứ nhất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc sử dụng điện năng hiệu quả, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là vô cùng quan trọng. Vấn đề tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường đang là mục tiêu ưu tiên hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Trung Quốc đã tiến hành một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng để hạn chế sự gia tăng nhập khẩu năng lượng: thực hiện nghiêm ngặt tiết kiệm dầu mỏ trong nước, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng; cử các chuyên gia đi học tập kinh nghiệm tiên tiến nước ngoài… Thực hiện các công xưởng luân phiên ngừng sản xuất, tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm, kêu gọi toàn dân tiết kiệm và xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm năng lượng.

Thứ hai, đa dạng hóa nguồn cung, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế. Cùng với tiết kiệm năng lượng, chủ động đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống và đa dạng hóa các nguồn năng lượng mới thay thế: năng lượng hạt nhân và phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng đại dương…). Phát triển năng lượng tái sinh và các nguồn năng lượng thay thế khác đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng. Chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong tương lai có sự chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ sang các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (gồm thủy điện, năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học). Chiến lược này được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu (2005-2010): Năng lượng tái tạo đóng vai trò phụ trợ; Giai đoạn hai (2010-2020): Nguồn năng lượng thay thế dần dần cho các loại năng lượng khác; Giai đoạn ba (2020-2030): Năng lượng tái tạo sẽ vươn lên chiếm lĩnh.

Thứ ba, thu hút đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó phát triển năng lượng tái tạo được coi là một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và thân thiện với môi trường, giúp nguồn cung điện bớt phụ thuộc vào các nguồn truyền thống. Tuy nhiên, vốn đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo không hề nhỏ. Giá điện từ các nguồn năng lượng tái tạo có sự chênh lệch khá lớn với giá điện từ các nguồn truyền thống. Vì vậy, thu hút vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo rất khó khăn, cần có sự “chung tay” của các nguồn vốn đầu tư tư nhân cộng với “sức đẩy” từ sự trợ giúp của Chính phủ.

Thứ tư, đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng mới, được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Trung Quốc (cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản) trong gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh (cơ cấu của Trung Quốc là 35% so với của Hàn Quốc lên đến 80%). Trong đó, đầu tư tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh. Trung Quốc tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao… Trung Quốc cơ cấu lại 10 ngành, nghề chủ chốt (thép, ôtô, xi măng…) nhằm tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước hiện đại hóa các ngành chủ chốt để tiếp cận công nghệ xanh. Với ngành ôtô, Trung Quốc chuyển hướng chiến lược sản xuất ôtô tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Với ngành thép, khống chế sản lượng ở mức 300 triệu tấn/năm và loại bỏ công nghệ lạc hậu. Trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc coi phát triển “xanh” là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chiến lược tăng trưởng xanh là giải pháp để Trung Quốc và các quốc gia vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được Trung Quốc và mọi quốc gia hướng tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới