Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngNguy cơ đụng độ quân sự Mỹ-TQ ở Biển Đông là có...

Nguy cơ đụng độ quân sự Mỹ-TQ ở Biển Đông là có thật

Tại điểm nóng Biển Đông, cả Trung Quốc và Mỹ đều không nhượng bộ nhau và nguy cơ hai bên đụng độ quân sự tại đây là điều khó loại trừ.

Tàu chiến Decatur của Mỹ suýt va chạm mạnh với tàu hải quân Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 9/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Từ đằng xa, tàu chiến Trung Quốc cảnh báo tàu khu trục Mỹ rằng đây là “hành trình nguy hiểm” ở Biển Đông. Sau đó, tàu Trung Quốc tiến lại gần một cách nguy hiểm. Trong một vài phút căng thẳng, dường như va chạm là điều khó tránh khỏi.

Con tàu Mỹ có tên Decatur kéo còi. Tàu Trung Quốc không buồn để ý. Thay vào đó, thủy thủ đoàn của tàu này chuẩn bị ném các tấm hấp thu xung lực lớn để bảo vệ tàu. Một trong các thủy thủ Mỹ nhớ lại: Họ chuẩn bị để đẩy chúng tôi ra khỏi đường đi.

Chỉ nhờ nỗ lực ngoặt đột ngột mà tàu Decatur mới tránh được va chạm thảm họa vào buổi sáng sớm của một ngày tháng 9/2018. Nếu tai nạn xảy ra, có thể cả hai tàu đã bị hư hại nặng khiến thủy thủ hai tàu thiệt mạng và nghiêm trọng hơn, sự việc có thể đẩy hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân vào một cuộc khủng hoảng quốc tế, theo một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên.

Hai tàu tiến sát cách nhau chỉ có 42m. Sự cố ngày 30/9 này gửi đi tín hiệu về điều mà các tư lệnh Mỹ lo ngại là một giai đoạn nguy hiểm trong cuộc đối đầu ở vùng biển này.

Hai bên cùng liều?

Brendan Taylor, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Người ta đang chơi trò chơi mạo hiểm kiểu chim ưng-bồ câu quanh các điểm nóng của châu Á. Vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi xảy ra một xung đột nào đó.”

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến sẽ nỗ lực làm giảm những căng thẳng như thế này và giảm nguy cơ tính toán lầm giữa đôi bên.

Tuy nhiên cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào tháng 10 rằng Mỹ sẽ có quan điểm cứng rắn hơn nhiều nhằm vào Trung Quốc khiến cho 2 vị bộ trưởng quốc phòng có ít không gian để làm giảm căng thẳng giữa hai bên trên biển.

Năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu hải quân nước này thực hiện thêm các hoạt động đối phó với các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc.

Và họ đã cử nhiều tàu chiến tới vùng biển này một cách thường xuyên và các tàu đó đã đi sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở Biển Đông (những đảo này có nhà chứa máy bay, đường băng, cảng nước sâu và gần đây là cả tên lửa tầm ngắn). Ngoài ra, Washington còn yêu cầu các đồng minh đóng góp tàu bè cho nhiệm vụ này.

Thiếu quy tắc “trò chơi”

Giới phân tích cho biết, việc thiếu một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ về các quy tắc “trò chơi” ở Biển Đông làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố chết người.

Năm 2001, một vụ va chạm giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ trên vùng biển đảo Hải Nam đã làm thiệt mạng một phi công Trung Quốc và làm xấu đi quan hệ giữa hai nước trong nhiều tháng. Chính phủ hai nước sau đó nhất trí thiết lập một đường dây nóng giữa quân đội hai nước để xử lý các sự cố như vậy nhưng kênh này đã không hoàn toàn hiệu quả.

Thời Chiến tranh Lạnh, Washington và Moscow tuân theo một thỏa thuận về các sự cố trên biển mà dù ít dù nhiều đã góp phần quản lý cách thức hải quân hai nước hoạt động trên biển. Nhưng cuộc cạnh tranh hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc có đặc điểm khác.

