Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngNguy cơ từ đội tàu cá TQ

Nguy cơ từ đội tàu cá TQ

Lầu Năm Góc cảnh báo mối đe dọa từ hoạt động của lực lượng tàu cá “kiêm” dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong báo cáo mới trình lên quốc hội Mỹ, Bộ Quốc phòng nước này bày tỏ quan ngại sâu sắc về lực lượng ngư dân hùng hậu đóng vai trò “hạm đội thứ 3” của Trung Quốc bên cạnh hải quân và hải cảnh. Báo mạng Asia Times dẫn báo cáo cho hay đơn vị dân quân biển trá hình này có bộ chỉ huy đặt tại đảo Hải Nam, được trang bị tàu cá bọc thép cỡ lớn, sẵn sàng chờ lệnh điều động đến các vùng biển trong khu vực. “Lực lượng này được trả lương nên hầu như không có chức năng đánh bắt để kiếm nguồn thu về thương mại mà đóng vai trò lớn trong những hoạt động dọa dẫm nhằm phục vụ mục đích chính trị của Trung Quốc”, báo cáo viết. Trong Sách trắng quốc phòng công bố hồi tháng 8, Nhật Bản cũng cảnh báo mối đe dọa từ tàu cá Trung Quốc, còn cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Scott Swift nhấn mạnh: “Đội tàu cá Trung Quốc rõ ràng có trung tâm chỉ huy và không hành động tùy tiện”.

 “Trung Quốc được cho là sở hữu lực lượng dân quân biển lớn nhất thế giới nhưng hiện vẫn chưa rõ số lượng tàu cá”, theo bài phân tích của Giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường Hải chiến Mỹ đăng trên chuyên trang The National Interest. Giới quan sát ước tính số lượng dân quân biển lên đến hàng trăm ngàn người. Trong đó, phần lớn không phải là ngư dân mà xuất thân từ những đơn vị quân đội bị giải thể hoặc cắt giảm nhân sự trong đợt cải tổ lực lượng vũ trang từ cuối năm 2016.
“Hạm đội thứ 3” là công cụ để Trung Quốc kiểm soát những thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông hoặc tăng cường quần đảo khu vực tranh chấp trên các vùng biển khác. Tờ The Washington Post dẫn lời chuyên gia Erickson nhắc lại vào năm 2017, Trung Quốc đã diễn tập kết hợp hải quân, hải cảnh và dân quân biển hoạt động trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Cùng năm, khoảng 260 tàu cá được 6 tàu vũ trang hộ tống di chuyển vào vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật. Nếu xảy ra đối đầu, Trung Quốc có thể chỉ trích lực lượng chức năng các nước khác “đàn áp tàu dân sự”, theo Lầu Năm Góc. Ngược lại, “ngư dân” Trung Quốc trên các tàu vỏ thép từng gây ra nhiều vụ tấn công nghiêm trọng, bao gồm tông chìm một tàu tuần duyên Hàn Quốc hồi năm 2016. Trước đó, một nhân viên tuần duyên Hàn Quốc bị đâm chết hồi năm 2011 khi lên kiểm tra tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển nước này.
Theo giới chuyên gia, đến nay, các bên vẫn đang chật vật tìm biện pháp hữu hiệu ứng phó “hạm đội thứ 3” mà không khiến tình hình vượt tầm kiểm soát hoặc tạo cớ để nước này triển khai lực lượng chính quy với danh nghĩa “bảo vệ ngư dân”. Tuy nhiên, Giáo sư Erickson nhận định việc Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên đưa ra báo cáo kỹ lưỡng về dân quân biển Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Washington đã xác định mục tiêu để đưa ra đối sách.
Phe đối lập Hồng Kông lo ngại về cầu vượt biển dài nhất thế giới
Nguy cơ từ đội tàu cá Trung Quốc1

Một đoạn cầu phía Hồng Kông

Ảnh: AFP

 

Ngày 23.10, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc chứng kiến lễ khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới, nối Hồng Kông với Macau và TP.Châu Hải ở đại lục. Cây cầu có tổng chiều dài 55 km, gồm một đoạn ngầm dưới lòng biển, giúp giảm thời gian di chuyển giữa hai đầu từ 3 giờ xuống còn 30 phút. AFP dẫn lời Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính phát biểu tại buổi lễ cho rằng công trình này giúp tăng cường trao đổi kinh tế thương mại giữa 3 vùng, kết nối Hồng Kông, Macau với đại lục.
 
Tuy nhiên, phe đối lập ở Hồng Kông và một số nhà phân tích tỏ ra lo ngại cây cầu là công cụ để chính quyền trung ương gia tăng kiểm soát đối với các đặc khu, theo tờ South China Morning Post. Mặt khác, dự án bắt đầu vào năm 2009 còn bị chỉ trích vì chậm tiến độ và đội vốn với tổng kinh phí ước tính khoảng 20 tỉ USD (466.914 tỉ đồng). Trong quá trình thi công cũng xảy ra nhiều sự cố khiến 10 công nhân thiệt mạng và hơn 600 người bị thương.
RELATED ARTICLES

Tin mới