Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgành công nghiệp hắc ám của TQ bị phơi bày trên sóng...

Ngành công nghiệp hắc ám của TQ bị phơi bày trên sóng BBC

Hãng tin BBC gần đây công bố hàng loạt các cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc với những thông tin cho thấy tội ác này rất có khả năng đang diễn ra từng ngày.

Trong phóng sự đăng ngày 9/10, BBC trích một đoạn ngắn trong cuộc điều tra của đài truyền hình Hàn Quốc Chosun TV, về trường hợp một bệnh nhân người Hàn Quốc đang trong quá trình hồi phục sau ca ghép gan tại một bệnh viện ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

Bệnh nhân nói rằng ông chỉ phải chờ 2 tháng là được ghép gan, dù không biết bệnh viện lấy nội tạng từ đâu. Trong đoạn video, y tá tại bệnh viện còn nói rằng nếu bệnh nhân trả thêm chút một khoản tiền “ủng hộ” bên ngoài chi phí tạng là 130.000 USD/ lá gan, thì thậm chí có thể còn nhận được nội tạng sớm hơn nữa.

Y tá cho biết một ngày trước đó bệnh viện nói trên đã thực hiện đến 7 ca ghép tạng, nghĩa là có ít nhất 7 nội tạng phù hợp được tìm thấy trong vỏn vẹn 24 giờ. Phóng viên Matthew Hill của BBC bình luận, ở các nước, bệnh nhân thường phải chờ đợi ít nhất vài năm mới có hy vọng tìm được nội tạng để cấy ghép, nhưng tại Trung Quốc con số này có thể tính trong vài tuần.

Bệnh nhân Hàn Quốc chỉ phải chờ 2 tháng để được ghép tạng ở Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình từ video phóng sự đăng trên BBC)

Chính quyền Trung Quốc trước kia thừa nhận họ sử dụng nội tạng tử tù để cấy ghép nhưng tuyên bố đã chấm dứt hoàn toàn hoạt động trên từ tháng 1/2015 và chỉ sử dụng nguồn hiến tặng tự nguyện. Tuy nhiên, tỷ lệ hiến tặng nội tạng của nước này thuộc hàng thấp nhất thế giới, cứ một triệu dân thì mới có 0,6 người đăng ký hiến tạng, BBC cho biết trong một bài báo ngày 4/12/2014.

Vậy những nội tạng được cung cấp nhanh tới mức bất thường ở Trung Quốc đến từ đâu? Các nhà điều tra cho biết nguồn nội tạng chủ yếu tại Trung Quốc không phải đến từ tử tù hay những người hiến tạng tự nguyện, mà là từ tù nhân lương tâm, tức những người bị bắt giữ không phải vì có hành vi bạo lực hay vi phạm pháp luật, mà chỉ vì họ có đức tin không được chính quyền thừa nhận.

Theo báo cáo cập nhật năm 2016, nhóm nạn nhân lớn nhất là các học viên Pháp Luân Công, môn khí công thuộc trường phái Phật gia bị chính quyền Trung Quốc đàn áp từ năm 1999 đến nay. Ngoài ra còn có các Phật tử Tây Tạng, tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, và các tín đồ Cơ Đốc giáo tại gia.

Các học viên Pháp Luân Công Ạnh QuốcCác học viên Pháp Luân Công Ạnh Quốc ngồi thiền tại Quảng trường Trafalgar, London ngày 23/7/2017. Trái ngược với Anh và các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc là nơi duy nhất bức hại tàn khốc các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Falun Dafa in UK /Facebook)

Hãng tin BBC đã phỏng vấn bà Annie Yang, một học viên người Hoa, tại địa điểm thỉnh nguyện 24 giờ mỗi ngày của các học viên Pháp Luân Công ở Luân Đôn, ngay đối diện Đại sứ quán Trung Quốc.

Bà Yang cho biết vào năm 2005 bà bị đưa đến một trại cải tạo ở Bắc Kinh chỉ vì tập Pháp Luân Công. Tại đó, rất nhiều học viên khoẻ mạnh thường xuyên bị ngược đãi và tra tấn nhưng đồng thời lại thường xuyên bị kiểm tra y tế bắt buộc. “Họ bắt các học viên Pháp Luân Công đến bệnh viện gần nhất để khám tổng quát, gồm chụp X-quang, siêu âm và thử máu”, bà Annie nói.

Điểm thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công nằm đối diện Đại sứ quán Trung Quốc tại LondonĐiểm thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công nằm đối diện Đại sứ quán Trung Quốc tại London, Anh Quốc. Bên trái là một học viên Pháp Luân Công phương Tây. Bên phải là bà Annie Yang, một học viên người Hoa từng bị chính quyền Trung Quốc bức hại ở đại lục (Ảnh chụp màn hình video phóng sự của BBC đăng trên Youtube)

BBC cũng phỏng vấn ông Haikuan Liu, một học viên Pháp Luân Công từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trái phép vừa được trả tự do vào năm ngoái. Ông cho biết: “Ở bệnh viện trong tù, mấy lần họ đưa tôi đi, bảo tôi đưa tay vào một cửa sổ, trong đó có dây quấn quanh bắp tay tôi, rồi họ lấy kim chích máu ra. Không chỉ mình tôi, mọi học viên Pháp Luân Công đang bị giam đều như thế. Họ buộc chúng tôi từ bỏ đức tin, nếu chúng tôi không làm, họ sẽ đánh, vào vùng chân, tay và hông. Nhưng vùng nội tạng, họ tuyệt đối không đụng”.