Khi đó, Mỹ và Liên Xô muốn bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế để hai nước có thể cùng theo đuổi các lợi ích toàn cầu. Tuy nhiên cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington lại xoay quanh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông và các nỗ lực của Mỹ thách thức lại điều này. Và hai bên đều không nhượng bộ nhau trong cuộc đối đầu này.

Sứ mệnh của tàu Mỹ Decatur là nhấn mạnh rằng hải phận quốc tế là tự do, dành cho tất cả các bên và rằng tuyên bố 12 hải lý của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo mà họ xây trái phép là không có cơ sở trong luật quốc tế. Phía Trung Quốc thì bất chấp luật quốc tế trong vấn đề này, họ cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay năm 2016 không có giá trị đối với họ.

Năm 2014, Mỹ và Trung Quốc cùng với các nước khác đã ký Bộ quy tắc cho các tình huống va chạm bất ngờ trên biển – bộ quy tắc này mô phỏng các khía cạnh của thỏa thuận trước đó giữa Mỹ và Liên Xô về ứng xử giữa đôi bên khi đối đầu trên biển.

Nhưng bộ quy tắc mới nói trên mang tính tự nguyện và không giải quyết vấn đề cơ bản là vùng lãnh hải và ai có thể đi tới đâu, theo ông Collin Koh, chuyên gia hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore.

Ông Koh nói: “Cái này giống kiểu thỏa thuận của một quý ông”.

Tuần trước, Đô đốc Richardson hối thúc Trung Quốc “quay trở lại với việc nhất quán tuân thủ bộ quy tắc mà họ đã đồng ý”. Ông Richardson cho rằng việc đó sẽ “giảm thiểu nguy cơ tính toán lầm khiến có thể xảy ra một sự cố khu vực và leo thang căng thẳng”.

Thực tế Đô đốc này đã yêu cầu tàu bè Trung Quốc ngừng các hành động như thể đó họ là ông chủ của Biển Đông.

Mỹ quan ngại sâu sắc về tiềm lực hải quân Trung Quốc

Mỹ ngày càng ý thức về tình trạng đối đầu căng thẳng, nhất là khi họ quan ngại tàu thuyền của họ đang ở thế phòng ngự sau 70 năm không hề bị thách thức quyền lực khi đi trên Thái Bình Dương.

Hồi tháng 5, người đứng đầu Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip S. Davidson, nói với Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc mưu toan kiểm soát Biển Đông bằng “mọi kịch bản chỉ thiếu chiến tranh”.

Điều này dẫn Mỹ tới chỗ phải đánh giá lại các ưu tiên chiến lược và chi tiêu của hải quân nước này. Khi chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy hải quân Mỹ làm thêm nhiều điều nữa ở Biển Đông thì lực lượng này có ít trang bị hơn Trung Quốc, và Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh cho hải quân của họ.

Năm 2017, Trung Quốc có 317 tàu chiến và tàu ngầm so với 283 chiếc trong hải quân Mỹ.

Một quan chức cao cấp của quân đội Mỹ nói: Một dự đoán của Lầu Năm Góc cho thấy, vào năm 2025, quân đội Trung Quốc sẽ có thêm 30% máy bay tiêm kích và 4 hàng không mẫu hạm so với 2 chiếc hiện nay.

Trung Quốc dự kiến cũng có thêm đáng kể tàu khu trục tên lửa dẫn đường, hệ thống tác chiến dưới biển hiện đại và tên lửa siêu thanh, vẫn theo nguồn tin nói trên.

Mối quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc hiện đại hóa hải quân được phản ánh trong một tác phẩm mang tên “How We Lost the Great Pacific War” do giám đốc tình báo của hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) viết. Bài viết này vạch ra một kết quả ảm đạm có thể xảy đến với hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới