Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ cứ ép ASEAN kiểu này, sẽ khó có COC

TQ cứ ép ASEAN kiểu này, sẽ khó có COC

Một số nội dung Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có thể dẫn đến xung đột giữa Bắc Kinh và Washington.

VOA ngày 22/10 dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, các quan chức và chuyên gia Mỹ đã cảnh báo rằng, một số nội dung Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có thể dẫn đến xung đột giữa Bắc Kinh và Washington.

Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo COC 2 nội dung. Một là, “các bên không được mời quốc gia ngoài khu vực tổ chức tập trận quân sự chung, trừ phi các bên liên quan được thông báo trước hoặc không phản đối”.

Nội dung thứ 2 Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo COC khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế biển “không nên triển khai với các công ty nước ngoài ngoài khu vực này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với VOA, Washington rất quan tâm đến việc Trung Quốc liên tục gây sức ép với các thành viên ASEAN trong các cuộc họp kín;

Trong đó, Bắc Kinh yêu cầu các nước này hạn chế các hoạt động thao diễn chung với các đối tác an ninh và từ chối hợp tác với các doanh nghiệp năng lượng ngoài khu vực.

“Nếu các đề xuất này của Trung Quốc được chấp thuận, nó sẽ hạn chế chính việc thực thi chủ quyền, tính độc lập trong ngoại giao và năng lực hoạch định chính sách kinh tế của các nước (ASEAN), đồng thời làm tổn hại lợi ích rộng rãi của cộng đồng quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tiến sĩ Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bình luận:

“Nói cách khác thì Trung Quốc hy vọng có quyền phủ quyết các hoạt động hợp tác quân sự, tập trận chung giữa các thành viên ASEAN với các nước ngoài khu vực.

Tôi cho rằng thực sự điều này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc có ý đồ muốn hạn chế ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, cuối cùng hất cẳng Mỹ khỏi đây.”

Hoa Kỳ kêu gọi duy trì sự minh bạch trong quá trình đàm phán về COC và có sự hiệp thương với các nước khác trong cộng đồng quốc tế, bởi cộng đồng quốc tế có quan hệ lợi ích trực tiếp với kết quả đàm phán COC.

Mặc dù Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thỏa thuận khung dự thảo COC, nhưng những gì được tiết lộ cho truyền thông thì COC sẽ không phải công cụ giải quyết tranh chấp lãnh thổ hay phân định biển.

Mặt khác, khung dự thảo vẫn còn nguyên những khác biệt to lớn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, nhất là trong các vấn đề nhạy cảm như phạm vi áp dụng COC, cơ chế giải quyết các tranh chấp tiềm ẩn hay việc thăm dò khai thác tài nguyên trên Biển Đông.

Tháng Tám năm nay, Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ đã đồng thanh kêu gọi các bên đàm phán COC không nên gây tổn hại đến lợi ích của bên thứ 3 cũng như quyền lợi của tất cả các quốc gia mà luật pháp quốc tế đã quy định.

RELATED ARTICLES

Tin mới