Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChính sách của Mỹ vẫn cứng rắn với TQ sau bầu cử...

Chính sách của Mỹ vẫn cứng rắn với TQ sau bầu cử giữa kỳ

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ hôm 6.11 được cả thế giới quan tâm vì kết quả của nó có thể ảnh hưởng đến cục diện chính trị nội bộ Mỹ và xu hướng của chính sách ngoại giao, tác động đến cục diện toàn cầu. Trong đó, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là quan hệ Mỹ – Trung và cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra gay gắt giữa hai nước.

Giới quan sát quốc tế cho rằng dù Đảng Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát Hạ nghị viện thì quan hệ Mỹ – Trung và cuộc chiến mậu dịch giữa hai bên sẽ vẫn tiếp diễn theo chiều hướng xấu hơn.

Theo truyền thông Mỹ, tính đến 7h30 sáng 7.11 theo giờ Washington, về cơ bản, việc kiểm phiếu đã kết thúc, đã cho kết quả: ”Đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát được Thượng nghị viện, kiểm soát được phần lớn ghế Thống đốc các bang, còn Đảng Dân chủ chiếm được Hạ nghị viện. Cụ thể, Đảng Cộng hòa chiếm được 51/100 ghế Thượng nghị sỹ, Đảng Dân chủ được 45 ghế, 4 ghế chưa xác định. Do đó, Đảng Cộng hòa vẫn là đảng đa số. Tại Hạ nghị viện, trong số toàn bộ 435 ghế nghị sĩ được bầu lại, Đảng Cộng hòa được 199 ghế, Đảng Dân chủ được 222 ghế,còn 14 ghế chưa xác định, nhưng như thế cũng đủ để Đảng Dân chủ trở thành đảng đa số. Trong số 50 ghế Thống đốc bang, Đảng Cộng hòa kiểm soát 25 bang, Đảng Dân chủ nắm 21 bang, còn 4 bang chưa xác định.

Ông Trump sẽ chịu nhiều sức ép trong chính sách đối nội

Theo SCMP, ông Donald Trump đã gọi điện cho bà Nancy Pelosi, lãnh tụ Đảng Dân chủ chúc mừng đảng này giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện và kêu gọi sự hợp tác giữa hai đảng. Trong khi đó, bà Nancy Pelusi lại nhấn mạnh Đảng Dân chủ có chủ trương khác biệt với Đảng Cộng hòa trong vấn đề chế độ bảo hiểm y tế toàn dân và một số vấn đề khác. Các nhà phân tích cho rằng, Hạ nghị viện do Đảng Dân chủ kiểm soát nắm quyền về tài chính có thể sẽ từ chối cấp tiền cho tổng thống để xây dựng bức tường ngăn ở biên giới với Mexico hoặc cho việc đưa trở lại nơi xuất phát những người tỵ nạn trái phép chạy đến Mỹ, sự đối lập giữa hai đảng sẽ gia tăng.

Bà Nancy Pelusi từng tuyên bố, Đảng Dân chủ sẽ lợi dụng vị trí là đảng đa số trong Hạ nghị viện để thúc đẩy nghị trình lưỡng đảng trong một đất nước vốn đang chia rẽ sâu sắc. Dự kiến, bà sẽ lại trở thành Chủ tịch Hạ nghị viện sau 8 năm. Trước đây, bà đã trở thành nữ Chủ tịch Hạ nghị viện đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ trong nhiệm kỳ 2007 – 2011.

Không nghi ngờ gì nữa, Đảng Dân chủ sau khi củng cố trận địa mà họ tái chiếm được sau 8 năm, sẽ lợi dụng Hạ nghị viện để chống lại ông Donald Trump. Trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ này, ông Trump sẽ rất khó thông qua được các đạo luật chính thức. Thậm chí, vấn đề “phế truất Donald Trump” cũng có thể được đưa vào chương trình của Hạ nghị viện. Với việc cuộc điều tra “vấn đề thông đồng với Nga” đang đi vào giai đoạn then chốt và những người thân tín xung quanh Donald Trump liên tiếp bị sa thải hoặc xin từ chức thì nguy cơ ông bị lật đổ cũng gia tăng. Hôm 31.8, đài ABC và báo The Washington Post đã công bố kết quả cuộc thăm dò dân ý cho thấy, có tới gần một nửa ý kiến muốn quốc hội tiến hành quy trình phế truất ông Trump.

Tuy nhiên, khi mà Thượng nghị viện vẫn do Đảng Cộng hòa kiểm soát thì khả năng phế truất ông Donald Trump là rất nhỏ, thậm chí theo sự phân tích của một số cơ quan truyền thông Mỹ và Phương Tây thì khả năng này là “Zero”. Mặc dù vậy, Đảng Dân chủ có thể thông qua việc điều tra và yêu cầu điều trần liên tục đối với cá nhân và đội ngũ của ông Trump để gây khó dễ đối với ông.

Đối với vấn đề này, ông Trump không phải và vô phương đối phó. Ông có thể thông qua phương thức mệnh lệnh hành chính để cưỡng ép thực thi, song quyền uy của ông đã bị giảm đi nhiều so với trước ngày 6.11 và sự bất đồng giữa hai đảng sẽ ngày một gia tăng.

