Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCuộc đấu siêu cường Mỹ-TQ và “bẫy chiến tranh Thucydides”

Cuộc đấu siêu cường Mỹ-TQ và “bẫy chiến tranh Thucydides”

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều phương diện thời gian qua có nguy cơ đẩy hai quốc gia này rơi vào chiếc “bẫy Thucydides”.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trong thời gian qua, trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Điều này khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi liệu hai quốc gia có nguy cơ tiến gần tới cái gọi là “bẫy Thucydides” tức cuộc chiến giữa siêu cường số 1 và một cường quốc đang trỗi dậy. Mỹ cần phải xem xét cẩn trọng liệu đó có phải là lợi ích tốt nhất của nước này để tiếp tục đi theo con đường đó hay không, còn Trung Quốc cũng cần xem xét cách giải quyết các thách thức một cách khôn ngoan.

Cuộc đấu chưa ngã ngũ giữa Mỹ và Trung Quốc

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc khởi nguồn từ cuộc chiến thương mại đã bắt đầu lan rộng sang các lĩnh vực khác. Mỹ hiện giờ cho rằng Trung Quốc đã trở thành đối thủ chiến lược chính của nước này, thậm chí cáo buộc Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ và tìm cách thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ.

Trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công, sự trỗi dậy của cuộc cạnh tranh về quyền lực, về địa chính trị cũng như chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ đang làm suy yếu sợi dây gắn kết đã được gây dựng giữa các quốc gia trong những thập kỷ gần đây. Những bất ổn này dường như đang kéo thế giới trở lại thời điểm hỗn loạn những năm đầu thế kỷ 20.

Nguyên nhân của những mối căng thẳng đó rất nhiều và đa dạng, bao gồm cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia mới nổi về tăng trưởng, cạnh tranh về công nghiệp và kỹ thuật, bên cạnh đó là sự tái cơ cấu địa chính trị. Do những nghi ngại liên quan đến sự khác biệt trong hệ thống chính trị, Mỹ và các nước phương Tây khác đang ngày càng cảnh giác, thậm chí lo sợ về những bước tiến vượt trội của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ cần phải nhận ra rằng, nhiều trong số những lời than phiền của nước này đều thiếu căn cứ. Mỹ luôn tin nước này là nạn nhân của việc toàn cầu hóa, tuy nhiên các số liệu lại cho thấy một câu chuyện khác. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng từ 5,98 nghìn tỷ USD năm 1990 tới 19,39 nghìn tỷ USD vào năm 2017. Cũng trong khoảng thời gian đó GDP bình quân trên đầu người của Mỹ tăng 35.577 USD, trong khi GDP bình quân trên đầu người của Trung Quốc cùng kỳ chỉ tăng 8.509 USD, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ.  

Thực tế cho thấy, Mỹ mới là bên được hưởng lợi lâu dài từ chính sách toàn cầu hóa. Các công ty đa quốc gia của Mỹ đã thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Và cũng không nghi ngờ gì khi sự thịnh vượng và tiêu chuẩn sống cao ở xứ cờ hoa được tạo ra nhờ việc đặt các nhà máy sản xuất ở nước ngoài với chi phí thấp, nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ và sự lưu thông đồng USD trên toàn cầu.

Mặc dù vậy, một số nhân vật tại Mỹ dường như đang hy vọng “tách rời” hai nền kinh tế lớn nhất thế giới để giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc, hoặc ít nhất trì hoãn tiến trình phát triển của Trung Quốc. Nhưng có lẽ, những đòi hỏi mà họ đặt ra quá lớn đến mức mà Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài quyết định đối đầu và bước vào một cuộc chiến giành quyền lực với cái giá phải trả vô cùng lớn.

Nền tảng của những tranh chấp hiện nay là sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Bộ Thương mại Mỹ cho biết năm 2017 thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của nước này đã tăng lên 566 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2008. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thâm hụt thương mại năm 2017 của Mỹ với Trung Quốc đạt gần 276 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử thương mại hai nước.

Theo quan điểm của Mỹ, mức thâm hụt thương mại lớn như vậy là do Trung Quốc đang có hành vi thương mại thiếu công bằng. Báo cáo số 301 của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ năm 2018 đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc sử dụng quy trình cấp phép và phê duyệt hành chính để buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ để có giấy phép hoạt động tại Trung Quốc”. Còn theo quan điểm của Trung Quốc, sự mất cân bằng thương mại giữa hai bên là một vấn đề mang tính cơ cấu lâu dài, cần phải được giải quyết thông qua đối thoại.

Chiếc bẫy Thucydides có thể tránh được?

Trung Quốc và Mỹ đã cùng nhau lớn mạnh trong cùng một hệ thống kinh tế toàn cầu suốt 40 năm qua. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, rất cần nhau trong giải quyết những hồ sơ quôc tế như chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu hay chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Cụm từ “bẫy Thucydides” nhắc đến những quan sát của sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens vào thế kỷ 5 trước công nguyên. Ngày nay khái niệm “bẫy Thucydides” được dùng để diễn tả những mối nguy hiểm trong thời kỳ mà một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một quyền lực mới đang lên.

Sự liên kết sâu sắc trên bình diện quốc tế và cấu trúc kinh tế bổ sung lẫn nhau đồng nghĩa với việc quá trình tách rời quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là một quá trình kéo dài và “đau đớn” với mức độ thiệt hại rất khó để đo lường đối với mỗi quốc gia và với nền kinh tế thế giới.

Lật lại lịch sử, sự thay đổi chiều hướng không được thực hiện vào một thời điểm cụ thể hay thông qua một sự kiện đơn lẻ mà qua cả quá trình điều chỉnh và ứng phó với các vấn đề cụ thể. Và bức tranh toàn cảnh chỉ được tiết lộ ngay sau đó. Sự lựa chọn mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra sẽ tạo ra ảnh hưởng trong một thời gian dài.

Nếu Trung Quốc và Mỹ hợp tác cùng với nhau, họ có thể giành được nhiều thành công lớn. Trái lại nếu đối đầu, thì mối nguy hiểm sẽ khôn lường đối với cả hai quốc gia và cả thế giới. Các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đều không có khả năng nhìn thấu ý định của nhau đối với mỗi vấn đề cơ bản. Ông Fu Ying, chuyên gia chính của Viện Chiến lược Quốc tế của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, nhiều cáo buộc mà Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc bắt nguồn từ việc Mỹ thiếu thông tin đầy đủ về mục đích và các mối quan tâm của Trung Quốc. Một số cáo buộc chỉ dựa vào các trường hợp hoặc các sự cố riêng lẻ, với ý định hạ thấp uy tín của Trung Quốc. Ông Fu Ying cho rằng, nếu như một cá nhân Trung Quốc hoặc một thành viên của giới truyền thông Trung Quốc bình luận về nền chính trị Mỹ một cách minh bạch và hợp pháp thì điều này không thể coi là sự can thiệp chính thức vào vấn đề nội bộ của Mỹ.

Như cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói: “Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không bao giờ trở nên quá tốt hoặc quá xấu”, đơn giản vì nó quá quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và sự ổn định trong khu vực. Điều này sẽ giúp ngăn chặn cuộc chiến về kinh tế chuyển thành cuộc chiến về quân sự.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, Trung Quốc và Mỹ đã trải quan nhiều giai đoạn căng thẳng trong quan hệ, chẳng hạn như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan năm 1981, vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1999 và đụng độ máy bay quân sự năm 2001. Tuy nhiên những sự cố này không dẫn tới leo thang xung đột quân sự. Ngược lại quan hệ song phương không chỉ được duy trì mà còn phát triển mạnh sau đó. Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo hai nước đều mong muốn giảm căng thẳng và duy trì quan hệ song phương và điều này đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của cả Mỹ và Trung Quốc.

Ở thời điểm hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thấy “Cái bẫy Thucydides” nguy hiểm đang hiện hữu và tìm mọi cách thoát ra. Đây cũng là lý do hai bên thiết lập một loạt kênh đối thoại để lấp đẩy các lỗ hổng thiếu lòng tin chiến lược. Trong cuốn sách “Con đường dẫn tới chiến tranh: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát khỏi chiếc bẫy Thucydides”, tác giả Graham Allison cho biết, Trung Quốc và Mỹ cần phải thực hiện mọi nỗ lực để xoa dịu căng thẳng và thiết lập hòa bình bởi những mưu lược hay kế sách của quốc gia này nhằm kiềm chế quốc gia khác có thể khiến đối phương đưa ra biện pháp đáp trả tương tự, từ đó đẩy các bên tiến nhanh, tiến gần hơn “Cái bẫy Thucydides” định mệnh

RELATED ARTICLES

Tin mới