Dưới sức ép từ các đòn thương mại của Washington, quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang trở nên tốt đẹp nhất trong 6 năm qua.
Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhậm chức 6 năm trước, người Trung Quốc không bao giờ nghĩ rằng đến một ngày họ sẽ trải thảm đỏ chào đón ông. Nhưng điều đó sắp xảy ra, và bước ngoặt trong quan hệ Trung – Nhật này phần lớn là do Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo NYT.
Abe hôm nay tới Bắc Kinh để kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp ước hòa bình, hữu nghị giữa hai nước và sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày mai. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản trong suốt 7 năm qua.
Khi Abe nắm quyền vào năm 2012, quan hệ Trung – Nhật trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau động thái của Tokyo quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và cũng tuyên bố chủ quyền. Quyết định của chính quyền Abe vấp phải làn sóng phản đối và biểu tình bạo lực dữ dội nhắm vào người Nhật làm ăn, sinh sống trên đất Trung Quốc, đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II.
Tàu tuần tra hai nước liên tục rượt đuổi nhau trên vùng biển quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư và Nhật tuần trước ra kháng thư chính thức phản đối sự xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực mà Tokyo coi là lãnh hải của mình, theo NHK. Nhật Bản cũng tăng cường hoạt động tuần tra, thậm chí tháng trước còn cho tàu ngầm lần đầu tiên diễn tập trên Biển Đông để phản đối các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển quốc tế.
Nhưng mối quan hệ Trung – Nhật đang ấm lên nhanh chóng khi cả hai cùng nhận ra rằng mình đang trở thành mục tiêu trong đòn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi Trung Quốc liên tiếp hứng chịu các đòn áp thuế từ Mỹ trong cuộc chiến thương mại khốc liệt, các lãnh đạo và doanh nghiệp Nhật Bản cũng không khỏi thấp thỏm khi Trump đòi đàm phán lại hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Các nhà sản xuất ôtô Nhật cũng rất lo sợ về kịch bản sản phẩm của họ sẽ bị Trump đánh thuế cao trên thị trường Mỹ.
Dù vẫn duy trì quan hệ đồng minh thân thiết về địa chính trị với Mỹ, Thủ tướng Abe hiểu rõ cách nhìn “phi truyền thống” của Trump với các đồng minh và muốn có phương án đảm bảo hơn trước những quyết định khó lường của Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, ông Tập lại coi Nhật là một giải pháp để giảm nhẹ nguy cơ từ cuộc chiến thương mại của Mỹ. Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật.
“Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và bảo hộ thương mại của chính quyền Trump là động cơ hàng đầu thúc đẩy Bắc Kinh và Tokyo cải thiện quan hệ”, Zhu Feng, chuyên gia về châu Á tại Đại học Nanjing, nói. “Trump rõ ràng đã làm gia tăng sự hoài nghi của Nhật đối với vai trò và độ tin cậy của Mỹ trong khu vực”.
Trong phái đoàn của Thủ tướng Abe tới Trung Quốc lần này có 500 đại diện của các doanh nghiệp lớn nhằm thảo luận về cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Hai bên cũng sẽ xem xét việc khôi phục cơ chế trao đổi tiền tệ được đưa ra từ năm 2013 và việc cho mượn những con gấu trúc.
Nhật cũng đồng ý ký một thỏa thuận với Trung Quốc cùng tham gia những dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, dù Tokyo từ trước tới nay tuyên bố sẽ không tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường do Bắc Kinh khởi xướng. Tập đoàn Toyota cũng lên kế hoạch tăng công suất sản xuất xe hơi ở Trung Quốc lên 20% và mở rộng nhà máy ở hai thành phố lớn của nước này.
“Hợp tác kinh tế và thương mại là nền tảng và động lực cho quan hệ Trung – Nhật, tạo cơ sở cho sự tin tưởng chính trị lẫn nhau”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói tuần trước.
Hai nước cũng đang thúc đẩy để đi đến thống nhất về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại gồm 16 nước ở châu Á – Thái Bình Dương. SCMP hồi đầu tháng đưa tin Trung Quốc cũng đang xem xét tham gia CPTPP, vốn được Nhật Bản thúc đẩy để thay thế TPP sau khi Mỹ quyết định rút.
Abe (trái) bắt tay ông Tập bên lề hội nghị APEC ở Việt Nam tháng 11/2017. Ảnh: AP. |
Abe hôm qua tuyên bố trước quốc hội Nhật rằng ông sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với Nhật Bản thông qua các chuyến thăm thường kỳ của lãnh đạo hai nước và hợp tác doanh nghiệp.
“Hai bên đều cần nhau”, Yu Tiejun, chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Peking, nói. “Họ cần cải thiện quan hệ để đối phó với sự bất định mà Trump gây ra ở châu Á. Đây là khởi đầu tốt, tốt hơn so với quan hệ căng thẳng”.
Vẫn còn trắc trở
Dù có những bước tiến về kinh tế và thương mại, quan hệ Trung – Nhật khó có thể có bước nhảy vọt trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là khi hai bên vẫn tồn tại những hoài nghi về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, theo các chuyên gia.
Stephen Nagy, giáo sư tại Đại học Kito giáo Quốc tế ở Tokyo, cho rằng trong cuộc gặp sắp tới, cả Abe và ông Tập đều không hướng tới mục đích hòa giải giữa hai nước, cũng không nhằm thiết lập một mối quan hệ gắn bó máu thịt. Với Trung Quốc, đây là cơ hội để “dập tắt lửa ngoại giao” ở khu vực xung quanh nhằm toàn tâm toàn ý đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
“Khi đưa ra những củ cà rốt kinh tế cho Tokyo, Bắc Kinh hy vọng sẽ làm giảm bớt căng thẳng, tối đa hóa hợp tác kinh tế và khoét sâu khoảng cách giữa Mỹ với Nhật”, Nagy viết trên Policy Forum. “Còn chính quyền của Abe hiểu rằng họ cần nền kinh tế tăng trưởng bền vững, vốn chịu tác động lớn từ kinh tế Trung Quốc. Bởi vậy, Tokyo sẵn sàng gác lại các vấn đề chính trị để tập trung vào hợp tác kinh tế”.
Dù vậy, có những vấn đề Nhật và Trung Quốc rất khó tìm được tiếng nói chung, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ. Đây là lý do chính khiến phần lớn người dân Nhật có cảm nhận tiêu cực nhất thế giới về Trung Quốc, theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Dù cảm nhận của người Trung Quốc về Nhật đã được cải thiện trong những năm qua, dư luận Nhật vẫn giữ nguyên quan điểm về người láng giềng khổng lồ.
Yuichiro Tamaki, lãnh đạo một đảng đối lập lớn của Nhật, cho biết nhiều nghị sĩ trẻ trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Abe cũng tỏ ra cảnh giác về mối quan hệ với Trung Quốc. “Có rất ít người trẻ muốn thân thiện với Trung Quốc”, Tamaki nói, nhưng cũng khẳng định rằng đảng của ông sẵn sàng mở vòng tay với Trung Quốc khi thích hợp.
Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông trở thành tâm điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tuần trước gặp nhau lần đầu tiên trong ba năm qua và nhất trí tăng cường giao lưu quân sự, thiết lập một đường dây nóng để tránh đụng độ bất ngờ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya trong cuộc gặp cũng chỉ trích các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Một quan chức chính phủ Nhật khẳng định quan hệ song phương sẽ không được cải thiện thực sự nếu căng thẳng trên biển Hoa Đông không được hạ nhiệt.
“Chúng tôi vẫn chưa giải quyết hết mọi chuyện với Nhật”, Gui Yongtao, giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Peking, cho biết. “Nhưng những vấn đề đó hiện nay được xếp thấp hơn nhiều so với nguy cơ từ Mỹ. Chúng tôi vẫn không hiểu điều gì sẽ xảy ra trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc”.
Kunihiko Miyake, giáo sư tại Đại học Ritsumeikan, có chung nhận định về sự xích lại gần nhau giữa Nhật và Trung Quốc. “Không ai nghĩ rằng quan hệ Trung – Nhật đã khôi phục hoàn toàn, và họ không nên nghĩ vậy. Chúng tôi đang trong thời kỳ cả hai bên đều tìm cách tối thiểu hóa bất đồng trong một mối quan hệ được gọi là tốt đẹp”.