Trong những năm qua, cùng với báo chí và truyền thông, Trung Quốc đã tích cực sử dụng điện ảnh để lồng ghép các nội dung tuyên truyền cho các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông.
Các tuyên bố hung hăng về tranh chấp Biển Đông của TQ trên phim ảnh.
Khi nghệ thuật bị chính trị hóa
Câu chuyện về bộ phim “Điệp vụ biển đỏ” (Operation Red Sea) của Trung Quốc từng thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Nó nhận được sự quan tâm không chỉ vì nó có kỹ xảo hay, diễn viên nổi tiếng, những cảnh quay hoành tráng mà vì trong bộ phim này, tham vọng chính trị của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã được lồng ghép một cách ngang ngược. Trong đoạn cuối phim, một cảnh liên quan đến vùng biển Nam Hải (Biển Đông) đã được đưa ra. Cụ thể, cảnh phim này được mô tả: “Tại vùng biển đó là hình ảnh một con tàu không rõ quốc tịch, bị bao vây bởi các tàu chiến và hải giám Trung Quốc. Phía quốc gia tỷ dân dùng loa thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc và yêu cầu con tàu phía trước ngay lập tức rút lui khỏi vùng biển”. Chỉ với vài phút cuối cùng đã biến bộ phim từ một tác phẩm hành động giải trí bỗng trở thành bộ phim tuyên truyền mục đích dằn mặt các bên về chủ quyền biển đảo.
Phim ảnh là món ăn tinh thần, văn hóa cho con người. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang tận dụng nó một cách triệt để để tuyên truyền về những yêu sách phi lý về chủ quyền quốc gia, thể hiện mưu đồ thâm sâu về mặt chính trị. Đây là một chiêu bài hết sức thâm độc của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Chính xác mà nói, phim ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung là con đường dễ dàng nhất tác động vào tâm lý, nhận thức của con người. Bởi khi thưởng thức nghệ thuật, con người có phần thiếu cảnh giác, dễ bị những tình tiết trong phim dẫn dắt.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trở nên phức tạp do những hành động đơn phương của Trung Quốc, bao gồm việc cải tạo bồi đắp đảo và quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông. Với sự ngang ngược, Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp sự lên tiếng của các nước trong khu vực và trên thế giới để tiến hành các hành vi sai trái trên Biển Đông. Trung Quốc thông qua rất nhiều kênh khác nhau để truyền bá vấn đề chủ quyền Biển Đông. Từ viện trợ kinh tế để kêu gọi, lôi kéo một số nước không liên quan đến Biển Đông thể hiện sự đồng tình với mình, đến việc xây dựng các Học Viện Khổng Tử để truyền bá tư tưởng Đại Hán và các nội dung liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ quốc gia. Và đến bây giờ, phim ảnh cũng được họ tận dụng. Có thể nói, việc truyền bá vấn đề chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc trong bộ phim trên là có sự tính toán, thể hiện sự thâm sâu của nước này.
TQ từng dùng giới nghệ sĩ để tuyên truyền “chủ quyền Biển Đông”
Ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (7/2016) bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Trung Quốc lập tức tiến hành chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn, vận động những ngôi sao hạng A trong giới giải trí Trung Quốc, dùng sức ảnh hưởng của bản thân để tuyên truyền ra cộng đồng quốc tế, chia sẻ thông tin và hình ảnh nhằm xuyên tạc chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.Với lượng theo dõi (follow) từ vài triệu đến vài chục triệu người hâm mộ khắp thế giới, một loạt ngôi sao nổi tiếng tại Trung Quốc đã đồng loạt đăng ảnh, chia sẻ clip phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này bao biện và khẳng định “Biển Đông là của Trung Quốc” trên các mạng xã hội (Weibo và Instagram). Số lượng nghệ sĩ Trung Quốc cập nhật blog để khẳng định chủ quyền “Biển Đông là của Trung Quốc” lên đến hơn 100 ngôi sao hạng A có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc và châu Á như Triệu Vy, Lưu Diệc Phi, Huỳnh Hiểu Minh, Phạm Băng Băng, Lục Tiểu Linh Đồng (Tôn Ngộ Không), Dương Mịch, Lưu Khải Uy, Đường Yên, Trịnh Sảng, Lưu Thi Thi, Trương Hinh Dư, Lý Băng Băng, Hồ Ca, Trần Khôn… Đa số những người này đều đăng tải câu: “这才是中国,一点不能少”(“Trung Quốc, một chấm cũng không thể mất đi” ám chỉ “đường lưỡi bò”) kèm theo đó là hình ảnh bản đồ Trung Quốc và ““đường lưỡi bò”” trên Biển Đông.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc, các Viện nghiên cứu và trường Đại học… cũng xuất bản nhiều loại hình ấn phẩm văn hóa như bản đồ, trong đó thâu tóm trái phép gần như toàn bộ Biển Đông; Nhà xuất bản Nhân dân (Trung Quốc) phát hành cuốn sách khoe khoang về “lịch sử, nguồn tài nguyên và vai trò quốc phòng” của cái gọi là “thành phố Tam Sa” – đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam; phát hành bộ tem phổ thông “Mỹ lệ Trung Quốc”, bao gồm 6 mẫu, trong đó có những mẫu tem đã ngang nhiên đưa vào đó cả hình ảnh biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam; in đèn lồng có chữ “Tam Sa và Nam Sa (bằng tiếng Trung Quốc)” xuất sang thị trường Việt Nam; xuất bản cẩm nang du lịch in bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…Từ năm 2016, Trung tâm Thông tin thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) đã thiết kế và sử dụng trang mạng tuyên truyền về Biển Đông sử dụng 6 tên miền, gồm các mục: nhận thức Biển Đông, động thái mới ở Biển Đông, tư liệu lịch sử, bình luận quan điểm, quy định chính sách, giao lưu hợp tác, sự kiện lớn, tài liệu Biển Đông. SOA lập ra trang web này nhằm tuyên truyền cái gọi là chủ quyền, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cung cấp cái gọi là “chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý” nhằm khẳng định chủ quyền phi lý đối với Biển Đông.