Sau 6 ngày xuất phát, con tàu đã chuyển hướng đi không đến Trung Quốc mà chuyển hướng sang Việt Nam.
Bloomberg dẫn nguồn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, con tàu mang tên Audacity xuất phát rời khỏi nhà ga Pier 86 của cảng Louis Dreyfus ở Seattle (Mỹ) vào ngày 21/10 chở 69.244 tấn đậu tương đến cảng Thanh Đảo (Trung Quốc).
Tuy nhiên, sau 6 ngày xuất phát, con tàu đã chuyển hướng đi không đến Trung Quốc mà chuyển sang Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) Việt Nam.
Cảng Louis Dreyfus vẫn chưa có phản hồi về thông tin này.
Sự kiện này được ghi nhận trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp tục leo thang.
Trước đây, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ hơn 30 triệu tấn đậu tương, tức là gần 2/3 tổng sản lượng của Mỹ. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp đặt thuế suất 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, Bắc Kinh đã phản ứng một cách đối xứng: áp thuế trả đũa 25% lên các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có cả đậu nành.
Động thái của Trung Quốc ít nhiều đã khiến những người trồng đậu tương tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề.
Về phía Trung Quốc, để cân bằng nguồn hàng nhập khẩu, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng nhập đậu tương từ Mỹ sang Nga và một số nước Châu Á, Nam Mỹ.
Ông He Zhenwei, Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài đã nói, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là một cơ hội tuyệt vời để Nga trở thành nhà cung cấp đậu tương mới cho thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu loại ngũ cốc này từ các nhà sản xuất như Brazil và Argentina, và có thể Nam Mỹ cũng nổi lên thành điểm dừng chân cho đậu tương Mỹ.
Theo Nikkei Asia Review, Brazil đang trong thời điểm gieo trồng, và công suất xuất khẩu đậu nành từ mùa vụ cũ có thể sớm chạm đến điểm giới hạn, theo một công ty thương mại lớn của Nhật Bản. Ngoài ra, cũng có nhiều người đặt cược vào khả năng quốc gia Nam Mỹ cố gắng đảm bảo nguồn đậu nành giá rẻ từ Mỹ cho tiêu thụ nội địa, còn bán phần thu hoạch còn lại sang Trung Quốc với giá cao hơn.