Một loại động cơ được chế tạo cho dòng tiêm kích tàng hình J-20 đã không được đưa ra trưng bày tại triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc sau khi nó không vượt qua được các bài test về độ tin cậy, SCMP trích nguồn tin từ giới chuyên gia quân sự cho hay.
Hai chiếc J-20 xuất hiện tại hội chợ Chu Hải vẫn dùng động cơ Nga (SCMP)
Trước đó, nhiều người đã ngóng chờ loại động cơ WS-15 Emei do Trung Quốc tự phát triển cho tiêm kích J-20 xuất hiện tại hội chợ hàng không Chu Hải (Quảng Đông), kéo dài gần một tuần. Nhưng trong ngày khai mạc, hôm thứ Ba vừa rồi, những người yêu thích quân sự Trung Quốc đã không thể được thỏa mãn.
“Hoạt động của động cơ này vẫn rất không ổn định nhưng các kỹ sư vẫn chưa nắm được nguyên nhân chính là gì, cho dù sức mạnh của các ống phụt vector đẩy đã được cải thiện rất nhiều”, một chuyên gia quân sự nói với SCMP.
Giới thạo tin quân sự nói động cơ WS-15, được phát triển ròng rã nhiều năm, vẫn không đạt được các chỉ số tin cậy tổng thể trong các cuộc thử nghiệm kéo dài hàng trăm giờ.
Hồi tháng 9, SCMP đưa tin rằng động cơ WS-15, với một cánh quạt turbine, được trông đợi sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay, trước khi Tập đoàn Hàng không Thành Đô, đơn vị chế tạo tiêm kích J-20 , khai trương dây chuyền sản xuất thứ tư.
Ba chiếc tiêm kích J-20 xuất hiện trong màn trình diễn 6 phút hôm khai mạc hội chợ Chu Hải vẫn dùng động cơ AL-31 Saturn do Nga sản xuất. Một nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh nói điều này cho thấy “kế hoạch sản xuất hàng loạt có vẻ đã bị ảnh hưởng, mặc dù vấn đề khẩn cấp đối với quân đội Trung Quốc (PLA) là có càng nhiều tiêm kích J-20 càng tốt”.
Hội chợ hàng không Chu Hải là dịp chủ chốt để quân đội Trung Quốc khoe các vũ khí tiên tiến nhất của họ. Sự kiện này cũng được xem là cơ hội để PLA “thể hiện nhuệ khí và thúc đẩy lòng yêu nước” ở Trung Quốc. “Tình thế đang khiến người Trung Quốc khá bối rối bởi nay họ có thể phải nhờ người Nga giúp đỡ”, vị chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói với SCMP.
Tuy nhiên, điều dễ hiểu là một cường quốc như Trung Quốc không hề muốn phụ thuộc vào người khác, kể cả đó là Nga.
“Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị với Nga nhưng Bắc Kinh sẽ phải làm gì nếu quan hệ đó xấu đi, hoặc nếu Nga rơi vào chiến tranh với một nước nào đó? Tất cả những yếu tố đó có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất động cơ AL-31 và cả kế hoạch sản xuất hàng loạt động cơ cho tiêm kích J-20”.
Năm ngoái, Trung Quốc đã cố đưa tiêm kích tàng hình J-20 vào hoạt động, sớm hơn kế hoạch nhằm đáp lại việc Mỹ triển khai tiêm kích tàng hình F-35 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Hàn Quốc cũng sẽ nhận 40 chiếc trong năm nay.
Ban đầu, máy bay J-20 được lắp động cơ WS-10B, được thiết kế cho các dòng máy bay thế hệ cũ hơn là các tiêm kích J-10 và J-11. Tuy nhiên, đây chỉ là sự thay thế tạm thời và PLA bắt đầu nhập động cơ Nga bởi chúng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêm kích J-20.
Mặc dù động cơ WS-15 không thể ra mắt, điều an ủi nhiều người Trung Quốc là một phiên bản cải tiến của động cơ WS-10B cho tiêm kích J-10B đã được mang ra trưng bày, được chuyên gia quân sự đánh giá khá cao về khả năng cơ động.
Chuyên gia quân sự Chu Trần Minh ở Bắc Kinh nói: “Tiêm kích J-10 cuối cùng cũng đã có khả năng thể hiện năng lực tác chiến sau khi được trang bị động cơ mới”.
Ông Chu cũng nói động cơ mới sẽ giúp nhà sản xuất, Tập đoàn Hàng không Thành Đô, xuất khẩu dòng tiêm kích này. Nhưng cho dù người ta mang đến triển lãm mô hình máy bay J-20, Trung Quốc chưa thể bàn đến chuyện xuất khẩu loại tiêm kích này.
“Cho đến nay, J-20 vẫn là máy bay tiêm kích tàng hình tiên tiến nhất của Trung Quốc. Không nước nào xuất khẩu dòng tiêm kích tối tân của mình”, chuyên gia quân sự Lý Khiết ở Bắc Kinh nói.
Nhưng kể cả khi Trung Quốc muốn xuất khẩu tiêm kích J-20 thì việc này cũng chưa thể trở thành hiện thực bởi họ chưa thể chủ động trong việc sản xuất động cơ cho nó.