Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMuốn gây bất ổn cho TQ thời Mao Trạch Đông, Liên Xô...

Muốn gây bất ổn cho TQ thời Mao Trạch Đông, Liên Xô giăng lưới tình báo “sát sườn” Bắc Kinh

Các mạng lưới tình báo của KGB ở Bắc Kinh bị giải thể khi quan hệ Nga – Trung xấu đi, vì vậy KGB cần một căn cứ không chính thức khác ở châu Á.

Ảnh minh họa: CNN

Đường dây Line K của Liên Xô

Nằm ở một vị trí đặc biệt sát sườn Trung Quốc, Hong Kong thời nằm dưới sự cai quản của Anh đã trở thành trung tâm của hoạt động tình báo bí mật. Tuy nhiên, không phải chỉ có mỗi phương Tây sử dụng vùng lãnh thổ này làm căn cứ tình báo.

Trong thập niên 70, Hong Kong nổi tiếng là vùng hoạt động sống còn cho cơ quan tình báo Liên Xô (KGB), chịu trách nhiệm cho những hoạt động mà giới tình báo gọi là Line K (bài Trung Quốc).

Sau khi Trung Quốc – Liên Xô chia tách vào cuối những năm 1950 do bất đồng về học thuyết chính trị, mục tiêu chính của KGB ở châu Á là Trung Quốc. Các mạng lưới tình báo của KGB ở Bắc Kinh bị giải thể khi quan hệ Nga – Trung xấu đi, vì vậy KGB cần một căn cứ không chính thức khác ở châu Á.

“Bởi tình hình an ninh rất nghiêm ngặt ở Trung Quốc nên Hong Kong trở thành một căn cứ quan trọng hơn Bắc Kinh cho những chiến dịch Line K”, tài liệu mới giải mật gần đây của tình báo Mỹ đề ngày 20/4/1978 cho hay.

Đây là bối cảnh cho câu chuyện về điệp viên Nga ở Hong Kong vào năm 1972, từng lên trang nhất của SCMP và khiến Hong Kong rúng động.

Vào ngày 25/8 năm đó, với bài viết “Cảnh sát triệt phá đường dây tình báo của Liên Xô ở thuộc địa”, Kevin Sinclair đã tiết lộ cách Liên Xô thiết lập đường dây đặc vụ KGB ở Hong Kong từ năm 1969.

Trong vụ việc này, 2 điệp viên Nga, Andrei Ivanovic Polikarov và Stepan Tsunaev đã bị bắt giữ cùng 2 doanh nhân địa phương không rõ tên, với cáo buộc thiết lập một đường dây tình báo để phá hoại Trung Quốc dưới thời của Mao Trạch Đông.

Theo nguồn tin của Sinclair, các doanh nhân địa phương đã được đặc vụ KGB Alexander Trusov, người vào vai quản lý đội tàu buôn ở một trong những bến tàu của Hong Kong, huấn luyện.

Thông tin do 2 doanh nhân thu thập được chuyển cho các đặc vụ ngầm của Nga, vốn ngụy trang dưới vỏ bọc của thuyền trưởng, đầu bếp và thủy thủ trên những con tàu Nga ghé thăm thành phố.

Sinclair đã gọi tổ chức này là “James Bond di động của hạm đội thương nhân Nga” và viết rằng 2 doanh nhân đã “sẵn sàng phản bội Hong Kong vì đồng rúp”.

Khi tàu chở khách treo cờ Liên Xô Khabarovsk, một trong khoảng 80 tàu buôn của Nga tới Hong Kong mỗi năm, thả neo ở bến Ocean Terminal vào ngày 17/7/1972, cả Polikarov và Tsunaev đều có mặt trên tàu.

Tsunaev được ghi danh trên bản kê của tàu là một người đốt lò, nhưng kỳ thực lại là một chuyên gia tiếng Trung và là giảng viên từ một trường đại học top đầu của Liên Xô.

Cảnh sát đã ập vào nhà của 1 doanh nhân khi cuộc gặp giữa 2 điệp viên KGB và ông ta diễn ra. Khám người Polikarov, họ tìm thấy một kế hoạch chiêu mộ nguồn tin cho KGB ở châu Á.

Hai điệp viên được dẫn quay trở lại tàu và sau đó, một cảnh báo chính thức được gửi tới Vladivostok. Về phần các doanh nhân, 1 người trở về Đài Loan và người còn lại sau đó cũng được thả vì thiếu chứng cứ. London đã gửi công hàm ngoại giao tới Moscow, thể hiện sự bất ngờ và không hài lòng.

Mức độ chi tiết mà Sinclair có thể khai thác được từ nguồn tin của mình rất đáng ngạc nhiên. Thậm chí ông còn lấy được những bức ảnh chụp 2 đặc vụ KGB để đăng báo.

Điều thú vị về thời điểm của vụ việc này là chỉ 5 tháng trước đó, ngày 13/3/1972, Trung Quốc và Anh đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện. Tiến triển này diễn ra vài tuần sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ khi đó Richard Nixon.

Hong Kong tiếp tục là nguồn ngoại tệ chủ yếu cho người láng giềng, lúc đó vẫn đang chật vật phục hồi sau ảnh hưởng kinh tế tồi tệ từ cuộc Cách mạng Văn hóa.

Vụ việc đã khiến mối quan hệ mong manh nhưng “giàu lợi nhuận” với Trung Quốc trở nên thân mật hơn. Trước đó, các quan chức Trung Quốc từng cảnh báo về những hoạt động ngày càng lan rộng của KGB ở Hong Kong.

Theo SCMP, nhiều khả năng việc Sinclair đưa tin là hành động được thiết kế để Hong Kong thuộc Anh đảm bảo với Trung Quốc về nỗ lực đối phó với KGB và nhằm làm thân với Bắc Kinh.

Nếu chuyện này là đúng thì Sinclair không phải là phóng viên Hong Kong duy nhất đóng một vai trò chủ chốt trong một vụ phản gián.

Mua ngân hàng để đánh cắp công nghệ

Năm 1974, doanh nhân Hong Kong Amos Dawe, một nhà kinh doanh gốc Singapore có nhiều mối làm ăn ở Hong Kong, đã tiến hành một kế hoạch KGB táo bạo nhằm mua rất nhiều ngân hàng ở Mỹ.

Theo các tài liệu từ tòa án, kế hoạch của KGB do ngân hàng Moscow Narodny ở Singapore rót tiền. Ngân hàng này đã cung cấp cho Dawe một hạn mức tín dụng lên tới 50 triệu USD.

Năm 1974, Dawe tìm cách mua các ngân hàng Mỹ có liên hệ mật thiết tới các công ty công nghệ cao và các nhân viên của họ ở khu vực California.

Logic của KGB vô cùng đơn giản: Vì sao phải chiêu mộ gián điệp để đánh cắp những bí mật công nghiệp sống còn về cách mạng công nghệ mới của Mỹ nếu anh có thể lấy được chúng từ những ngân hàng đang cho các công ty này vay tiền?

Dawe mua thành công 2 ngân hàng Mỹ vào tháng 6/1975 với 7,9 triệu USD, nhưng một đặc vụ CIA đã để ý thấy khoản vay đáng ngờ này từ ngân hàng Nga. Hành động của Dawe thì chẳng có gì bất hợp pháp nhưng khoản đầu tư nước ngoài này chắc chắn không được chính quyền Mỹ chào đón.

“Tôi luôn luôn xem đó là một hành động cố ý thâm nhập vào hệ thống ngân hàng Mỹ của KGB”, Bartholomew Lee, một luật sư San Francisco liên quan tới vụ việc ở Mỹ chia sẻ với NYTimes.

Kế hoạch của KGB đã đứt gánh giữa đường vào tháng 10/1975 khi CIA tiến hành Chiến dịch Thung lũng Silicon, công khai chi tiết kế hoạch cho nhà báo Hong Kong Raymonde Sacklyn.

Sacklyn không tiết lộ nguồn tin của mình nhưng viết trong tập san tài chính của mình, Target, ông đưa tin rằng ngân hàng Moscow Narodny đang tìm cách gây bất ổn hệ thống ngân hàng của Mỹ.

Dawe vội vàng tẩu thoát, trong khi bị CIA, KGB và những chủ nợ người Hong Kong truy lùng gắt gao. Cuối cùng ông ta đồng ý tự giao nộp mình cho Mỹ.

Sau đó Dawe bị dẫn độ tới Hong Kong, nơi ông ta phải ra tòa với 4 cáo buộc lừa đảo nhưng đều trắng án vào tháng 11/1981. Phán quyết trắng án bị lật ngược vào 1 năm sau đó và Dawe lãnh mức án 5 năm tù giam.

Dawe không ra tòa nhận án mà lẩn trốn ở Thái Lan. Chính quyền Hong Kong đã phát lệnh truy nã Interpol đối với trường hợp của ông ta. Chạy trốn suốt 2 năm, cuối cùng, Dawe bị bắt ở sân bay Heathrow (London) và bị trục xuất về Hong Kong. Tại đó, ông ta thụ án 2 năm 8 tháng trong trại giam Stanley.

Sau này, không ai biết số phận của ông trùm bí ẩn, từng có thời được KGB tài trợ nhưng có tin rằng điểm dừng cuối cùng của Dawe là ở Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới