Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhương Tây đang dè chừng TQ như thế nào?

Phương Tây đang dè chừng TQ như thế nào?

Phương Tây đang giật mình vì những con số thống kê cho thấy bản chất và quy mô của vấn đề hợp tác nghiên cứu khoa học quân sự.

Năm 2016, Huang Xianjun, một sinh viên người Trung Quốc hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Manchester, với công trình khám phá ra graphene, một loại vật liệu có khả năng dẫn điện và rất linh hoạt.

Sau đó, nhà khoa học này trở về Trung Quốc để làm việc cho các dự án quan trọng cho Quân đội nước này (PLA).

Cơ quan quốc phòng châu Âu đã mô tả graphene là một trong những vật liệu có tiềm năng nhất để làm cuộc cách mạng về khả năng phòng thủ trong thập kỷ tới.

Cơ quan này cho biết, “graphene rất nhẹ và linh hoạt nhưng mạnh gấp 200 lần thép, độ dẫn điện và nhiệt của nó là phi thường”. Graphene cũng có thể được sử dụng để sản xuất lớp phủ hấp thụ ra-đa làm cho xe quân sự, máy bay, tàu ngầm hoặc tàu chiến mặt nước hầu như không thể phát hiện.

“Tất cả những điều này làm cho graphene trở thành một vật liệu cực kỳ hấp dẫn không chỉ cho các ngành công nghiệp dân dụng mà còn cho các ứng dụng quân sự, trong lĩnh vực đất đai, hàng không và hàng hải”, cơ quan quốc phòng của EU nói.

Sau nghiên cứu ấn tượng về ăng-ten làm bằng vật liệu graphene, Huang nhận được lời mời làm việc hấp dẫn từ các công ty phương Tây và có cơ hội ở lại như một nhà nghiên cứu tại Manchester. Nhưng anh này đã “lịch sự từ chối những lời đề nghị và nhanh chóng trở lại Trung Quốc”, một tờ báo của PLA đưa tin.

Huang hiện là nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Quốc phòng (NUDT) của PLA, nơi đã gửi anh ra nước ngoài. Tờ báo Trung Quốc lưu ý rằng, “mục tiêu mà nhà khoa học này đeo đuổi là ứng dụng graphene vào các lĩnh vực quân sự có liên quan đến AI, chế tạo vật liệu che chắn và tàn hinh theo nhu cầu của quân đội”.

Tờ báo quân sự mô tả trường hợp của Huang là, “hút phấn hoa ở vùng đất của nước ngoài và làm mật ong ở Trung Quốc”.

Câu chuyện của Huang chỉ là một trong số khoảng 2.500 nhà khoa học và kỹ sư được “chọn lọc” của quân đội Trung Quốc nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài trong suốt thập kỷ qua.

Phương Tây đang cảm thấy giật mình vì những con số thống kê cho thấy bản chất và quy mô của vấn đề bị bỏ qua này. Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc và Đức, theo thứ tự đó là các quốc gia hàng đầu về hợp tác nghiên cứu với PLA. Trên toàn cầu, số lượng các bài báo được xuất bản như là một phần của sự hợp tác này đã tăng gấp bảy lần trong một thập kỷ qua.

Ấn tượng hơn cả đó là Úc. Sự cộng tác của Úc với PLA đã tạo ra hơn 600 bài báo khoa học được đánh giá liên quan đến khoảng 300 nhà khoa học quân sự Trung Quốc đến Úc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Úc tích cực hợp tác nghiên cứu nhất với PLA, gấp sáu lần ở Mỹ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales công bố nhiều bài báo khoa học hợp tác cùng PLA hơn bất kỳ trường đại học nào khác ở phương Tây. Thậm chí, hai giáo sư tại các trường đại học Úc còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại NUDT.

Trường hợp của Huang là điển hình cho thấy, các nhà khoa học được PLA gửi đi làm việc hoặc học tập ở nước ngoài để tìm cách nắm bắt các công nghệ có giá trị cho quân đội.

Ví dụ, những người được gửi đến Úc đã nghiên cứu về các chủ đề như xử lý tín hiệu, radar, vật liệu nổ, hệ thống định vị, siêu máy tính, xe tự trị và mật mã. Khi đến Manchester, Huang cho biết đã thành thạo các kỹ năng để phục vụ tốt hơn việc xây dựng quân đội và quốc phòng của Trung Quốc.

Giúp quân đội Trung Quốc mang tài năng khoa học và kiến thức của mình lên các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới không phải là lợi ích của Úc và đòi hỏi phải có một phản ứng từ chính phủ và các trường đại học.

Chính phủ và các trường đại học nên làm việc cùng nhau để thúc đẩy tiến bộ khoa học và thúc đẩy hợp tác trong khi đảm bảo rằng bất kỳ sự hợp tác nghiên cứu nào cũng có lợi ích quốc gia.

Chính phủ Úc nên xây dựng một chính sách rõ ràng về hợp tác với quân đội Trung Quốc để thông báo cho các lập pháp và các bên có liên quan.

Đạo luật kiểm soát thương mại quốc phòng của Úc cần được sửa đổi để hạn chế việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho các thành viên của quân đội không phải là đồng minh như PLA.

Cần phải áp dụng biện pháp thẩm định di trú hiệu quả hơn cho các thành viên của quân đội Trung Quốc có ý định sử dụng kiến thức và kỹ năng đã đạt được ở Úc để phát triển công nghệ quân sự trở về nhà.

Các trường đại học cần phải tiếp cận chủ động hơn với sự tham gia của họ với Trung Quốc, đảm bảo rằng nó không ảnh hưởng đến an ninh của chính họ và lợi ích của Úc.

RELATED ARTICLES

Tin mới