Điều đau nhất là doanh nghiệp chỉ mang về được chút USD nhưng thương hiệu Việt bị mất, thị trường trong nước để nước ngoài khai thác.
Trước nghịch lý của thị trường Việt Nam: của ngon đem bán nước ngoài, còn trong nước hưởng hàng chất lượng kém hơn mà giá cao hơn, thậm chí còn để thị trường cho nước ngoài khai thác, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú – nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, nghịch lý này đã kéo dài suốt nhiều năm nay.
Nghịch lý này, theo ông Phú, có ở hầu khắp các sản phẩm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Chẳng hạn như cà phê, dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới thì người dân ở trong nước đa phần lại phải uống cà phê trộn phụ gia, hương liệu, hóa chất với giá cao bởi những loại cà phê ngon nhất, đạt chất lượng nhất đều được các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng thô.
Về giá, chuyện người dân Việt phải ăn gạo đắt trong khi doanh nghiệp xuất khẩu với giá rẻ đã là câu chuyện kéo dài bao năm qua. Giá đường xuất đi ngay tại cổng nhà máy chỉ có 11.000-13.000 đồng/kg (đã bao gồm VAT) nhưng người dân trong nước phải mua với giá 21.000 đồng/kg.
Về chất lượng, loại tôm ngon nhất dân Việt Nam không được ăn mà để dành xuất khẩu, chỉ đến khi xuất khẩu không được thì phải quay về thị trường nội địa tiêu dùng. Trong khi nhiều nước cấm, yêu cầu phải đổ hàng trả về ra phao số 0 thì cũng có nước “du di”, cho người dân “ăn tạm”. Nhưng “ăn tạm” ở đây, theo ông Vũ Vinh Phú là hàng không có chất độc, còn với hàng Việt Nam, nhiều khi bị trả về là do có kháng sinh, bơm tạp chất và khi người dân “ăn tạm” thì có nghĩa là tự người Việt đã làm giảm tuổi thọ của người Việt.
“Điều đang diễn ra ở Việt Nam trái ngược hẳn với ở nước ngoài. Tiêu biểu như ở Nhật, cái gì ngon nhất, đẹp nhất, an toàn nhất người ta để cho dân Nhật, kế đến mới dành cho xuất khẩu.
Yếu huyệt ở chỗ chúng ta đã nâng quả bóng cho nước ngoài đập. Khi hàng nội địa của chúng ta kém, giá cao thì hàng Thái Lan, hàng Nhật Bản và của các nước khác vào.
Như thịt lợn, Bộ Nông nghiệp kêu mãi giá không xuống, có chăng xuống “tí ti” thì thịt lợn Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ chỉ bằng một nửa giá trong nước.
Ở trong nước, chúng ta nâng giá đường lên thì đường Thái Lan tràn vào, nhất là khi thuế lại bằng 0.
Đây là thất bại tạm thời của hệ thống phân phối và vấn đề sản xuất của Việt Nam. Hai khâu ấy không gắn kết và tôi phải nhắc lại câu chuyện muôn thuở là chúng ta đang tự hại chúng ta.
Đã vậy, hàng Việt lại còn bị “đè” với phí cầu đường; vào đến siêu thị thì phải gánh thuế, phí, chiết khấu lên tới 30%… Tất cả những chi phí ấy sẽ tính vào giá tôm, giá rau, giá thịt…, đẩy giá của sản phẩm lên và như vậy chúng ta đã nhường thị trường trong nước cho nước ngoài”, ông Vũ Vinh Phú trăn trở.
Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nộ, lẽ ra doanh nghiệp phải đẩy cao năng lực cạnh tranh trong chính thị trường nội địa trước khi nhắc đến xuất khẩu. Lẽ ra phải đảm bảo cho gần 100 triệu người dân được ăn ngon, giá hợp lý rồi mới nói đến xuất khẩu. Còn bây giờ, doanh nghiệp Việt đang mải mê xuất khẩu để thị trường đầy tiềm năng trong nước cho nước ngoài nhòm ngó.
“Doanh nghiệp thích xuất khẩu vì họ thu được USD nhưng chúng ta được gì ngoài chút tiền gia công?
Một chiếc áo sơ mi xuất khẩu doanh nghiệp ‘ăn’ được mấy cent tiền công, trong khi từ nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu… nước ngoài hưởng tất. Nguy hiểm hơn, áo sơ mi đến kho của nước ngoài lập tức họ đổi mã vạch thành sản phẩm của nước họ, vậy là thương hiệu Việt bị mất. Chúng ta tham bát bỏ mâm, mất thương hiệu còn đau hơn nhiều so với chút giá trị USD mang về và doanh nghiệp Việt cũng không biết được mình đang ở khâu nào trong chuỗi giá trị.
Thị trường nội địa Việt Nam rất tiềm năng nhưng doanh nghiệp lại không mặn mà, không biết liên kết, hợp tác với nhau. Chúng ta đang thua kém nhiều mặt nhưng doanh nghiệp lại không chịu nghiên cứu, mày mò, kết nối với nhau, ngược lại còn xoay lưng vào nhau, cắt khúc nhau, tự hại nhau… “, ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, một trong những việc Việt Nam cần làm ngay là nâng cao công nghiệp chế biến – vốn là khâu cực yếu của hàng hóa Việt Nam, đồng thời cần luật hóa việc phân phối lợi nhuận giữa sản xuất và phân phối để phát huy động lực phát triển.
“Doanh nghiệp Việt muốn quay về thị trường nội địa phải kiên trì, đừng dễ làm, khó bỏ. Tại sao nước ngoài muốn thị trường của ta mà doanh nghiệp của ta lại chối bỏ tiềm năng trong đất nước, phải chở hàng hóa sang bán ở nước khác? Làm như vậy, chúng ta đang tự đánh mất cái đang có trong túi của chính mình”, ông Phú lưu ý.