Dừng nhập khẩu đậu tương Mỹ, Trung Quốc đã tính kỹ?
CNN Business thông tin, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng để dừng nhập đậu tương hoàn toàn từ Mỹ.
Một trong những nhóm ngành công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc – ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mới đây đã đề xuất cắt giảm lượng protein trong thành phần thức ăn chăn nuôi nhằm giảm đi đáng kể lượng đậu tương mà Trung Quốc đang phụ thuộc vào Mỹ.
Việc giảm lượng đậu tương có trong thành phần thức ăn chăn nuôi được cho là hành động cần thiết trong bối cảnh đối đầu thương mại Mỹ- Trung diễn ra căng thẳng.
Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc cho biết sự phụ thuộc vào đậu tương Mỹ đang tạo ra một “nút cổ chai” cho ngành nông nghiệp của nước này.
Thay vào đó, Hiệp hội này khuyến khích nông dân Trung Quốc gia tăng hơn nữa hoạt động trồng đậu tương trên lãnh thổ nước này và các nước lân cận đang cho thuê đất như Nga.
Hàng triệu nông dân Trung Quốc có thể được chuyển đổi ngành trồng trọt sang đậu tương cũng sẽ phải mất thời gian và có thể gây gián đoạn phần nào trong cơ cấu ngành nông nghiệp ở nước này.
Giám đốc công ty nghiên cứu ChinaAg tại Đài Loan – Loren Puette cho biết:“Nó [Đậu tương-ND] liên quan trực tiếp đến cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Nghĩa là Trung Quốc sẽ ngăn chặn hoàn toàn nhập khẩu đậu tương Mỹ trong tương lai”.
Đến nay, Trung Quốc đã tìm nhiều biện pháp để đối đầu cuộc chiến đậu tương này. Trước mắt là nhập đậu tương Mỹ thông qua các quốc gia lân cận.
Thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với đậu nành đã khiến Mỹ dừng xuất khẩu đậu tương sang quốc gia này. Số liệu hải quan lại cho thấy, xuất khẩu đậu tương Mỹ sang khu vực Đông Nam Á lại tăng tới 90%, minh chứng cho việc Trung Quốc vẫn mua đậu tương Mỹ thông qua một nước thứ 3.
Dữ liệu Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc đạt 27,68 triệu tấn trong năm mùa vụ tính từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2018, giảm mạnh 20% so với mùa vụ trước đó.
Nhưng xuất khẩu sang Đông Nam Á, châu Âu và Nam Mỹ đã tăng gần hai lần.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, với cách nhập khẩu thông qua các bên thứ ba như vậy, giá mua vào của hạt đậu tương là cao hơn và cuối cùng thì Bắc Kinh cũng phải giảm lượng đậu tương trong nhu cầu của họ.
Đáng chú ý là, dù đậu tương Mỹ nằm trong danh sách đánh thuế cao của Trung Quốc nhưng dầu đậu nành lại không bị ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại.
Dữ liệu mới công bố hồi đầu tháng của Hiệp hội các nhà chế biến dầu hạt quốc gia Mỹ cho thấy, việc chiết xuất dầu đậu nành trong tháng 9 ghi nhận mức cao kỉ lục trong tháng.
Ông Kazuhiko Saito, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Fujitomi cho thấy, sản lượng gia tăng được chuyển tới Trung Quốc và Canada. Mỹ được cho là đang tìm cách tăng xuất khẩu dầu đậu nành sang Trung Quốc.
Vì lẽ đó, Bắc Kinh có thể nhập dầu đậu nành của Mỹ và giảm lượng đậu tương nhập khẩu phục vụ cho ngành công nghiệp này của họ.
Thay vào đó, đậu tương dùng trong thức ăn chăn nuôi là cần đến hạt đậu tương và đó là lý do mà Hiệp hội công nghiệp Thức ăn chăn nuôi bày cách để gỡ rối cho chính phủ Trung Quốc.
Ngoài việc hối thúc giảm lượng đậu tương nhập khẩu, Trung Quốc cũng đã tính tới việc tăng trồng trọt đậu tương trên các mảnh đất nông nghiệp của họ.
Ở trong nước, người nông dân tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh trồng nhiều đậu tương nhất tại Trung Quốc, đồng thời mắc kẹt trong mệnh lệnh từ các nhà chức trách: trồng thêm nhiều đậu tương, ngay lập tức.
Chính phủ Trung Quốc đồng thời đẩy mạnh trợ cấp cho người nông dân trồng đậu tương và những người nông dân trước đó trồng ngô nay chuyển sang trồng đậu tương.
Người nông dân chuyền tay nhau những thông báo về việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp trồng đậu tương trên WeChat. Và nhanh chóng, nhiều người nông dân trả lại hạt giống ngô và thuốc trừ sâu họ đã mua trước đó để trồng đậu tương.
Nga mới đây đã mở ra cánh cửa lớn cho Trung Quốc khi kêu gọi cho thuê đất ở khu vực Viễn Đông để canh tác. Dù người Trung Quốc đã hiện diện sinh sống ở đây lâu nay, việc cho thuê thêm đất để trồng đậu tương, phần nào làm giảm lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ là cách Moscow hậu thuẫn Bắc Kinh trong cuộc đối đầu này.
Brazil cũng đã tăng xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc nhưng dường như số lượng vẫn là chưa đủ, chưa kể, quốc gia Nam Mỹ này cũng tận dụng cơ hội để gia tăng giá xuất khẩu của sản phẩm này.
Chính phủ Trung Quốc đã áp thuế 25% đối với đậu tương Mỹ để đáp trả việc Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc hồi tháng 7 năm nay. Năm 2017, khoảng 1/3 tổng sản lượng đậu tương trên toàn nước Mỹ bán sang Trung Quốc. Xét theo giá trị xuất khẩu của các loại hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ, chỉ duy nhất máy bay có giá trị cao hơn so với đậu tương.