Mới đây, Chính phủ Australiacho biết nước này sẽ xây dựng lại một căn cứ hải quân Mỹ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai ở Papua New Guinea. Đây là động thái mới nhấtcủa Australia được xem là nhằm đề phòng trước sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.
Tàu hộ vệ lớp Anzac của Hải quân Hoàng gia Australia. Nguồn:AFP
Australia mở lại căn cứ hải quân ở Papua New Guinea
Ngày 01/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill nhất trí tái lập căn cứ hải quân Lombrum ở đảo Manus ở phía Bắc Australia, cho phép hải quân hai nước tiếp cận một cảng ở phía Nam Thái Bình Dương và có hướng tiếp cận vùng Biển Đông tranh chấp ở phía Nam. Mặc dù không công khai chi phí của kế hoạch này, song Thủ tướng Morrison cho biết trước những bất ổn và cạnh tranh chiến lược, Australia cần củng cố sự cam kết bảo vệ Thái Bình Dương và sẽ hành động mạnh mẽ hơn.Cùng thời điểm này, Chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đang thăm Australia, trong đó hai bên đã thảo luận về chiến lược đối phó Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương. Đô đốc John Richardson đánh giá cao việc Australia đề nghị cùng hợp tác tái lập căn cứ Manus.
Căn cứ Manus do quân đội Mỹ xây dựng vào năm 1944, dùng để mở hướng tấn công nhằm tái chiếm Thái Bình Dương khỏi phát xít Nhật, đồng thời yểm hộ nỗ lực Mỹ giải phóng Philippines. Tại đây, Mỹ đã xây một đường băng dài gần 3.000 m cho máy bay cất và hạ cánh, cùng nhiều kè để tàu chiến cập bến. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, căn cứ Lombrum được Mỹ dùng để xét xử các tội phạm chiến tranh của chế độ phát xít Nhật. Vài năm gần đây, Australia sử dụng căn cứ Manus để giữ người xin tị nạn. Theo Tư lệnh hải quân Australia, Chuẩn đô đốc Michael Noonan, Australia sẽ hợp tác cùng Papua New Guinea xây kè, mở rộng căn cứ để tàu tuần tra tặng cho Papua New Guinea và tàu thuyền các nước khác có thể cập bến. Quân đội Papua New Guinea cũng mong muốn Australia cung cấp khí tài quân sự hiện đại, gồm xe quân sự và trực thăng.
Australia nhiều lần quan ngại trước việc TQ gia tăng ảnh hưởng
Việc tái lập căn cứ Manus là động thái mới nhất trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của Australia trước Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Hàng chục năm qua, Australia luôn có tầm ảnh hưởng rộng lớn tại Thái Bình Dương, nhưng trong vài năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu chú ý đến khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên này. Năm 2018, Papua New Guinea từng cho biết Bắc Kinh ngỏ ý tài trợ cho dự án tái phát triển một căn cứ hải quân trên đảo Manus. Lời đề nghị này khiến Australia cùng nhiều nước phương Tây lo ngại. Tháng 8/2018, Australia đã quyết định tài trợ cho quân đội Fiji xây căn cứ Đá Đen ở Nadi, trong khi một đơn vị tác chiến hải quân Australia cùng lính thủy quân lục chiến Mỹ đã đến khu vực này để biểu thị tinh thần hợp tác quân sự với các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Đến tháng 10/2018, khu trục hạm Michael Murphy của hải quân Mỹ đã thăm thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, nhằm củng cố quan hệ giữa hai nước. Tuyên bố tái lập căn cứ của Thủ tướng Australia diễn ra trước khi Papua New Guinea tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2018) trong hai ngày 17 – 18/11. Trước đây, Australia đã đồng ý đầu tư vào hệ thống cáp Internet ngầm dưới nước và một trung tâm an ninh mạng cho quần đảo Solomon để loại bỏ gói thầu tương tự của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei nhằm thiết lập cáp cho đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể tiếp cận tới trung tâm băng thông rộng ở Sydney của Australia. Trong dự án này, phía Australia sẽ chi trả 2/3 chi phí của tổng kinh phí 100 triệu USD.
Trung Quốc tích cực lôi kéo Papua New Guinea
Papua New Guinea nằm vào phía Tây Nam Thái Bình Dương, là một thành viên Khối thịnh vượng chung và là quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, trong đó dầu mỏ, đồng và vàng chiếm đến 72% nguồn thu từ xuất khẩu. Tuy nhiên, do còn là một nền kinh tế kém phát triển nên hiện Papua New Guinea đang ngày càng cần Trung Quốc giúp phát triển, vài năm qua đã vay khá nhiều tiền của Bắc Kinh để đối phó cuộc khủng hoảng ngân sách và kinh tế suy thoái. Chính phủ Papua New Guinea hiện nợ Ngân hàng Eximbank của Trung Quốc gần 1,9 tỉ USD khi tham gia vào sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc. Hôm 01/11/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thăm Papua New Guinea và cho biết việc Trung Quốc cam kết tăng cường giúp các nước thuộc phía Nam Thái Bình Dương hoàn toàn là thiện chí, rằng Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác và sự giúp đỡ của đó không bao giờ đi kèm theo các điều kiện chính trị.
Australia cũng nhiều lần lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Biển Đông cách Canberra hơn 6.000 km song những hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này đang khiến giới chức ngoại giao và quốc phòng Australia không khỏi lo ngại ở hai khía cạnh “tự do hàng hải” và “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne hôm 30/10/2018 cho biết Chính phủ Australia sẽ xem bất kỳ việc sử dụng chiến thuật hù dọa nào tại Biển Đông là “gây bất ổn và nguy hiểm tiềm tàng”. Ông tuyên bố “Australia đã thường xuyên lên tiếng bày tỏ sự lo ngại việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên không thực hiện những hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng tại khu vực này”. Trong Sách trắng Ngoại giao của Australia công bố hôm 23/11/2017, lần đầu tiên trong 13 năm Australia đã bày tỏ sự quan ngại của nước này về các hoạt động “chưa từng có tiền lệ” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Australia coi đây là một “vấn đề lớn của trật tự khu vực”. Sách trắng cho biết Australia “đặc biệt quan ngại về tốc độ và quy mô chưa từng có tiền lệ” của các hoạt động bồi đắp, xây dựng mà Trung Quốc tiến hành tại vùng biển tranh chấp. “Australia phản đối việc sử dụng các thực thể tranh chấp và các cấu trúc nhân tạo trên Biển Đông để phục vụ cho các mục đích quân sự. Chúng tôi ủng hộ việc giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Sách trắng Ngoại giao Australia nêu rõ. Trước đó, trong Sách Trắng Quốc phòng công bố hôm 26/2/2016, Australia đã công bố kế hoạch 20 năm tăng cường sức mạnh hải quân với việc trang bị thêm nhiều tàu ngầm, tàu chiến như một sự tích tụ quân sự mà Canberra nói là cần thiết để duy trì hòa bình trong khu vực. Tài liệu này đề cập “mối quan tâm đặc biệt đến tốc độ chưa từng có và quy mô của các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông”. Trong khi tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Australia “phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông vì mục đích quân sự”; đồng thời khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không được luật pháp quốc tế công nhận ở vùng biển này. Sau khi công bố Sách Trắng, Bộ Quốc phòng Australia sẽ công bố Kế hoạch tiềm lực quốc phòng 10 năm và Tuyên bố chính sách công nghiệp quốc phòng đề cập ưu tiên chủ chốt của Chính phủ trong lĩnh vực này cũng như khung thời gian thực hiện.