Chính sách đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi

Tuy nhiên, theo phân tích của giới truyền thông Mỹ thì kết quả bầu cử ngày 6.11 không mấy ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Trung. Tạp chí Foreign Policy cho rằng, Đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Hạ nghị viện có lẽ ngăn cản ông Trump bớt “ngang bướng” trong chính sách mậu dịch với các quốc gia đồng minh, nhưng không thể đưa ra được phương án thay thế, vì chính sách mậu dịch chủ yếu là việc của Nhà Trắng, hơn nữa Thượng nghị viện vẫn do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Còn đối với Trung Quốc, Foreign Policy cho rằng, việc Đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Hạ nghị viện không có nghĩa là họ sẽ yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, trái lại còn có thể đưa thêm vào cuộc chiến đó một số sách lược của Đảng Dân chủ.

Tờ “Tin tức Chiết Giang” của Trung Quốc ngày 7.11 đăng bài nhận định: “Xét từ góc độ cá nhân Donald Trump và nền chính trị nội bộ Mỹ thì dù ông ta đã là người thua cuộc trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng sự thất bại lần này của ông Trump không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ từ bỏ việc ngày càng gây sức ép mạnh hơn với Trung Quốc”.

Báo này nhận định, sự thất lợi của ông Donald Trump chủ yếu là kết quả tổng hợp của một loạt nhân tố bên trong nước Mỹ, không liên quan đến những va chạm bên ngoài. Hơn nữa, từ trước đến nay Đảng Dân chủ cũng chưa bao giờ lấy vấn đề va chạm với Trung Quốc để công kích Đảng Cộng hòa nên đừng trông chờ việc họ sẽ tác động để ông Trump thay đổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

Hãng Reuters thì nhận định, việc Đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ nghị viện sẽ khiến họ càng trở nên đoàn kết hơn xung quanh những lời lẽ khiêu khích và đường lối cứng rắn của Donald Trump. Ông Trump sẽ tiếp tục kiên trì chủ trương “Ưu tiên nước Mỹ”, bao gồm chính sách bảo hộ mậu dịch.

Tờ Epoch Times cho rằng, sự thay đổi về cán cân quyền lực hiện nay, nếu xét từ thái độ của các nghị sĩ của cả 2 đảng thì chính sách đối với Trung Quốc của ông Donald Trump sẽ không bị ảnh hưởng. Báo này dẫn bài báo của Kenneth Rapoza – cây bút nổi tiếng của tạp chí Forbes, nhan đề: “Chính phủ Trung Quốc thân mến, Đảng Dân chủ sẽ không cứu các vị!”. Ông này viết, nếu Bắc Kinh cho rằng Đảng Dân chủ kiểm soát được Hạ nghị viện là tin tốt đẹp đối với họ, thì họ đã lầm to.

Trước hết, chiến tranh thương mại hay xung đột mậu dịch chủ yếu là một quyết định hành chính. Cũng tức là mọi quyết định về thuế quan đều thuộc phạm vi quyền hạn của các bộ, ngành trong chính phủ, là việc do ông Donald Trump quản. Dù ông Trump có yêu cầu lưỡng viện giúp ông giải quyết vấn đề liên quan đến mậu dịch Mỹ – Trung thì ông cũng chỉ mong có được thêm sự ủng hộ của họ, bởi thủ lĩnh Đảng Dân chủ ở cả Thượng nghị viện (Thượng nghị sỹ Chuck Schumer) và Hạ nghị viện (bà Nancy Pelosi) đều ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của ông Trump, nhất là trong chính sách thuế quan.

Bài báo viết, Thượng nghị sỹ Chuck Schumer tuy thường hay phê phán tổng thống, nhưng luôn ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của ông Donald Trump. Trước đây, khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Schumer đã cho rằng chính sách thuế quan của ông Trump với Trung Quốc là đúng đắn vì Trung Quốc hành xử không công bằng trong mậu dịch với Mỹ: “Trung Quốc đang hoàn toàn hưởng lợi từ chúng ta. Họ sử dụng gián điệp mạng để lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta. Họ không chỉ lấy cắp quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta mà còn gạt các công ty của chúng ta ra ngoài…”.

Ông Christopher Johnson, Chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu quốc tế, chiến lược (CSIS) cũng cho rằng, tuy 2 đảng đều quan tâm chờ đợi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng quan hệ Mỹ – Trung sẽ không thay đổi. Ông nói: “Tôi thấy nhiều người Trung Quốc nói, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tình thế sẽ phát sinh biến đổi, nhưng có lẽ họ đã bị dẫn dắt một cách sai lầm”.

Bà Claudia Schmucker, chuyên gia nghiên cứu về mậu dịch quốc tế của Hiệp hội chính sách ngoại giao Đức cho rằng, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ,ông Donald Trump sẽ càng gia tăng thêm mức độ của cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Bà nói, do Đảng Dân chủ cũng ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc nên dự đoán ông Trump sẽ tiếp tục tăng thêm sức ép về thuế quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới