Chính quyền Tổng thống Trump sẵn sàng tăng cường các biện pháp đối kháng với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh dường như đã trở thành nguy cơ đáng lo ngại đối với Hoa Kỳ hơn cả Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh The Hugh Hewitt Show ngày 26/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cập đến một loạt những chủ đề tai tiếng của chính quyền Trung Quốc, từ chính sách thương mại, hoạt động quân sự ở Biển Đông, việc đàn áp các nhóm tín ngưỡng, đến việc tìm cách gây ảnh hưởng đến các nước khác thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Ông Pompeo cho rằng đó là những bằng chứng cho thấy các sáng kiến kinh tế và ngoại giao của Bắc Kinh đã trở nên ác tính hơn trong hai đến ba năm qua, theo SCMP.
Ông bình luận: Trung Quốc đang gắng mua một ‘đế chế’. Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cũng khẳng định: “Chúng tôi có ý định chống lại [hành vi của] họ ở bất kỳ thời điểm nào”.
Chiêu thức Bắc Kinh đang dùng là bằng những khoản hối lộ nhằm mua chuộc giới lãnh đạo cấp cao các nước, để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng gây tổn hại người dân tại chính quốc gia đó. Và ý tưởng xây dựng một “đế chế vận hành bằng kho bạc” này có thể sẽ gây tác động xấu đến từng con nợ, cũng như rủi ro về lợi ích đối với người Mỹ, theo ông Pompeo.
Chính quyền Tổng thống Trump và các nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc cả 2 đảng [Dân chủ và Cộng hoà] đã chỉ trích Trung Quốc từ nhiều khía cạnh.
Ông Mike Pompeo hôm 11/5/2017. (Ảnh: Reuters)
Trong một bài báo xuất bản trên trang Washington Examiner, phóng viên Joel Gehrke viết : Ông Tập đã phát kiến “Vành đai Con đường” nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng đất liền và trên biển trên toàn thế giới, một trong những chính sách ngoại giao trung tâm của ông trong những năm gần đây. Giới chức Mỹ nhận thấy dự án này là một hình thức để chế độ cộng sản Trung Quốc gia tăng quyền lực trên toàn thế giới, đặc biệt là khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát các cảng và đường sắt có vị trí chiến lược. Bắc Kinh bào chữa rằng các khoản chi cho dự án là đầu tư “win-win” [đôi bên cùng có lợi] tại các địa phương và không ảnh hưởng tài chính phương Tây. Đáp lại, giới chức Phương Tây vẫn duy trì quan điểm rằng Trung Quốc đang sử dụng các khoản cho vay cướp bóc nhằm chiếm quyền sở hữu các dự án cơ sở hạ tầng sau khi các nước nghèo không trả nổi nợ.
“Họ đang định vị chính họ tại tất cả các cảng khác nhau – tại Eo biển Malacca, trên Biển Đông. Tiếp đó họ tăng cường ảnh hưởng bằng các tàu tại El Salvador, tàu tại Cuba, tàu tại Haiti…Tôi cho rằng đó là một lý do đáng để lo ngại”, theo Nghị sỹ Ted Yoho, Chủ tịch Tiểu ban Đối Ngoại về châu Á và Thái Bình Dương và thuộc thành viên thuộc tiểu ban Tây Bán cầu.
Chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng hàng loạt chính sách cứng rắn với Trung Quốc trên nhiều phương diện, trong đó có Biển Đông (Ảnh: Twitter)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang chỉ đạo một chiến dịch của Chính quyền Tổng thống Trump nhằm đối kháng với “Vành đai Con đường” bằng cách tạo điều kiện cho đầu tư khu vực tư nhân.
Trong 4 tháng qua, Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra một cuộc chiến thương mại nhắm tới hơn một nửa hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Hoa Kỳ. Nghị viện Mỹ thông qua luật tăng cường giám sát đầu tư Trung Quốc trong nước, và Bộ Ngoại giao dưới quyền ông Pompeo sẽ bắt đầu hạn chế thị thực đối với học sinh sinh viên Trung Quốc đã tốt nghiệp muốn theo đuổi các bằng cấp thuộc các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm tại Mỹ, theo SCMP.
Du học sinh Trung Quốc, cô Yang Shuping đã đưa ra sự so sánh giữa ô nhiễm không khí tại Trung Quốc và các hạn chế về tự do ngôn luận giữa Mỹ và Trung Quốc trong bài diễn văn tốt nghiệp tại trường Đại học Maryland vào năm 2017. (Ảnh: Youtube)
Bên cạnh đó, tin tức gần đây cho hay ông Trump và ông Tập có kế hoạch gặp gỡ trong hội nghị G20 sắp tới tại Buenos Aires. Tin tức dấy lên hy vọng rằng cả 2 bên có thể giải quyết cuộc chiến thuế quan. Cố vấn kinh tế hàng đầu Nhà Trắng, Larry Kudlow cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC tuần này rằng hai nhà lãnh đạo sẽ “gặp nhau một chút” trong hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra ngày 30/11 và 1/12.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. (Ảnh: Jim Watson/ AFP/ Getty Images)
Tuy nhiên, một ngày sau bình luận của ông Larry Kudlow, tờ The Wall Street Journal đưa tin, cuộc họp có thể sẽ không diễn ra cho tới khi Trung Quốc kết thúc yêu sách rằng các công ty nước ngoài hoạt động tại nước này phải chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh tại địa phương.
Về cuộc họp, chính quyền Tổng thống Trump không đưa ra bình luận chính thức về khả năng diễn ra.
Hai tuần trước khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đưa ra những ý kiến này, Giám đốc FBI Christopher Wray cho rằng Trung Quốc đã trở thành nguy cơ đe hoạ hơn cả Nga đối với Hoa Kỳ. Ông Wray cho biết trong một cuộc họp của Uỷ ban An ninh Quốc gia Thượng viện ngày 10/10: “Trung Quốc theo nhiều cách đang cho thấy mối đe dọa lớn nhất, phức tạp nhất, lâu dài nhất về tình báo phản gián mà chúng ta phải đối mặt”.