Mẫu tên lửa PL-XX có thể nhắm đến mục tiêu ở tầm xa và có những hỗ trợ khiến nó trở thành một nguy cơ đối với không quân Mỹ.
Tên lửa ‘giấu tên’ bên dưới chiến đấu cơ Shenyang J-16 xuất hiện năm 2016. (Ảnh: Weibo)
Theo Popular Mechanics (PM), Không quân Trung Quốc đang xây dựng ý tưởng một mẫu tên lửa bí ẩn hòng đối chọi với sức mạnh tân tiến của Không quân Mỹ.
Vũ khí được biết đến với tên PL-XX này là một tên lửa tầm xa, được cấu tạo để công kích máy bay của kẻ thù ngay cả bên ngoài một trận chiến trên không.
Trọng điểm của tên lửa này được cho là khả năng bắn hạ các máy bay tiếp dầu, các máy bay cảnh báo sớm, và những loại máy bay hỗ trợ khác mà lực lượng máy bay chiến đấu của Mỹ dựa vào trong giao chiến.
Nếu không có các lực lượng này, sức mạnh trên không của Mỹ sẽ gặp bất lợi nghiêm trọng, khiến Trung Quốc có thể giành được ưu thế.
Tên lửa từng xuất hiện năm 2016 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, là chủ đề của một bài viết mới trên tạp chí Aviation Week & Space Technology (Tuần hàng không và Công nghệ vũ trụ).
PL-XX mang thiết kế “PL” điển hình chung cho các tên lửa không đối không của Trung Quốc. Với chiều dài 18 feet (khoảng 5,5 m), PL-XX được cho là có tầm bắn vượt qua 100 dặm (khoảng 160 km), phạm vi tối đa đặc trưng cho tên lửa không-đối-không.
Theo PM, máy bay Mỹ cần nhiều hỗ trợ để phát huy đủ tiềm năng chiến đấu. Do đó, máy bay tiếp dầu, máy bay điều khiển và chỉ huy, máy bay do thám là xương sống cho phép máy bay chiến đấu hoạt động ở các phạm vi dài.
Ví dụ, một máy bay cảnh báo sớm AWACS E-3 Sentry có thể phát hiện máy bay địch ở những phạm vi dài hơn, điều hướng cho các máy bay chiến đấu bay khi tắt radar – một kỹ thuật khiến họ khó bị phát hiện hơn.
Các máy bay AWAC cũng dàn trận và chỉ đạo lực lượng chống lại lực lượng đối phương. Trong khi đó các máy bay tiếp nhiên liệu trên không mở rộng phạm vi hoạt động cho các máy bay chiến đấu tầm ngắn như F-35.
Nếu không có những hỗ trợ này, không quân Mỹ sẽ gặp bất lợi lớn. Các máy bay tàng hình sẽ phải bay với radar liên tục để tìm kiếm kẻ thù, phát ra bức xạ điện từ mà kẻ thù có thể dùng để truy dấu họ.
Phối hợp trong trận chiến trên không cũng sẽ trở nên khó khăn và ít hiệu quả hơn, khi mỗi cá nhân phi công vừa phải kiểm soát phối hợp vừa có nhiệm vụ tác chiến riêng.
Không được tiếp nhiên liệu trên không, khả năng nhắm vào các mục tiêu sâu trong hàng ngũ địch cũng trở nên ngoài tầm với và các máy bay sẽ phải tuần tra ở những phạm vi ngắn hơn nhiều.
Tên lửa mới của Trung Quốc nhìn chung có thể hoạt động như thế này: Trong trận chiến trên không, một chiến đấu cơ Chengdu J-20 mang theo tên lửa PL-XX cố gắng bay quanh chiến đấu cơ Mỹ, tìm kiếm máy bay tiếp nhiên liệu hoặc máy bay AWACS.
Nếu tìm ra mục tiêu, J-20 sẽ phóng tên lửa từ xa rồi rút. Kể cả tên lửa bắn trượt, nguy hiểm vẫn có thể khiến máy bay hỗ trợ của Mỹ phải bay xa hơn máy bay bạn, hạn chế hoạt động hiệu quả tổng thể.
Theo PM, PL-XX có ý tưởng dường như giống tên lửa K-100 của Liên Xô. Được Novator phát triển, K-100 nổi bật trong số các tên lửa không đối không với đặc điểm của một tên lửa hai giai đoạn, sử dụng bộ phận đẩy đến từ tên lửa phòng không S-300 khiến nó có tầm bắn 186 dặm (gần 300 km).
K-100 ước tính dài 19,7 feet (khoảng 6 m) và nặng gần 2 tấn. Điều này giúp K-100 có khả năng đeo bám các mục tiêu bay trong khoảng 10 đến 98.425 feet (3 m đến 30 km), với tốc độ lên đến 2.485 dặm (gần 4.000 km) một giờ.
Cũng theo PM, Quân đội Mỹ nhận thức được mối đe dọa này đối với các máy bay và đang tìm kiếm lắp đặt những hệ thống phòng thủ bao gồm laser để bảo vệ máy bay nhiên liệu và các máy bay hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, Mỹ cũng phát triển một máy bay tiếp dầu tàng hình mới gọi là KC-Z.