Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTàu chiến TQ bất ngờ hành động "lạ" với chiến hạm lớn...

Tàu chiến TQ bất ngờ hành động “lạ” với chiến hạm lớn nhất của Nhật

Trái với sự kình địch thường thấy khi lực lượng quân sự Trung, Nhật gặp nhau trên biển, tháng trước, một tàu khu trục Trung Quốc đã gửi lời chào thân thiện với một tàu sân bay của Nhật Bản khi hai chiến hạm này gặp nhau ở Biển Đông. Hành động “lạ” của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ “ấm lên” giữa Bắc Kinh và Tokyo sau một thời gian dài sóng gió, một số nhà phân tích đã nhận định như vậy.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cuối tuần vừa rồi đưa tin, khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Luyang-II của Trung Quốc – tàu Lanzhou phát hiện ra tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản – tàu sân bay trực thăng Kaga hồi tháng trước, các thủy thủ trên tàu Lanzhou đã gửi lời chào đầy thân thiện: “Chào các bạn, rất vui được gặp các bạn” qua sóng radio” đến tàu của Nhật Bản.

Thông điệp thân thiện trên hoàn toàn khác với một thông điệp mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa gửi đến cho một máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ hồi tháng 8 khi chiếc máy bay này bay qua quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Thông điệp mà Trung Quốc gửi đến máy bay Mỹ là “hãy rời ngay lập tức”, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam hôm qua (5/11) đưa tin.

Ông Song Zhongping – một nhà bình luận quân sự của Đài truyền hình Phoenix Hồng Kông, đã nhận định trên tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam rằng, cuộc gặp gỡ thân thiện giữa Bắc Kinh và Tokyo hồi tháng trước “đã phản ánh mối quan hệ ấm lên giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nó cũng cho thấy “quân đội hai nước có thể hòa thuận với nhau.”

“Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc chỉ gửi thông điệp thân thiện bởi vì tàu chiến của Nhật Bản không ở khu vực nhay cảm và không có bất kỳ hành động khiêu khích nào”, ông Song phân tích thêm.

Theo nhà bình luận Song, việc tàu chiến của hai nước Nhật Bản và Trung Quốc thường xuyên gặp nhau ở những vùng biển tranh chấp cũng cho thấy Bắc Kinh đang giám sát chặt chẽ Nhật Bản như thế nào. Nhật Bản vốn là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực.

Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc của một nhà lãnh đạo Nhật Bản trong 7 năm trở lại đây. Thủ tướng Abe cùng với người đồng cấp Lý Khắc Cường đã ký kết một loạt thỏa thuận nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á. Mối quan hệ giữa hai nước Trung-Nhật đã rơi vào căng thẳng một phần do cuộc tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng. Trong giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm cách đây một vài năm, cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông đã khiến quan hệ nói chung giữa hai nước Trung-Nhật chao đảo, đặc biệt là mối quan hệ hợp tác kinh tế.

Ngoài tranh chấp nói trên, Nhật Bản và Trung Quốc còn tranh giành ảnh hưởng trong khu vực nói riêng và trên trường quốc tế nói chung. Tokyo đang tập hợp một liên minh gồm nhiều nước trong khu vực Châu Á để làm đối trọng với một Trung Quốc đang ngày một nổi lên theo hướng gây lo ngại cho các nước xung quanh.

Sau vài năm căng thẳng liên tiếp leo thang, mối quan hệ Trung-Nhật bắt đầu ấm lên từ chuyến thăm của Thủ tướng Abe. Chuyên gia hải quân Li Jie nhận định: “Rõ ràng, sự ấm lên trong mối quan hệ Trung-Nhật hiện nay diễn ra vào thời điểm cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington bùng nổ. Ông Abe có thể lợi dụng điều đó để tạo ra vị thế mạnh hơn cho chính ông ấy trong mối quan hệ với người anh lớn Mỹ. Mối quan hệ song phương ấm lên giữa Trung Quốc và Nhật Bản được dẫn dắt bởi lợi ích kinh tế chứ không phải sự thật lòng. Bắc Kinh hiểu rằng, sự hiện diện quân sự của Nhật Bản là nhằm để thể hiện tầm quan trọng về mặt địa chính trị ở Châu Á-Thái Bình Dương.”

Dù giới chuyên gia có nhận định tích cực hay tiêu cực về sự ấm lên trong mối quan hệ Trung-Nhật hiện nay thì đây vẫn là tín hiệu tích cực giúp giảm căng thẳng ở Châu Á-Thái Bình Dương sau một thời gian nơi đây trở thành điểm nóng bởi các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt và quyết liệt.

RELATED ARTICLES

Tin mới