Bản tin Biển Đông ngày 05/11/2018.
Các trạm khí tượng ở Trường Sa che giấu việc nâng cấp quân sự
Ngày 5/11, Inquirer đăng ý kiến bình luận của các chuyên gia về việc mới đây Trung Quốc bắt đầu vận hành các trạm quan trắc thời tiết tại các căn cứ nhân tạo tại Trường Sa. Tiến sĩ Jay Batongbacal, chuyên gia về biển của Philippines cho rằng hành động này là nhằm làm ra vẻ các tiền đồn được quân sự hóa chỉ là nơi cung cấp “hàng hóa công cộng”. TS. Batongbacal cho rằng “Trung Quốc đang lái sự chú ý khỏi việc nước này tiếp tục củng cố các căn cứ quân sự trên các cấu trúc ở Biển Đông, và cố gắng lừa phỉnh các nước Đông Nam Á nhỏ hơn bằng việc đổ lỗi cho Mỹ và các nước ngoài khu vực là những kẻ quấy rối quân sự trong khi Trung Quốc là một công dân toàn cầu tốt cung cấp các hàng hóa công cộng”. Dù cho có các báo cáo chi tiết cho thấy việc Trung Quốc triển khai các máy bay quân sự và tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng các thiết bị này chủ yếu là phục vụ mục đích dân sự. Các nhà phân tích cho rằng các bệ phóng tên lửa, đường băng, cảng, nhà chứa máy bay cho thấy rõ các đảo này là các căn cứ quân sự và rõ ràng không phục vụ mục đích dân sự. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông sẽ không bình luận cho đến khi nào nhận được các thông tin chắc chắn từ các đơn vị tình báo đánh giá về các trạm quan trắc thời tiết mới được vận hành này.
ASEAN tìm trung đạo trong xung đột Trung – Mỹ
Ngày 2/11, tạp chí Nikkei đăng bài viết của Bilahari Kausikan, cựu Bí thư thường trực của Bộ Ngoại giao Singapore, Chủ tịch Viện Trung Đông tại Đại học quốc gia Singapore. Theo bài viết, trong khoảng gần 1 thập kỷ nay, vấn đề chiến lược cơ bản đối với Đông Nam Á là làm sao để đối phó với sự thay đổi nhanh chóng trong mối quan hệ Trung – Mỹ khi hai nước này bước vào giai đoạn mới của cuộc cạnh tranh lâu dài.
Về mặt chiến lược, tình hình hiện tại đang rơi vào bế tắc. Trung Quốc sẽ không từ bỏ các yêu sách lãnh thổ và triển khai các hạng mục quân sự. Nhưng Trung Quốc cũng sẽ không thể ngăn cản Mỹ và các đồng minh hoạt động ở khu vực mà không có rủi ro về một cuộc chiến tranh mà nước này không muốn bởi họ cũng không thể thắng được. Trung Quốc sẽ cảm thấy cần phải chiến đấu chỉ khi nào Mỹ ủng hộ Đài Loan độc lập, mà điều này thì khó xảy ra. Nếu một vụ đụng độ lớn xảy ra ở Biển Đông hay một nơi nào khác, cả hai bên có thể sẽ đều kiềm chế. ASEAN phải đủ khả năng đối phó với những tình huống dạng như chiến tranh Trung – Mỹ. Mặc dù trước đây ASEAN đã từng xử lý nhiều vụ nguy hiểm hơn hơn, nhưng nay tình hình đòi hỏi ASEAN cần có sự nhanh nhẹn, đoàn kết và kiên quyết hơn những gì tổ chức này đã thể hiện gần đây.
Theo bài viết, giữa một bên là Trung Quốc, một bên là Mỹ, ASEAN sẽ phải tìm một lối đi ở giữa cho phù hợp. ASEAN cần hành động mang tính quyết định hơn để chống lại những bất ổn mang tính lâu dài, đồng thời tận dụng lợi thế của các cơ hội có sẵn. Việc cải tổ, ví dụ như loại bỏ các hàng rào phi thuế quan và hài hòa hóa cách tiếp cận của ASEAN về dịch vụ và huy động nhân công có thể giúp biến Đông Nam Á thành một nền tảng sản xuất chung. Đồng thời, các nước thành viên nên triển khai các kế hoạch nâng cao kỹ năng và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, những thay đổi trong nội bộ chính trị của một số nước thành viên ASEAN có thể làm suy yếu mục tiêu hội nhập kinh tế của khối. Đáng tiếc là ASEAN trong những năm gần đây lại đang trở nên quá nhút nhát vì chính lợi ích của mình.