Ông Liu miêu tả cách bị lấy máu trong tù. (Ảnh chụp màn hình từ video)

Cũng trong bài phóng sự, chủ tịch Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép nội tạng Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Y tế Hoàng Khiết Phu cho biết năm ngoái Trung Quốc chỉ tiến hành khoảng 15.000 ca cấy ghép, và phần lớn nguồn tạng trong số đó lấy từ hơn 6 triệu bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt bị tử vong hàng năm.

Khi phóng viên thắc mắc rằng, theo ước tính Trung Quốc phải tiến hành tới 100.000 ca cấy ghép hàng năm và tại sao các bệnh viện tìm được nội tạng rất nhanh chóng, ông Hoàng từ chối trả lời và bỏ đi.

Ông Hoàng Khiết Phu, người đứng đầu hệ thống phân bổ nội tạng của Trung QuốcÔng Hoàng Khiết Phu, người đứng đầu hệ thống phân bổ nội tạng của Trung Quốc, từ chối trả lời khi bị chất vấn về nguồn tạng dồi dào bất thường (Ảnh chụp màn hình phóng sự của BBC đăng trên Youtube)

Trong một cuộc thảo luận khác được ghi lại ở trường quay, BBC đã phỏng vấn nhà báo điều tra Ethan Gutmann, người được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2017 cho nỗ lực phơi bày hoạt động cấy ghép tạng phi pháp ở Trung Quốc; và bác sĩ Enver Tohti, người từng tham gia một ca thu hoạch tạng cưỡng bức ở Trung Quốc vào năm 1995.

Ông Tohti cho biết chỉ khi tới Anh Quốc, ông mới hiểu thế nào là văn minh và nhân quyền, và khi đó ông mới biết hành vi của mình là một tội ác. Sau khi nhà báo Gutmann công bố cuốn sách điều tra The Slaughter (tạm dịch: Đại Thảm sát), ông Tohti quyết định bước ra làm nhân chứng về hoạt động thu hoạch tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc. Kể từ đó, lời thú nhận của ông đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên khắp thế giới.

Nhà báo Ethan Gutmann, tác giả cuốn ‘Đại Thảm Sát’, nói với BBC rằng, sau thời điểm Bắc Kinh đưa ra tuyên bố ngừng sử dụng tù nhân làm nguồn cung cấp tạng, ông tiến hành điều tra và phát hiện con số ca cấy ghép mà Trung Quốc tiến hành hàng năm không phải hơn 10.000 như tuyên bố, mà phải “từ 60.000 đến 100.000”.

Ông Gutman nói: “Dù cho tính luôn cả con số nội tạng tự nguyện hiến mà họ bịa ra cũng không đủ lắp vào số chênh lệch đó. Chỉ có khả năng là tộc người Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, tín đồ Cơ đốc giáo tại gia”.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Gutman cũng thể hiện sự tôn trọng dành cho một số quốc gia tiến bộ trên thế giới đã tiên phong ban lệnh cấm công dân đến Trung Quốc du lịch ghép tạng, gồm Israel, Ý, Đài Loan và Tây Ban Nha.

Nhà báo Ethan Gutmann, tác giả cuốn sách The Slaughter (tạm dịch: Đại Thảm Sát) viết về hoạt động mổ cướp nội tạng do chính quyền Trung Quốc bảo trợ. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)

Phóng viên Matthew Hill cho rằng các nhóm rất dễ trở thành nạn nhân bị mổ cướp tạng bao gồm các học viên Pháp Luân Công (bị bức hại vì số học viên vượt quá số lượng Đảng viên năm 1999) và người Duy Ngô Nhĩ (có khoảng 500.000 đến 1 triệu người bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc, theo báo cáo của Nghị viện Hoa Kỳ). Ông Hill cũng đặt ra nghi vấn về thời gian chờ ghép tạng cực ngắn tại các bệnh viện Trung Quốc, cũng như làm thế nào chính quyền Bắc Kinh vượt qua suy nghĩ “chết phải toàn thây” vốn đã ăn sâu vào tư tưởng người dân Trung Quốc để đi đến con số người hiến tạng mà họ tuyên bố.

Phóng viên BBC, ông Matthew Hill nói về Pháp Luân Công. (Ảnh chụp màn hình từ video)

Phóng viên Howard Jiang của đài BBC tiếng Trung, chuyên làm phóng sự điều tra về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, cho biết đồng tiền là “luật” đầu tiên và cao nhất ở quốc gia này. Ông nói: “Về cơ bản, tiền là luật số 1. Miễn là có lợi, có tiền, rất nhiều loại chuyện đều có thể xảy ra”. 

Ông Howard Jiang của BBC tiếng Hoa nói rằng ở Trung Quốc “tiền là luật số 1”. (Ảnh chụp màn hình từ video phóng sự của BBC)

Phóng viên Matthew Hill cho rằng vì Trung Quốc vẫn chưa cho phép bác sĩ phẫu thuật quốc tế thẩm định bệnh viện tại địa phương xem liệu có thật sự diễn ra hoạt động thu hoạch tạng cưỡng bức hay không, từ đây đến lúc hình thức vận hành hệ thống cấy ghép Trung Quốc trở nên minh bạch, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nạn mổ cướp tạng vẫn đang tiếp tục diễn ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới